Bộ Y tế: "Dự kiến đến hết tháng 8 có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và Quảng Nam"

(Tổ Quốc) - Bộ Y tế hiện đang phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng, dự kiến đến hết tháng 8/2020 có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 sáng 14/8, GS.TS Nguyễn Thanh Long, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết dự kiến đến hết tháng 8/2020 có thể kiểm soát được tình hình tại Đà Nẵng và Quảng Nam. Bộ Y tế hiện đang phối hợp với các địa phương tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu, mở rộng xét nghiệm tại cộng đồng. 

Đối với công tác điều trị bệnh nhân mắc Covid-19, Bộ Y tế đã cử tất cả các đội tinh nhuệ nhất từ các bệnh viện lớn vào chi viện, phối hợp, hỗ trợ các địa phương. Tất cả các trang thiết bị cần thiết đều được đưa vào để phục vụ điều trị.

Tuy nhiên, do đợt này, dịch Covid-19 tấn công vào đúng khu vực xung yếu nhất là các khoa điều trị bệnh nhân nặng, tự thân tính mạng đã rất mong manh, sự sống của nhiều người phụ thuộc vào máy móc, do đó mắc thêm Covid-19 chỉ như "giọt nước tràn ly". Mặc dù các thầy thuốc đã nỗ lực hết sức nhưng nhiều trường hợp đã không qua khỏi. 

Bộ Y tế: Dự kiến đến hết tháng 8 có thể kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại Đà Nẵng và Quảng Nam - Ảnh 1.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long phân tích tình hình dịch bệnh hiện nay. Ảnh: VGP/Đình Nam

BCĐ thống nhất nhận định, dịch bệnh còn kéo dài, cả cộng đồng phải chung sức để cùng ngăn chặn dịch bệnh, không để lây lan rộng.

Phương châm phòng chống dịch là cùng ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh tiềm ẩn nhiều nguy cơ, toàn hệ thống phải triển khai đồng bộ các biện pháp để "chung sống an toàn với dịch".

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, trong đợt dịch này, ở nhiều nơi, cả chính quyền lẫn người dân, có biểu hiện chủ quan, chưa thực sự vào cuộc theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Chính vì vậy, BCĐ thống nhất đề xuất Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành Chỉ thị mới để chỉ đạo các địa phương và người dân triển khai thực hiện các biện pháp chống dịch trong thời gian tới.

Theo đó, chúng ta cần phải nâng mức cảnh báo. Chính quyền các cấp không được chủ quan, lơ là; phải chuyển sang trạng thái ứng phó mạnh mẽ hơn; siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh. Mỗi cấp chính quyền phải có phương án chủ động, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, phương tiện để ứng phó kịp thời khi có tình huống dịch bùng phát. Đặc biệt, cần "cột chặt trách nhiệm của người đứng đầu các cấp" trong công tác phòng, chống dịch.

Đối với người dân, BCĐ kêu gọi phải nâng cao tinh thần cảnh giác, chấp hành nghiêm các biện pháp chống dịch như hạn chế đi ra đường nếu không cần thiết; nếu đi ra nơi công cộng thì phải thường xuyên đeo khẩu trang; giữ khoảng cách tiếp xúc,… Mỗi người dân cần thay đổi thói quen để "chung sống an toàn với dịch bệnh". Đây không chỉ là trách nhiệm của mỗi người với chính bản thân mình, với gia đình mình, mà rộng ra là trách nhiệm với xã hội, đất nước.

Về quản lý đối tượng nhập cảnh là các chuyên gia, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao vào Việt Nam làm việc, đại diện Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng… đề nghị các địa phương cần kiểm soát chặt chẽ. Đặc biệt phải thực hiện nghiêm các quy định về tổ chức cách ly, an toàn vệ sinh dịch tễ. Đồng thời cần nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ mới (như một số nước tiên tiến đã thực hiện test nhanh đối với những người vừa xuống sân bay; hay gắn vòng điện tử theo dõi người nhập cảnh) để nhanh chóng sàng lọc, quản lý chặt chẽ người nhập cảnh theo quy định.

Tính đến 6h sáng 14/8, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 911 ca bệnh, 21 người tử vong, 425 ca đã khỏi, 465 bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước. 

Minh Nhân

Tin mới