• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cách mạng 4.0 nhìn từ… xe ôm

Thời sự 30/06/2017 15:48

(Tổ Quốc) -Cuộc cách mạng 4.0 tưởng như là xa vời với những lao động chân tay. Tuy nhiên, “cuộc chiến” giữa xe ôm truyền thống và xe ôm sử dụng phần mềm điện thoại thông minh đang là câu chuyện mà những lao động phổ thông phải suy nghĩ.

Từ ngày các công ty sử dụng phần mềm đặt xe (cả xe taxi và xe ôm), thị trường khách sử dụng loại hình vận chuyển khách đã thay đổi chỉ bằng những câu lệnh trên phần mềm điện thoại thông minh đang ngày một nhiều hiện nay.

Không chỉ ở sự thuận tiện và “tấn công” được vào nhóm đối tượng khách hàng trẻ, thường xuyên kết nối internet, cùng với chiến lược marketing bài bản, các khách hàng sử dụng việc đặt xe luôn có các mã ưu đãi, giá rẻ, thậm chí còn đi không mất tiền. Việc này khiến các bác xe ôm truyền thống – có gì bán nấy, không quen sử dụng công nghệ, giá cả không linh động, có khách thì chạy… đã trở nên lạc hậu.

Báo chí thời gian qua đã phản ánh về tình trạng tranh giành khách, thậm chí còn là những cuộc ẩu đổ máu đã diễn ra giữa hai nhóm xe ôm: truyền thống và công nghệ

Dưới đây, phóng viên báo Điện tử Tổ Quốc đã ghi lại những hình ảnh về những tác động của việc ứng dụng công nghệ thông tin vào đời sống khiến các công việc tay chân truyền thống khác bị ảnh hưởng như thế nào:

Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 2014, đến nay, Grab đã trở thành một thương hiệu mới về vận tải khách lẻ. Sự bùng nổ của dịch vụ xe ôm công nghệ cao khiến kinh doanh theo cách truyền thống trở nên lép vế.

Xe ôm truyền thống luôn có một hạn chế là giá cả “trên trời dưới biển”. Đã có rất nhiều trường hợp, người dân hay du khách nước ngoài đến Việt Nam bị “chặt chém” với mức giá cao ngất ngưởng. Nhiều trường hợp bất tiện hơn, người dân phải đi bộ hàng km đến những nơi ngã ba ngã tư, bến xe để đón được xe ôm truyền thống.

Một người dân thường xuyên sử dụng dịch vụ GrabBike cho biết: “Trước nay mình hay di chuyển bằng xe ôm truyền thống, thậm chí có cả anh xe ôm quen, có luôn số điện thoại để tiện gọi bất cứ lúc nào. Nhưng từ ngày biết đến hình thức GrabBike thì mình lại không đi xe ôm truyền thống nữa. Vì thứ nhất là giá cả so với các loại hình xe ôm khác rẻ hơn rất nhiều. Thêm nữa, không phải đi bộ tìm xe ôm như trước đây mà có thể ngồi đặt qua mạng”.

Ngồi cả ngày, chào mời cả ngày, không ít người vẫn chịu cảnh ế ẩm. "Tôi đang nghĩ đến việc bỏ nghề. Ngày xưa, mỗi ngày kiếm được 300.000- 400.000 đồng là chuyện bình thường. Bây giờ, mỗi ngày 100.000 đồng nhiều khi còn chật vật", Anh Bình, 50 tuổi có thâm niên làm nghề xe ôm 6 năm tại Hồ Gươm kể.

Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay, riêng trên địa bàn Hà Nội có đến hơn vài chục ngàn xe GrabBike và xe Uber  phủ sóng toàn thành phố. Lái xe GrabBike hay Uber chủ yếu là đội ngũ trẻ, độ tuổi từ 18 - 30 chiếm phần đông, hơn 60%. Đặc biệt, trong số đó có rất nhiều bạn đang là sinh viên tại các trường đại học quanh địa bàn thành phố hay những người làm văn phòng. Họ coi đây là nghề làm thêm sau giờ học, giờ làm chính thức để kiếm thêm thu nhập. 



Sự xuất hiện và những ưu việt của xe ôm hiện đại đã khiến những người chạy xe ôm truyền thống phải lo lắng. Có những người vẫn quyết trụ với hình thức cũ vì không thích nghi với công nghệ số, nhưng có rất nhiều người đã quyết định chuyển đổi theo “thị hiếu” đông đảo.

 Ông Nguyễn Văn Tú (60 tuổi, Thanh Trì) chia sẻ “Chú chạy xe ôm truyền thống được 20 năm rồi, nhưng mới đây, chú phải từ bỏ và chuyển sang chạy theo hình thức của Grab, vì lượng khách đi xe ôm truyền thống ngày càng giảm. Thực sự, giá của Grab quá “bèo” so với công sức của người lái, nhưng biết sao bây giờ, không thay đổi thì chết đói”.
Với tiện ích, lịch sử và đặc biệt an toàn, tạo được niềm tin khách hàng, tỷ lệ người sử dụng dịch vụ xe ôm hiện đại này cũng tăng nhanh từ 35% lên đến khoảng 65%.

Mặt lợi cũng nhiều nhưng mặt hại cũng không ít, việc không có bến bãi, điểm đỗ nên các lái xe thường hay đỗ tràn ra lòng đường, hoặc các điểm cấm dùng đỗ xe để đón khách.
Theo lực lượng đảm bảo an toàn giao thông tại bến xe Giáp Bát cho biết: lực lượng Uber và Grab thường xuyên vi phạm an toàn giao thông, không theo một trật tự, bến bãi cụ thể, chở quá số người quy định.
Khác với nhiều hình ảnh các bác tài xế truyền thống, nhiều 'xe ôm" giờ đây đã thay đổi hoàn toàn khi trong tay luôn lăm lăm chiếc điện thoại thông minh và cắm tai nghe để nhận khách. "Chiến mã" cũng không phải chỉ là những chiếc xe số cũ kỹ mà có cả các xe tay ga , tay côn đời mới...
 Và các các tài xế nữ. 

Bảo Trung

NỔI BẬT TRANG CHỦ