• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Các địa phương chủ động chuẩn bị công tác phòng, chống bão số

Thời sự 17/08/2018 06:22

(Tổ Quốc) - Theo dự báo, từ đêm 16/8, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Hải Phòng đến Nghệ An. 

Dự kiến bão số 4 - Bebinca sẽ đổ bộ đất liền vào sáng 17/8.

Do ảnh hưởng của bão, từ tối nay, đất liền khu vực ven biển các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An có gió mạnh dần lên cấp 6-7, từ đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Bắc Thanh Hóa có gió bão mạnh cấp 8-9, giật cấp 11.

Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.    

Trọng tâm mưa rất to tập trung ở khu vực Đông Bắc, đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An; riêng Hòa Bình, Thanh Hóa có khả năng mưa đặc biệt to (400-500mm/đợt). Hà Nội có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 200-300mm/đợt).

Ngoài ra, từ hôm nay đến ngày 18/8, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ sẽ xuất hiện một đợt lũ, biên độ lũ lên trên hệ thống sông Hồng-Thái Bình, sông Hoàng Long từ 2-4m, các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An từ 3-7m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà, sông Thao, sông Hoàng Long, sông Bùi, sông Mã, sông Chu có khả năng lên mức BĐ2-BĐ3, riêng sông Bưởi lên mức BĐ3 và trên BĐ3, thượng lưu sông Cả lên mức BĐ1-BĐ2; thượng lưu sông Thái Bình và hạ lưu sông Cả ở mức BĐ1.

Nguy cơ rất cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét ở vùng núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đặc biệt tại các tỉnh như: Lai Châu, Sơn La, Hoà Bình, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An. Ngập úng tại các vùng trũng, thấp và các đô thị thuộc khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An.

Công tác chủ động phòng chống bão số 4 tại Hải Phòng: Nguồn Báo Hải Phòng

Tại Hải Phòng:  Một số quận huyện của thành phố Hải Phòng, việc di chuyển người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm trước khi bão số 4 đổ bộ đã được triển khai khẩn trương trong ngày 16/8.

Từ đầu giờ chiều 16/8, tại huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) đã có mưa to, gió cấp 7, cấp 8, giật cấp 10. Chính quyền và Bộ đội biên phòng đã tuyên truyền, vận động tất cả các phương tiện, tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn; trong đó, có nhiều phương tiện từ các tỉnh khác, như: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Phú Thọ…

Trong khi đó, đại diện Hàng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 4 tại khu vực phía Bắc, hãng đã đổi giờ bay 6 chuyến đến Hải Phòng và Vinh trong ngày 16/8. Các chuyến này được khởi hành sớm hơn 2-3 tiếng so với lịch trình cũ để tránh bão đổ bộ.    

Hãng Vietjet Air đã hủy 6 chuyến bay, trong đó có VJ286 từ TP HCM đi Hải Phòng, VJ926 từ Hải Phòng đi Incheon (Hàn Quốc), VJ732 từ Nha Trang đi Hải Phòng và VJ282/283 (chặng TP HCM - Hải Phòng - TP HCM). Nhiều chuyến bay khác cũng bị ảnh hưởng dây chuyền.

Ngày 17/8, Vietjet Air sẽ hủy chuyến bay VJ925 từ  Incheon đi Hải Phòng. Vietnam Airlines sẽ hủy 2 chuyến bay VN1180/1181 giữa TP HCM và Hải Phòng và điều chỉnh giờ khởi hành của các chuyến bay giữa TP HCM và Vinh từ buổi sáng sang buổi chiều. 

Công tác phòng chống bão tại Thanh Hóa: Nguồn Báo Thanh Hóa

Tại Thanh Hóa: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, chiều 16/8 Thanh Hóa đã xả 5 cửa hồ Cửa Đạt (huyện Thường Xuân) - hồ thủy lợi lớn nhất của tỉnh - với lưu lượng 1.000m3/s.

Cũng trong ngày hôm nay, Chủ tịch tỉnh có công điện khẩn gửi các huyện, thị xã, thành phố hoãn tất cả các cuộc họp, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó với bão số 4. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời ứng cứu khi có yêu cầu.

Tại Quảng Ninh: Chiều 16/8, đồng chí Nguyễn Đức Long, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTT&TKCN, PCCC tỉnh chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương trong tỉnh về triển khai ứng phó với cơn bão số 4.

Theo báo cáo của các địa phương, đơn vị tại cuộc họp, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 4, thực hiện công điện của Trung ương và của tỉnh, các địa phương, sở, ban, ngành của tỉnh đã tập trung triển khai các biện pháp cụ thể. Đặc biệt, đã thực hiện nghiêm túc công tác vận động, di dời các hộ dân ra khỏi vùng ngập lụt, sạt lở; có phương án di dời người dân sinh sống trên các thuyền, bè neo đậu trong khu vực  nguy hiểm đến nơi tránh trú an toàn; tập trung các giải pháp phòng, chống bão tại một số dự án đang triển khai; rà soát, kiểm tra lại toàn bộ phương án thoát nước, gia cố những điểm xung yếu, hạn chế tối đa tình trạng sạt lở đất đá xuống các khu dân cư và đường giao thông...

 Hình minh họa: Nguồn Vietnamnet

Tại Nam Định: Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương, các sở, ngành, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL thực hiện nghiêm túc Công điện số 38/CĐ-TW hồi 18 giờ 30 ngày 15-8-2018 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai - Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các chỉ đạo của Trung ương; Công điện số 06/CĐ-UBND hồi 11 giờ ngày 15/8/2018 của UBND tỉnh. Hoãn tất cả các cuộc họp chưa thật cần thiết để tập trung chỉ đạo triển khai ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ“ đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão, lũ gây ra. UBND các huyện, thành phố rà soát và chủ động triển khai các phương án phòng chống bão đã xây dựng. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân bằng nhiều biện pháp nhất là thông qua hệ thống đài phát thanh, truyền thanh của huyện, xã, phường, thị trấn để nhân dân tự chủ động các biện pháp phòng tránh. Chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, tháo dỡ biển quảng cáo, chặt tỉa cành cây. Có phương án chủ động di dời người dân trước khi bão đổ bộ trực tiếp, nhất là người già, trẻ em, phụ nữ, người nghèo, các gia đình chính sách. Triển khai phương án đảm bảo an toàn cho các công trình công cộng, bến cảng, khu công nghiệp ven biển, các dự án lớn đang thi công, kho tàng bến bãi; hệ thống truyền tải điện..

Trước tình hình bão số 4 diễn biến phức tạp, Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn TP.Hà Nội đã ban hành Công điện số 06CĐ/BCH ngày 16/8/2018 về chủ động ứng phó trong trường hợp mưa lớn, ngập lụt.

Theo Công điện số 06CĐ/BCH, Ban Chỉ huy PCTT&TTCN TP.Hà Nội yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng chuẩn bị các phương án “4 tại chỗ” (gồm chỉ huy, lực lượng, phương tiện, hậu cần tại chỗ) và “5 không” (không để dân đói, dân khát, không bị điện giật, không bị dịch bệnh và không đuối nước) để chủ động ứng phó với mưa đặc biệt lớn do bão số 4.

Cụ thể, UBND, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các quận, huyện, thị xã phải chỉ đạo hướng dẫn người dân triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho nhà cửa, các công trình công cộng, khu công nghiệp, dự án đang thi công, hệ thống truyền tải điện, kho tàng.

Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội triển khai phương án tiêu thoát nước đô thị, đặc biệt là các quận nội thành.

Công ty TNHH MTV công viên cây xanh tổ chức chặt tỉa cành cây, sẵn sàng lực lượng kịp thời giải tỏa cây đổ khi có mưa to, gió lớn; hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản; không làm ảnh hưởng đến giao thông và sinh hoạt của nhân dân.

Phía các công ty thuỷ lợi phải tăng cường công tác kiểm tra hồ đập trên địa bàn, chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước bố trí lực lượng thường trực, theo dõi, vận hành hồ, nhất là đối với các hồ nước đã đầy.

Tổng Công ty Điện lực Hà Nội và các đơn vị có liên quan khẩn trương khắc phục nhanh các sự cố đối với hệ thống điện, sớm cấp điện trở lại phục vụ tiêu úng chống ngập và đảm bảo nguồn điện cho sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị trên tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, tình hình mưa lũ, đặc biệt quan tâm triển khai các giải pháp chống ngập úng cho các khu vực nội đô, trũng thấp; chống lũ lớn trên các tuyến sông, hồ chứa; đảm bảo an toàn cho dân cư, đặc biệt những khu vực mới xảy ra ngập úng kéo dài trên địa bàn huyện Chương Mỹ, huyện Quốc Oai (Hà Nội).

Đồng thời, các cơ quan, đơn vị có thẩm quyền và trách nhiệm phải duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Công tác tổ chức trực ban 24/24, theo dõi, tổng hợp và báo cáo kịp thời mọi diễn biến mưa, lũ, ngập úng do bão số 4 về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN TP.Hà Nội cũng phải được đảm bảo./.

Vi Phong (T/h)

 

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ