Cả nhà 3 người ngộ độc do ăn nấm dại, bé trai 10 tuổi suy gan được mẹ hiến gan cứu sống

(Tổ Quốc) - Mẹ của bệnh nhi cũng ngộ độc do ăn nấm độc, tuy nhiên chất độc chưa ngấm vào gan, do đó người mẹ đã quyết định hiến gan để cứu sống con mình.

Tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, có một gia đình 3 thành viên bị trúng độc do ăn nấm dại. Trong số đó, có một bé trai (10 tuổi) tên là Tiểu Quân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn ói, được chẩn đoán suy gan cấp tính.

Cả nhà 3 người ngộ độc do ăn nấm dại, bé trai 10 tuổi suy gan, được mẹ hiến gan cứu sống - Ảnh 1.

Tiểu Quân xuất hiện tình trạng đau bụng, nôn ói, được chẩn đoán suy gan cấp tính.

Người mẹ cho hay: "Tôi hái nấm dại trên núi, ngày hôm sau xào nấm với khoai tây. Sau khi ăn vào bữa sáng và bữa trưa thì cả nhà 3 người đều bị ngộ độc".

Bác sĩ Đổng Thiện Kinh, bệnh viện The First Bethune Hospital of Jilin University, cho biết: "Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng suy gan cấp tính dẫn đến hôn mê, chỉ có phương pháp cấy ghép gan mới có thể cứu sống được bệnh nhi. Mẹ của bệnh nhi cũng ngộ độc do ăn nấm độc, tuy nhiên chất độc chưa ngấm vào gan, do đó người mẹ đã quyết định hiến gan để cứu sống con mình".

Sau khi điều động đội ngũ bác sĩ và ê kíp phẫu thuật, bác sĩ đã thực hiện lấy nửa lá gan của người mẹ để cấy ghép vào cơ thể của bé trai 10 tuổi. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe của người mẹ ổn định, tình trạng của Tiểu Quân hồi phục tốt, chức năng đông máu và gan phục hồi.

Bác sĩ Đổng Thiện Kinh cảnh báo: "Hầu hết các loại nấm dại đều có khả năng gây ngộ độc, biểu hiện bệnh nhân ngộ độc nấm độc là đau bụng, buồn nôn, có thể xuất hiện các vấn đề về thần kinh, hôn mê sâu, trường hợp nghiêm trọng sẽ dẫn đến khó thở, thậm chí bệnh nhân có thể tử vong. Nếu bạn không thể phân biệt được các loại nấm độc thì tốt nhất không nên hái nấm dại nhằm tránh trường hợp gây ra suy gan, suy thận, di chứng để lại rất nghiêm trọng".

Cả nhà 3 người ngộ độc do ăn nấm dại, bé trai 10 tuổi suy gan, được mẹ hiến gan cứu sống - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Phân loại nấm độc theo thời gian chất độc phát tác

Chất độc phát tác chậm: Thời gian để các triệu chứng ngộ độc xuất hiện sau khi ăn nấm có chứa chất độc thường từ 6 - 40 giờ (trung bình là 12 giờ). Vì các triệu chứng ngộ độc đầu tiên xuất hiện sau ăn trong thời gian dài nên loại này thường dễ gây tử vong. Nấm có chứa Amanita verna, Amanita virosa, Amanita phalloides... sẽ thuộc nhóm chất độc phát tác chậm và có tỷ lệ tử vong khoảng 50% thậm chí là cao hơn

Chất độc phát tác nhanh: Trường hợp này các triệu chứng đầu tiên sẽ xuất hiện trong vòng 6 giờ sau ăn nấm. Nấm có chứa Inocybe fastigiata, Chlorophyllum molybdites... sẽ thuộc nhóm chất độc phát tác nhanh. Bệnh nhân ngộ độc nhóm nấm này, nếu được xử trí ngộ độc nấm độc kịp thời đồng thời áp dụng các biện pháp cấp cứu hồi sức cơ bản thì tỷ lệ qua khỏi, hồi phục tốt tương đối cao.

Dấu hiệu ngộ độc nấm độc

Người bệnh sau khi ăn nấm có chứa độc tố, triệu chứng ngộ độc nấm sẽ diễn ra theo các giai đoạn như sau:

- Giai đoạn tiềm ẩn (tính từ lúc ăn nấm đến khi xuất hiện triệu chứng đầu tiên): Thường kéo dài từ 6 - 24 giờ (trung bình là 12 giờ) và sau khi ăn nấm bệnh nhân không cảm thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào

- Giai đoạn rối loạn tiêu hóa: Thường xuất hiện trong khoảng thời gian từ 10 - 12 giờ sau ăn nấm. Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ có các triệu chứng như buồn nôn, nôn nhiều, đau bụng, tiêu chảy (phân toàn nước, có màu trắng đục giống như bệnh tả).

- Giai đoạn giả hồi phục: Sau khoảng 1 - 3 ngày xuất hiện các triệu chứng rối loạn tiêu hoá thì các triệu chứng này có vẻ như là chấm dứt. Tuy nhiên, giai đoạn này được xem là giai đoạn tình trạng bệnh trở nên xấu đi bởi đây là thời gian cho quá trình các chất độc làm tổn thương tế bào gan.

- Giai đoạn suy gan, thận: Thường diễn ra ở ngày thứ 4 hoặc 5 sau ăn nấm. Biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân trong giai đoạn này sẽ là vàng da ở các mức độ khác nhau; xuất huyết tiêu hoá, não, đường tiết niệu, dưới da; phù nề; tiểu ít hoặc vô niệu; hôn mê và dẫn đến tử vong do suy gan, suy thận, phù não biến chứng.

Theo Kankanews

TÚ UYÊN

Tin mới