• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Buôn Ma Thuột – trận thắng mở màn mang ý nghĩa chiến lược

Thời sự 28/04/2020 05:23

(Tổ Quốc) - Từ lâu, cả ta và địch đều thấy rõ tầm quan trọng chiến lược của Tây Nguyên mà Buôn Ma Thuột là mục tiêu chính. Ai chiếm giữ được Tây Nguyên thì sẽ làm chủ được cả miền Trung. Vì vậy, đánh chiếm được Buôn Ma Thuột sẽ tạo thuận lợi để đánh chiếm toàn bộ Tây Nguyên và miền Trung.

Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 8/1/1975, Bộ Chính trị họp (mở rộng) đánh giá tình hình địch, ta ở miền Nam. Bộ Chính trị dự kiến: 'Nếu thời cơ đến vào đầu năm hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975". Cũng thời gian này, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định lấy Buôn Ma Thuột làm mục tiêu chủ yếu của chiến dịch Tây Nguyên năm 1975.

Việc chọn Buôn Ma Thuột làm mục tiêu quyết chiến trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng. Buôn Ma Thuột nằm trên trục đường 14, 21 thuận lợi cho việc phát triển chiến đấu ra các tỉnh Tây Nguyên, xuống duyên hải miền Trung và vào Nam Bộ. Buôn Ma Thuột có vị trí chiến lược quan trọng ở Nam Tây Nguyên nhưng lại nằm xa các trung tâm quân sự lớn, hạn chế sự chi viện của địch. Buôn Ma Thuột và vùng phụ cận có địa thế rất thuận lợi cho tác chiến hợp đồng binh chủng, nhưng ta chưa dùng chủ lực lớn đánh vào thị xã bao giờ nên địch bố trí binh lực ở đây có sơ hở hơn so với Pleiku và Kon Tum. Do đó, một trận đánh lớn ở Buôn Ma Thuột sẽ tạo sự rung động mạnh về chiến lược, làm đảo lộn thế phòng thủ của địch ở Tây Nguyên, uy hiếp đồng bằng ven biển miền Trung, mở ra hướng tiến công quan trọng vào Sài Gòn. 

 Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, đầu năm 1975, Bộ Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên được thành lập do đồng chí Hoàng Minh Thảo làm tư lệnh và đồng chí Đặng Vũ Hiệp làm chính ủy. Để tạo bí mật, bất ngờ cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, từ đầu năm 1975, lực lượng bộ đội chủ lực của ta ở Tây Nguyên đã tiến hành một kế hoạch nghi binh, tổ chức một số trận đánh nhỏ lẻ ở bắc Tây Nguyên, thu hút sự chú ý đối phó của địch. Và quân ngụy vẫn cho rằng, ta chỉ có thể đánh những trận quy mô nhỏ như thế ở bắc Tây Nguyên chứ không thể đánh lớn vào các đô thị lớn có lực lượng phòng thủ mạnh.

Buôn Ma Thuột – trận thắng mở màn mang ý nghĩa chiến lược - Ảnh 1.

Xe tăng và bộ binh quân giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy (ảnh: TTXVN)

Đại tá, anh hùng Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 kể lại: Vào đầu năm 1975, khi đó, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 575 công binh thuộc Sư đoàn 470 đóng quân trong rừng già Trường Sơn ở Tây Nguyên thì nhận được lệnh phải bí mật mở đường xuyên qua rừng già vào sát thị xã Buôn Ma Thuột.

"Lúc đó, chúng tôi không biết mở đường để làm gì bởi Chiến dịch Tây Nguyên và mục tiêu tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột được giữ kín, ngay đến cấp chỉ huy trung đoàn vẫn không được biết"- Đại tá Lê Xuân Bá nói. Ông kể tiếp: "Vào đầu mùa khô 1975, bom đạn địch rải xuống Tây Nguyên không còn nhiều như những năm đầu thập kỷ bảy mươi nên công binh của các trung đoàn thuộc Sư đoàn 470 nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ mở đường mới. Thế nhưng, không như những đơn vị mở đường khác, công binh của Trung đoàn 575 lúc nhận nhiệm vụ chỉ được cấp cho những lưỡi cưa, dùng tay để cưa cây rừng. Theo lệnh của cấp trên, chúng tôi cưa sát gốc cây, đến khi thân cây còn khoảng 1/4 thì dừng, không để cây đổ, dễ bị lộ. Cả trung đoàn mở 3 nhánh đường 50, 50B, 50D có tổng chiều dài 60km chỉ với những chiếc cưa tay trong điều kiện phải im lặng, bí mật tuyệt đối. Đó sẽ là những con đường dẫn xe tăng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột. Đường này được hoàn tất lúc 21 giờ ngày 9-3-1975, tức chỉ trước giờ phát lệnh tấn công thị xã Buôn Ma Thuột chưa đầy 5 giờ đồng hồ.

2 giờ 3 phút ngày 10-3-1975, Bộ tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên phát lệnh nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Cả khu rừng bao quanh thị xã rùng rùng chuyển động. Từng tốp xe tăng hùng dũng húc đổ những thân cây đã cưa sẵn, con đường lộ ra. Trung đoàn Công binh 575 bỏ cưa, cầm súng chạy theo xe tăng trên con đường vừa phát lộ thẳng tiến về thị xã Buôn Ma Thuột và truy quét địch".

Cũng thời điểm ấy, từ các hướng, quân ta nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Mở đầu, đặc công đánh sân bay thị xã, đánh khu kho Mai Hắc Đế, một lực lượng đánh sân bay Hòa Bình; hỏa tiễn H12, ĐKB và các cụm pháo tập trung bắn vào Sư bộ 23 của địch. Sáng ngày 10-3, ở hướng Bắc, bộ binh ta có xe tăng phối hợp đánh vào Ngã Sáu và đánh chiếm Tiểu khu Buôn Ma Thuột. Hướng Tây Bắc, lực lượng ta tiêu diệt Sở chỉ huy khu Kho Mai Hắc Đế, đánh chiếm các cứ điểm Chư Êbur, Chư Dluê… phá hệ thống cứ điểm án ngữ vòng ngoài thị xã. Ở hướng Tây, quân ta đánh chiếm doanh trại tiểu đoàn quân y và áp sát căn cứ Sư bộ 23. Ở hướng Nam, ta đánh vào khu hành chính, khu tiếp vận, Sở Thú y, Ty Ngân khố, khu cư xá sĩ quan và đánh chiếm quận lỵ Hòa Bình. Ngày 11/3/1975, bộ binh, xe tăng và trọng pháo của ta tập trung đánh vào Sư bộ 23, địch chống trả quyết liệt, nhưng đến 10 giờ quân ta đã làm chủ các mục tiêu, chiếm lĩnh Sư bộ 23, bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó Sư 23 ngụy, lực lượng ta đã làm chủ hoàn toàn thị xã.

Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng khi đó là đại đội trưởng đại đội 9, tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 273 xe tăng. 12 xe tăng và 12 xe thiết giáp nhận lệnh đánh thọc sâu vào sư đoàn bộ của sư 23 ngụy. Ông trực tiếp chỉ huy xe tăng 980 lao vào khu truyền tin rồi đánh vào khu kho Mai Hắc Đế, kho vận tải, kho xăng. Đến gần trưa 11-3, đại đội 9 làm chủ sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy, cùng bộ binh bắt sống tên tỉnh trưởng Đắk Lắk và đại tá sư đoàn phó Sư 23 ngụy.

Thất thủ ở Tây Nguyên, chính quyền Sài Gòn và cố vấn Mỹ bàng hoàng, sửng sốt, hoàn toàn bất ngờ và rơi vào thế bị động. Quân ngụy ở khắp Tây Nguyên hoảng loạn, mất tinh thần chiến đấu.

Chiến thắng Buôn Ma Thuột đã đi vào lịch sử, là một trong những chiến thắng oanh liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam. Chiến thắng Buôn Ma Thuột trước hết là nhờ sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, của Quân ủy Trung ương đã có quyết tâm cao, chọn đúng thời cơ lịch sử, chọn đúng điểm quyết chiến chiến lược và tập trung cao độ binh hỏa lực để giành thắng lợi. Chiến thắng Buôn Ma Thuột là chiến công chung của quân và dân trong cả nước mà trực tiếp là lực lượng chủ lực của Mặt trận Tây Nguyên.

Đại tá Bùi Đức Toàn

NỔI BẬT TRANG CHỦ