• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Buông lỏng quản lý trong đầu tư xây dựng, Hải Phòng để thất thoát hơn 59 tỷ đồng

Thời sự 08/12/2018 08:07

(Tổ Quốc) - Từ năm 2010 – 2017, do buông lỏng quản lý và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay, UBND TP Hải Phòng đã để thất thu hơn 59 tỷ đồng.

Buông lỏng quản lý trong đầu tư xây dựng, Hải Phòng để thất thoát hơn 59 tỷ đồng - Ảnh 1.

Dự án cầu vượt nút giao Nguyễn Bỉnh Khiêm - Lê Hồng Phong - Ảnh Tạp chí Giao thông vận tải

Thần tốc thẩm định, phê duyệt, dự toán công trình

Ngày 5/12/2018, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra về việc quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật về đầu tư xây dựng của TP Hải Phòng từ nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn vay giai đoạn 2010 – 2017.

Theo đó, trong giai đoạn 2010 – 2017, Hải Phòng được Trung ương quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư phát triển từ các chương trình mục tiêu, vốn trái phiếu Chính phủ.

Trong giai đoạn từ 2010 -2016, quy mô vốn phát triển trên địa bàn thành phố là đạt mức tăng bình quân 11%/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong gia đoạn này của TP Hải Phòng đạt hơn 259 tỷ đồng. Nguồn vốn này được tập trung vào các dự án, công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật…nhờ vậy mà bộ mặt đô thị của Hải Phòng được thay đổi, quy hoạch dân cư đô thị, nông dân được quan tâm, giao thông, hạ tầng kết nối được đảm bảo….Tuy nhiên, công tác quản lý đầu tư cơ bản của Hải Phòng trong gia đoạn này còn tồn tại nhiều bất cập, thiếu hợp lý dẫn tới sai phạm trong công tác quy hoạch và lập chủ trương đầu tư; phân bổ vốn đầu tư và nợ đọng xây dựng; công tác khảo sát, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư; công tác lập, thẩm định; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán công trình, công tác đấu thầu; công tác quản lý chất lượng công trình…Trong đó, công tác lập, thẩm định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công dự toán công trình được cho là rất thần tốc, táo bạo, chỉ trong vòng 3 ngày.

Điều này đã dẫn đến chất lượng dự toán được duyệt không chính xác như: Công trình cầu Hoàng Văn Thụ, dự án cầu Khuể Hải Phòng, dự án cầu Hàn, cầu Đăng Hải Phòng…

Bên cạnh đó, trong công tác đấu thầu, cũng để xảy ra không ít"thiếu xót" như: Không tổ chức, thành lập tổ chuyên gia xét thầu; tổ tư vấn chấm thầu không có chứng chỉ, nghiệp vụ về công tác đấu thầu; tỷ lệ tiết kiệm thông qua đấu thầu thấp; Có dự án không mời thầu, không đấu thầu…

Kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng

Những sai phạm nêu trên đã dẫn tới thiệt hại nặng nề về ngân sách. Cụ thể, tổng sai phạm tài chính đề nghị giảm trừ là 59.171,768 triệu đồng.

Có thể kể ra những dự án có sai phạm, gây độn vốn, đội giá dẫn đến những thiệt hại nêu trên như: Dự án cải tạo nâng cấp đường 356 đoạn 2A từ ngã 3 Nguyễn Bỉnh Khiêm đến đập Đình Vũ, Km0- Km2+231 (2.799,915 đồng); dự án xây dựng nút giao khác mức giữa đường Lê Hồng Phong với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm (815,885 triệu đồng); dự án kiên cố hóa và điều chỉnh cục bộ hướng tuyến đê tả Lạch Tray, từ An Đồng đến cầu Rào, đoạn từ K19+000 đến K23+160 và từ K24+118 đến K26+130 (2.473,463 triệu đồng); dự án củng cố nâng cấp đê biển Bạch Đằng (1.376,201 triệu đồng); dự án đường bao phía Đông Nam quận Hải An (7.036,693 triệu đồng); dự án tuyến đường trục chính giao thông Khu đô thị và Công nghiệp Bến Rừng (2.277,673 triệu đồng); dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến đê biển Nam Đình Vũ (3.633,000 triệu đồng); dự án đường Trục chính Tây Nam khu công nghiệp Đình Vũ (12.251,266 triệu đồng); dự án đầu tư xây dựng cầu Khuể, Hải Phòng (4.248,259 triệu đồng); dự án xây dựng cầu Hàn (7.603,497 triệu đồng); dự án hạ tầng KĐT mới Bắc sông Cấm (4.434,013 triệu đồng); dự án tuyến đường trục chính 100m Lạch Tray – Hồ Đông (1.501,264 triệu đồng)…

Căn cứ vào kết quả thanh tra cùng những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị 3 nội dung chính là cơ chế chính sách, kinh tế và xử lý hành chính.

Theo đó, về cơ chế chính sách, Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ Xây dựng rà soát lại định mức xây dựng đối với định mức chuyên ngành đặc thù do các Bộ, ngành khác ban hành không có sự thống nhất với định mức của Bộ Xây dựng như định mức công tác khảo sát đo đạc do Bộ TN&MT ban hành, để áp dụng thống nhất trong đầu tư xây dựng cơ bản.

Đồng thời, nghiên cứu ban hành quy định áp dụng trong công tác thẩm định giá đối với một số chủng loại vật liệu không phổ biến thông thường trong báo giá của địa phương, để tránh tình trạng Nhà thầu thẩm định giá theo phương pháp lấy báo giá của 3 nhà sản xuất do đơn vị thu thập để làm cơ sở lập phê duyệt dự toán công trình như hiện nay dẫn đến một số vật liệu có sự chênh lệch lớn về giá, không phù hợp thị trường.

Cùng với đó, Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị UBND Thành phố Hải Phòng có biện pháp chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn như đã nếu trong kết luận; khẩn trương thực hiện việc sắp xếp, tổ chức hoạt động của các Ban Quản lý đầu tư xây dựng theo Nghị định 59 của Chính phủ. Cùng với đó, rà soát các dự án đầu tư và tập trung nguồn lực vốn đầu tư vào các dự án trọng điểm cấp thiết để hoàn thành dự án theo kế hoạch, chỉ đạo quyết liệt trong công tác giải phóng mặt bằng có phương án tháo gỡ khó khăn cho các Chủ đầu tư thực hiện dự án đảm bảo tiến độ được duyệt.

Về kinh tế, Thanh tra Chính phủ kiến nghị tổng giá trị sai phạm đề nghị giảm trừ là 59.171,768 triệu đồng.

Thanh tra Chính phủ đề nghị cần kiểm điểm làm rõ trách nhiệm trong việc đề xuất, chủ trương đầu tư các dự án liên quan đến những bất cập, tồn tại trong thực hiện quy hoạch, công tác bố trí vốn đầu tư và giải phóng mặt bằng. Kiểm điểm trách nhiệm đối với lãnh đạo UBND thành phố Hải Phòng phụ trách đầu tư xây dựng qua các thời kỳ để xảy ra sai phạm, khuyết điểm trong giai đoạn 2010 – 2017…./.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ