• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bóng đá Việt Nam 2017: Thăng, trầm- quên và nhớ

Thể thao 14/02/2018 09:18

(Tổ Quốc) -Năm 2017 có thể được đánh giá là một trong những năm thành công lớn đối với bóng đá Việt Nam. Nhưng bên cạnh những thành công đã đạt được, bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều nốt trầm.

Từ những nốt trầm đáng quên…

Mặc dù giải đấu quốc nội cao nhất V-League đã kết thúc với chức vô địch thuộc về Quảng Nam FC sau 15 năm chờ đợi và được đánh giá cao về mức độ kịch tính cũng như tính cạnh tranh cao nhưng bên cạnh đó, V-League 2017 cũng sở hữu những “kỉ niệm” mà chắc chắn người hâm mộ (NHM) cũng như các cầu thủ đều muốn quên đi.

Chắc hẳn NHM vẫn không thể quên được scandal trên sân vận động Thống Nhất ở vòng 6 (19/02/2017) khi các thành viên CLB Long An bỏ thi đấu để phản đối quyết định của trọng tài. Phản ứng này đã khiến Long An chìm sâu trong khủng hoảng và cuối cùng phải rớt hạng trước hai lượt đấu. CLB, lãnh đạo CLB, HLV và cầu thủ cũng đều bị kỷ luật nặng sau phản ứng tiêu cực này.

Sự cố của CLB Long An trên sân vận động Thống Nhất là một kỉ niệm buồn đáng quên với NHM nước nhà (Ảnh: Dân Việt)

Chưa dừng lại ở đó, V-League 2017 tiếp tục chứng kiến những màn thi đấu bạo lực điền hình như trường hợp tiêu biểu nhất của Pape Omar (FLC Thanh Hóa) phải nhận án phạt cấm thi đấu 8 trận sau khi có hành vi khiêu khích thô tục với khán giả khi bị khán giả phản ứng trong trận đấu với Sanna Khánh Hòa trên sân Nha Trang, và trường hợp của Sầm Ngọc Đức (Hà Nội) sau tình huống bóng nguy hiểm với hậu vệ Nguyễn Anh Hùng (Hải Phòng) ở vòng 14 cũng phải nhận án phạt tương tự. Rồi đến những trường hợp phạm lỗi thô bạo, “bỏ bóng đánh người” của Hoàng Vũ Samson với tiền vệ Châu Ngọc Quang (Hoàng Anh Gia Lai) trên sân Hàng Đẫy (Hà Nội) ở vòng 3; tình huống bỏ bóng đạp người của tiền vệ Lê Quốc Phương (FLC Thanh Hóa) với hậu vệ Âu Văn Hoàn (TP.HCM) trên sân Thanh Hóa ở vòng 5; trung vệ Trần Chí Công (XSKT Cần Thơ) đạp liên tục vào người tiền vệ Trương Văn Thái Quý (Hà Nội) trên sân Cần Thơ ở vòng 11; thủ môn Nguyễn Huỳnh Quốc Cường (Long An) đạp tiền vệ Da Sylva (TP.HCM) trên sân Long An ở vòng 14; trung vệ Trần Đình Trọng (Sài Gòn) đạp vào ngực tiền đạo Mạc Hồng Quân (Than Quảng Ninh) trên sân Thống Nhất ở vòng 18; Nguyễn Văn Quyết giật chỏ Nghiêm Xuân Tú trên sân Cẩm Phả ở vòng 26.

Có thể thấy, gần như không một vòng đấu nào của giải không có sự hiện diện của bạo lực. Theo thống kê, mùa giải 2017 có số lượng thẻ phạt thấp hơn hẳn so với mùa giải trước (659 thẻ vàng và 31 thẻ đỏ). Nhưng chắc chắn, về mức độ “xấu xí” khiến NHM ngao ngán thì không hề thua kém với bất cứ mùa giải nào.

Song song với những nốt trầm của giải đấu quốc nội V-Leauge, trên bình diện quốc tế, một nốt trầm rất đáng quên khác cũng khiến người hâm mộ tiếc nuối là thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Đây có lẽ là thất bại lớn nhất mà bóng đá Việt Nam phải đón nhận trong năm 2017.

U22 Việt Nam bước vào đấu trường SEA Games 29 với vị thế là một trong những ứng cử viên cho chức vô địch và được đặt nhiều kỳ vọng từ NHM. Xuyên suốt những bước khởi đầu của U22 Việt Nam là những chiến thắng giòn giã trước những đối thủ cùng bảng.

Tuy nhiên, những tính toán sai lầm của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã khiến mọi thứ trở thành mây khói. U22 Việt Nam thất bại ngay từ vòng bảng và phải sớm rời Malaysia. Thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29 có thể nói là nốt lặng lớn khiến bóng đá Việt Nam có một năm thực sự không trọn vẹn.

Đến những thành công trên đấu trường quốc tế!

Bên cạnh những nốt trầm đáng quên trong năm vừa qua, bóng đá Việt Nam cũng đạt được những thành công lớn mang lại tín hiệu tích cực khả quan như đội tuyển U15 Quốc gia cũng xuất sắc giành ngôi vô địch Đông Nam Á 2017, Đội tuyển nữ Quốc gia giành Huy chương Vàng SEA Games 29, đội tuyển Futsal nữ giành huy chương Bạc SEA Games 29, đội tuyển Futsal nam giành huy chương Đồng SEA Games 29.

Bên cạnh đó, trong năm 2017, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã tập trung 11 đội tuyển với nhiều đợt tập huấn để thực hiện nhiệm vụ. Cùng với sự đầu tư của Nhà nước cho các Đội tuyển Quốc gia, LĐBĐVN đã chủ động xây dựng kế hoạch, huy động tối đa các nguồn tài trợ để đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm cho các đội tuyển, đặc biệt là ưu tiên các đội tuyển trẻ để tham gia các đấu trường quốc tế.

U23 Việt Nam đã viết lên khởi đầu lịch sử cho bóng đá Việt Nam trong năm 2018 (Ảnh: AFC)

Từ công tác xã hội hóa, bóng đá Việt Nam đã có được nguồn kinh phí lớn để đảm bảo cho công tác đầu tư tổ chức tập huấn cho các đội tuyển và tuyển trẻ tại một số quốc gia có nền bóng đá phát triển.

Chính nhờ những yếu tố này, lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam trở thành một trong số ít những quốc gia tại châu Á có 6 đội tuyển giành quyền tham dự VCK các giải đấu châu Á gồm: Đội tuyển nam Quốc gia giành quyền tham dự VCK Asian Cup 2019; Đội tuyển nữ Quốc gia giành quyền tham dự VCK Asian Cup nữ 2018; Đội tuyển U23 Quốc gia giành quyền tham dự VCK U23 châu Á 2018; Đội tuyển U19 Quốc gia giành quyền tham dự VCK U19 châu Á 2018; Đội tuyển U16 Quốc gia giành quyền tham dự VCK U16 châu Á 2018 và Đội tuyển futsal nam Quốc gia giành quyền tham dự VCK futsal châu Á 2018.        

Trong đó, đáng kể nhất là sự kiện U23 Việt Nam giành được quyền tham dự VCK châu Á 2018 thông qua con đường “chính ngạch”, thay vì với tư cách chủ nhà như năm 2007. Và chính tại đấu trường này, U23 Việt Nam đã tạo nên được lịch sử khi lần lượt đánh bại các "ông lớn" trong khu vực để giành ngôi vị Á quân, mở màn cho một năm thành công của bóng đá Việt Nam.

Với sự thành công bước đầu của ĐT U23 Việt Nam, hy vọng rằng trong năm 2018, ngành bóng đá Việt Nam sẽ có những bước phát triển lớn hơn, lấy lại được niềm tin của NHM đồng thời khẳng định được vị thế của mình trên đấu trường quốc tế.

 

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ