• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bùng nổ loạt nghi ngờ từ lời thú nhận "muộn mằn" tên lửa bắn rơi máy bay của Iran

Thế giới 12/01/2020 09:58

(Tổ Quốc) - Vụ tai nạn của chiếc máy bay Ukraine tiếp tục đặt chính quyền Iran đối mặt với những sức ép từ cả bên trong lẫn bên ngoài.

Lời thừa nhận muộn mằn của Iran rằng họ "vô tình" bắn hạ chiếc máy bay của hàng không Ukraine khiến 176 người thiệt mạng, đã đẩy Cộng hòa Hồi giáo vào những thách thức mới về cả đối ngoại và đối nội.

Hình ảnh của Iran bị ảnh hưởng nặng nề khi các nhà điều tra của nước này cũng như chính phủ và giới ngoại giao liên tiếp phủ nhận việc máy bay Ukraine bị tên lửa Iran bắn trúng, khiến toàn bộ 176 hành khách và phi hành đoàn bị thiệt mạng. Tuy nhiên, hôm thứ bảy (11/1), một tướng chỉ huy Iran tiết lộ, ông từng nêu khả năng trên với các nhà lãnh đạo cấp cao ngay từ ngày 8/1 – ngày xảy ra vụ tai nạn.

Khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng đứng ra chịu trách nhiệm, chính vị tướng này lại cho biết họ đã cảnh báo Tehran về việc phải đóng cửa không phận giữa những lo ngại khả năng Mỹ tấn công trả đũa sau khi loạt tên lửa đạn đạo từ Iran rơi xuống hai căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq. Vụ trả đũa của Mỹ rốt cuộc không xuất hiện, nhưng nỗi lo sợ đủ lớn để một quả lên lửa Iran trực tiếp nhắm trúng chiếc Boeing 737 của Hàng không Quốc tế Ukraine (UIA) vừa cất cánh từ sân bay quốc tế Tehran.

Bùng nổ loạt nghi ngờ từ lời thú nhận "muộn mằn" tên lửa bắn rơi máy bay của Iran - Ảnh 1.

Hoa và nến tưởng niệm các nạn nhân trong vụ máy bay Ukraine bị rơi (ảnh: Efrem Lukatsky)

Căng thẳng giữa Mỹ và Iran bùng nổ sau khi tướng cấp cao Iran Qassem Soleimani bị ám sát trong một cuộc không kích của Mỹ tại Baghdad, Iraq. Tuy nhiên, hôm thứ sáu (10/1), Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ áp dụng thêm trừng phạt nhằm vào ngành công nghiệp kim loại của Iran. Trong khi đó, hàng nghìn lính bổ sung của Mỹ vẫn hiện diện tại các căn cứ ở Trung Đông bất chấp yêu cầu Mỹ rời khu vực của Iran.

Bối cảnh trên mở đường để Iran ngày càng rời xa thỏa thuận hạt nhân 2015 ký kết với các nước lớn trên thế giới. Tháng 5/2018, chính ông Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận. Sau cái chết của Tướng Soleimani, Tehran tuyên bố không còn tuân thủ bất kỳ giới hạn nào trong thỏa thuận nhưng vẫn chấp nhận các thanh sát viên của Liên Hợp Quốc làm việc tại Iran.

Các bước xa hơn có thể làm nổ ra một cuộc tấn công từ Israel nếu họ cảm thấy Iran sắp phát triển vũ khí hạt nhân. Đây là điều mà Tehran phủ nhận nhưng các nước phương Tây lại lo ngại sẽ xảy ra.

Thông qua Ngoại trưởng Javad Zarif, Iran từng biện hộ cho các động thái gần đây của mình, bao gồm cả quyết định không kích các căn cứ Iraq có quân đội Mỹ hiện diện mà không gây ra thương vong. Còn giờ đây, quốc gia Trung Đông lại phải tìm cách xử lý các tác hại từ việc giới lãnh đạo nước này ban đầu liên tục phủ nhận những liên quan tới thảm kịch ngoài ý muốn.

"Vào thời điểm đó không có tên lửa phóng đi trong khu vực đó", Đại sứ Iran tại Anh Hamid Baeidinejad từng khẳng định trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/1, đồng thời chỉ trích lời cáo buộc là "hoàn toàn không thể chấp nhận được".

Sau đó, câu chuyện đột ngột thay đổi vào sáng thứ bảy (11/1), với lời thừa nhận từ quân đội Iran rằng, chiếc máy bay đã "bị vô tình bắn hạ do lỗi của con người".

Ông Baeidinejad đã phải xin lỗi trên Twitter. "Trong phát biểu với truyền thông Anh hôm trước, tôi đã truyền tải các thông tin chính thức từ các cơ quan có trách nhiệm của đất nước mình là tên lửa không thể bị phóng đi và bắn trúng máy bay Ukraine vào khoảng thời gian đó", ông viết. "Tôi rất xin lỗi vì đã cung cấp các thông tin sai lệch như vậy".

Bùng nổ loạt nghi ngờ từ lời thú nhận "muộn mằn" tên lửa bắn rơi máy bay của Iran - Ảnh 2.

Hiện trường vụ tai nạn máy bay bị rơi (ảnh: Reuters)

Về cơ bản, Vệ binh Cách mạng chỉ trình bày vụ việc với lãnh tụ tối cao Ayatollah Ali Khamenei, nhưng chính ông Khamenei đã công khai thừa nhận vụ tấn công tên lửa và trích dẫn một báo cáo của lực lượng quân đội thông thường của Iran.

Tuy nhiên, bản thân thông cáo của quân đội Iran cũng làm dấy lên các câu hỏi khi cho biết, chiếc máy bay đã di chuyển "rất gần tới một địa điểm quân đội nhạy cảm" thuộc quyền kiểm soát của Vệ binh.

"Độ cao và hướng chuyển động của chiếc máy bay giống như một mục tiêu của kẻ thù, vì vậy chiếc máy bay bị nhắm bắn một cách vô tình do lỗi của con người", thông cáo viết.

Theo trang web theo dõi các chuyến bay FlightRadar24, tất cả dữ liệu của các chuyến bay của hãng UIA từ Tehran kể từ đầu tháng 11 chỉ ra, chuyến bay hôm thứ tư theo đúng độ cao và hướng bay tương tự. 9 chuyến bay khác cất cánh khỏi sân bay cùng ngày 10/1 trước máy bay UIA đều không gặp vấn đề gì. Vệ binh tuyên bố, họ đã yêu cầu chính quyền Iran đóng cửa không phận tại Tehran sau khi tấn công tên lửa các căn cứ Iraq – nhưng không thành công.

Giới phân tích đã đặt câu hỏi về quyết định không đóng cửa không phận của chính quyền Tehran.

"Điều đầu tiên một quốc gia nên làm trong trường hợp có leo thang xung đột quân sự đó là đóng của bầu trời đối với các chuyến bay dân dụng", tướng về hưu người Ukraine Ihor Romanenko nhận định. "Nhưng điều này sẽ đem lại các tổn thất to lớn về tài chính, tiền phạt và tiền bồi thường, vì vậy Iran đã lựa chọn một cách tiếp cận nhẫn tâm".

Vệ binh Cách mạng có quyền tự quyết rất lớn tại Iran. Họ thường có những hành động mang tính khiêu chiến cao như những lần chạm trán căng thẳng với Hải quân Mỹ tại Vịnh Ba tư hoặc bắn hạ một máy bay trình thám quân đội Mỹ mùa hè năm ngoái. Chính vì vậy, chỉ vài ngày trước vụ tên lửa bắn nhầm, Hiệp hội Hàng không Liên bang Mỹ từng tái phát đi một cảnh báo về việc bay tới Iran, trong đó đề cập tới nguy cơ bị "nhận dạng sai".

Lực lượng quân đội thông thường của Iran – vốn bị giới hạn quyền lực kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979 do "đấu đá" nội bộ và trang thiết bị lỗi thời, chính là bên công bố bản báo cáo. Động thái này phần nào cho thấy tính chất "cạnh tranh" giữa hai lực lượng. Vị thế của Vệ binh Cách mạng có thể bị thách thức mặc dù nó vẫn đang đóng vai trò chủ chốt trong an ninh và các lĩnh vực kinh tế của Iran.

Theo hãng tin AP, việc các quan chức Iran ban đầu cố tình phủ nhận bắn nhầm tên lửa, đã vấp phải sự phản đối từ chính người dân Iran. Tối ngày 11/1, nhiều người đã tụ tập tại các trường đại học ở Tehran để biểu tình phản đối sự thừa nhận muộn mằn của chính phủ. Họ yêu cầu phải cách chức và xét xử những cá nhân liên quan tới vụ việc đau lòng. Đám đông biểu tình sau đó đã bị cảnh sát giải tán.

Minh Đức

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ