Cảm xúc bị "phong toả" kéo dài sẽ gây nên trọng bệnh: Phương pháp đẩy lùi stress hiệu quả giúp bạn thọ ích cả đời

Thái Quỳnh Anh | 22-09-2020 - 19:25 PM

(Tổ Quốc) - Dù sang chấn là chuyện đã qua, nhưng phần não cảm xúc tiếp tục tạo ra cảm giác làm cho họ cảm thấy sợ hãi và bất lực. Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người bị sang chấn đã mắc chứng cuồng ăn uống, nghiện rượu, sợ quan hệ tình dục và tránh né nhiều hoạt động xã hội.

Tác giả của cuốn sách Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành là Tiến sĩ Y khoa Bessel Van Der Kolk, Bác sĩ chuyên khoa tâm thần, Giáo sư Tâm thần học của Trường Y Đại Học Boston đồng thời là Nhà sáng lập Trung tâm Điều trị Sang chấn (Trauma Center) tại Brookline, Massachusetts. Ông có nhiều năm làm việc và nghiên cứu trong lĩnh vực điều trị bệnh tâm thần, đặc biệt là điều trị stress do sang chấn ở người lớn và trẻ em. Chính nhờ kinh nghiệm quá trình tiếp xúc với các bệnh nhân bị sang chấn nhiều năm trời mà ông có một sự thấu hiểu sâu sắc những nỗi đau của nhiều người, ở mọi lứa tuổi.

Cuốn sách không chỉ được đông đảo bạn đọc trên thế giới đón nhận, mà ngay cả ở Việt Nam cuốn sách đang đứng vị trí best seller trên rất nhiều nền tảng bán hàng. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu xem các phương pháp để "Hồi phục sau sang chấn" mà tác giả Bessel Van Der Kolk nghiên cứu và áp dụng cho các bệnh nhân của mình. 

Cảm xúc bị phong toả kéo dài sẽ gây nên trọng bệnh: Phương pháp đẩy lùi stress hiệu quả giúp bạn thọ ích cả đời  - Ảnh 1.


1. ĐỐI PHÓ VỚI SỰ KÍCH THÍCH QUÁ MỨC

Trong vài thập kỷ qua, tâm thần học chính thống đã chú ý về việc sử dụng thuốc để thay đổi cách chúng ta cảm nhận, và điều này đã trở thành phương thức được chấp nhận để đối phó với chứng kích thích quá mức (hyperarousal).

Con người có rất nhiều kỹ năng sẵn có để giữ cho tâm lý mình ổn định, vững chắc. Khoảng 80% các sợi của thần kinh phế vị (kết nối não bộ với nhiều cơ quan nội tạng) là có liên quan; nghĩa là chúng chạy từ cơ thể sang não. Điều này có nghĩa chúng ta có thể trực tiếp huấn luyện hệ thống kích thích của mình bằng cách hít thở, hát và cử động. Học cách hít thở bình tĩnh và duy trì trạng thái thư giãn tương đối về thể chất, thậm chí ngay cả trong khi nhớ lại những kỷ niệm đau đớn và khủng khiếp, là một công cụ cần thiết để hồi phục.

Điều chỉnh cảm xúc là vấn đề quan trọng trong việc quản lý các ảnh hưởng của sang chấn. Ngoài yoga, những bộ môn mang tính truyền thống khác hiện đang được nghiên cứu để sử dụng trong điều trị PTSD như thái cực quyền, khí công, đánh trống kiểu châu Phi, Aikido, Judo, Tae kwon do, Kendo, Jujitsu, Capoeira từ Brazil,... Những bộ môn này liên quan đến vận động thể chất, hô hấp và thiền định.

Cảm xúc bị phong toả kéo dài sẽ gây nên trọng bệnh: Phương pháp đẩy lùi stress hiệu quả giúp bạn thọ ích cả đời  - Ảnh 2.

2. TỰ NHẬN THỨC

Trọng tâm của sự hồi phục là tự nhận thức. Các cụm từ quan trọng nhất trong liệu pháp trị liệu sang chấn là "Chú ý đến" và "Điều gì xảy ra tiếp theo?". Những người bị sang chấn sống với những cảm giác dường như không chịu nổi: Họ cảm thấy đau tức ngực và chịu đựng cảm giác khó chịu tận sâu trong bụng hay lồng ngực. Tuy nhiên, việc tránh né cảm nhận những cảm giác này trong cơ thể chỉ khiến chúng ta dễ bị những cảm giác ấy lấn át.

Nhận thức về cơ thể tức là ta đang kết nối với thế giới bên trong ta. Chỉ cần để ý đến sự bực bội, sợ hãi, lo lắng của mình, ta sẽ lập tức thay đổi quan điểm cá nhân và có những lựa chọn phản ứng mới ngoài những phản ứng tự động theo thói quen. Khi tập trung chú ý vào cảm giác của cơ thể, chúng ta có thể nhận ra những dòng chảy cảm xúc, nhờ đó tăng sự kiểm soát của chúng ta đối với chúng.

Những người bị sang chấn thường sợ phải cảm nhận những cảm giác thể chất của mình vì bây giờ chúng như những kẻ thù. Và vì sợ hãi nên cơ thể họ đông cứng lại, tâm trí họ cũng đóng kín. Dù sang chấn là chuyện đã qua, nhưng phần não cảm xúc tiếp tục tạo ra cảm giác làm cho họ cảm thấy sợ hãi và bất lực. Không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều người bị sang chấn đã mắc chứng cuồng ăn uống, nghiện rượu, sợ quan hệ tình dục và tránh né nhiều hoạt động xã hội.

Cảm xúc bị phong toả kéo dài sẽ gây nên trọng bệnh: Phương pháp đẩy lùi stress hiệu quả giúp bạn thọ ích cả đời  - Ảnh 3.

Để thay đổi, bạn cần phải mở lòng để trải nghiệm những gì đang diễn ra bên trong cơ thể mình. Bước đầu tiên là hãy để tâm trí bạn tập trung vào cảm giác của bạn và nhận thấy rằng những cảm giác cơ thể đều ngắn ngủi và đáp ứng lại với sự dịch chuyển nhẹ nhàng về vị trí của cơ thể, sự thay đổi trong nhịp thở, sự thay đổi trong suy nghĩ.

Một khi bạn chú ý đến cảm giác thể chất của mình rồi, bước tiếp theo là mô tả chúng, ví dụ: "Khi lo lắng, tôi cảm thấy lồng ngực mình như đang vỡ ra". Sau đó, tôi có thể nói với bệnh nhân: "Hãy tập trung vào cảm giác đó và xem nó thay đổi như thế nào khi bạn hít một hơi thật sâu, hoặc khi bạn chạm tay nhẹ vào phần ngực ngay dưới xương đòn, hoặc khi bạn cho phép mình khóc". Học cách quan sát và chấp nhận các phản ứng cơ thể là điều kiện tiên quyết để xem xét lại quá khứ một cách an toàn. Nếu bạn không thể chấp nhận những gì bạn đang cảm thấy ngay bây giờ thì việc mở ra quá khứ sẽ chỉ làm bạn đau khổ và tiếp tục tổn thương thêm mà thôi.

3. NHỮNG MỐI QUAN HỆ

Hàng loạt nghiên cứu cho thấy rằng có một mạng lưới hỗ trợ tốt tạo thành sự bảo vệ mạnh mẽ nhất chống lại việc bị sang chấn. Cảm giác an toàn có thể khắc chế được cảm giác sợ hãi. Khi chúng ta sợ hãi, chỉ có tiếng trấn an hay cái ôm chặt của người mà ta tin cậy mới có thể làm ta bình tĩnh lại. Khi sợ hãi, người lớn cũng thích được vỗ về y hệt như trẻ con, nghĩa là thích có ai ôm ấp mình, vỗ về, thích được đảm bảo rằng ai đó lớn hơn mình, mạnh mẽ hơn mình sẽ lo liệu mọi thứ, để mình có thể yên tâm đi ngủ một cách bình yên. Để phục hồi sau sang chấn, tâm trí, cơ thể và não cần phải được thuyết phục rằng chúng sẽ hoàn toàn an toàn khi buông bỏ ký ức đau thương. Điều đó chỉ xảy ra khi bạn cảm thấy an toàn từ bên trong cơ thể và cho phép bạn kết nối cảm giác an toàn với những ký ức về quá khứ bất lực.

Ngoài ra chúng ta có thể chọn lựa chuyên gia trị liệu

Các nhà trị liệu sang chấn được đào tạo bài bản có thể làm được ba việc sau: (1) giúp bệnh nhân ổn định và bình tĩnh, (2) giúp cho những ký ức ám ảnh được an nghỉ mãi mãi, (3) tái kết nối bệnh nhân với những người đàn ông và phụ nữ của họ. Lý tưởng là chính nhà trị liệu cũng sẽ được hưởng lợi khi thực hiện liệu pháp điều trị cho bệnh nhân.

Cảm xúc bị phong toả kéo dài sẽ gây nên trọng bệnh: Phương pháp đẩy lùi stress hiệu quả giúp bạn thọ ích cả đời  - Ảnh 4.

Hoàn toàn hợp lý khi bệnh nhân hỏi nhà trị liệu sang chấn về nơi nhà trị liệu đã theo học, về phương pháp trị liệu họ được đào tạo, về việc họ có hưởng lợi từ chính liệu pháp mà họ đề nghị sẽ áp dụng để chữa trị cho bệnh nhân.

Có rất nhiều liệu pháp để trị liệu sang chấn, thế nên bạn cần cẩn trọng với nhà trị liệu sang chấn nào đó cứ khăng khăng rằng chỉ có phương pháp đặc biệt của họ là giải pháp duy nhất. Nhà trị liệu cần có tư duy cởi mở, cần sẵn sàng học hỏi từ bệnh nhân.

4. TÁC DỤNG CHỮA TRỊ CỦA ÂM NHẠC, NHỊP ĐIỆU

Trong quá trình chữa trị cho các bệnh nhân sang chấn, tôi nhận ra âm nhạc, nhảy múa, diễn kịch, vận động, võ thuật có tác dụng chữa trị tuyệt vời, đặc biệt là khi các hoạt động này diễn ra theo nhóm.

Cảm xúc bị phong toả kéo dài sẽ gây nên trọng bệnh: Phương pháp đẩy lùi stress hiệu quả giúp bạn thọ ích cả đời  - Ảnh 5.

Bạn thử hình dung khung cảnh sau, một nhóm phụ nữ từng bị cưỡng hiếp ngồi ủ rũ, lặng người đi. Một người trong số đó bắt đầu ngân nga và đong đưa người qua lại. Những người phụ nữ khác bắt đầu hát theo nho nhỏ. Chẳng mấy chốc, cả nhóm bắt đầu hát, cử động, đứng lên nhảy múa. Gương mặt họ, cơ thể họ trở nên có sức sống.

Có rất nhiều bệnh nhân cho biết họ cảm thấy khá hơn khi tham gia hợp xướng, tập Aikido, nhảy Tango hoặc chơi Kickboxing.

5. SỰ XÚC CHẠM CHỮA LÀNH

Các loại thuốc như Serotonin, Respiridol và Seroquel ngày càng được trọng dụng để giúp con người đối phó với thế giới cảm giác của họ. Tuy nhiên, cách tự nhiên nhất có thể làm dịu đi nỗi đau của chúng ta chính là ai đó chạm vào ta, ôm ấp và vỗ về ta. Những hành động này giúp ta giảm sự phấn khích quá mức, làm cho chúng ta cảm thấy mình còn nguyên vẹn, an toàn, được bảo vệ và tự chủ.

Cảm xúc bị phong toả kéo dài sẽ gây nên trọng bệnh: Phương pháp đẩy lùi stress hiệu quả giúp bạn thọ ích cả đời  - Ảnh 6.

Cơ thể có thể bị "phong tỏa" bởi chính những cảm xúc bên trong. Ví dụ đôi vai của họ co lại, cơ mặt căng lên, họ dồn sức để kìm nước mắt rơi, kìm những âm thanh nức nở. Khi căng thẳng thể chất được giải phóng, cảm xúc cũng được giải phóng theo, hơi thở trở nên sâu hơn và khi hết căng thẳng, họ có thể bật ra những âm thanh biểu cảm. Cơ thể trở nên tự do hơn, bệnh nhân sẽ tự do thở, tự do hòa mình vào dòng chảy của cảm xúc. Va chạm, tiếp xúc cơ thể giúp cơ thể của bệnh nhân dần dần phản ứng lại với những đụng chạm, tiếp xúc.

"Bạn không thể phục hồi hoàn toàn nếu bạn không cảm thấy an toàn khi bị ai đó chạm vào da thịt. Vì vậy, tôi khuyến khích tất cả các bệnh nhân của tôi tham gia vào một số liệu pháp cơ thể, có thể là massage trị liệu, phương pháp Feldenkrais (phương pháp vận động nhẹ nhàng giúp cải thiện ý thức) hoặc phương pháp xoa bóp xương sọ (craniosacral therapy)". – Bessel Van Der Kolk

Cảm xúc bị phong toả kéo dài sẽ gây nên trọng bệnh: Phương pháp đẩy lùi stress hiệu quả giúp bạn thọ ích cả đời  - Ảnh 7.

6. HÀNH ĐỘNG

Cơ thể đáp ứng những trải nghiệm cùng cực bằng cách tiết ra hormone của stress. Người ta thường đổ lỗi cho hormone của stress khi họ mắc bệnh. Tuy nhiên, hormone của stress cho chúng ta sức mạnh và sự bền bỉ để đáp ứng các điều kiện khác thường. Những người tích cực làm cái gì đó để đối phó với thảm họa, ví dụ như cứu người thân, cứu những người lạ mặt, đưa người khác đến bệnh viện, tham gia vào đội ngũ y tế, dựng lều, nấu ăn, nghĩa là họ đang tận dụng hormone của stress vào mục đích thích hợp, do đó nguy cơ bị sang chấn ở họ thấp hơn nhiều (tuy nhiên, ai cũng có giới hạn chịu đựng riêng, ngay cả người chuẩn bị tâm lý tốt nhất vẫn có thể bị sốc bởi mức độ khác nhau của thử thách).

Sự bất lực và bất động khiến con người không sử dụng được các hormone của stress ở mình để tự vệ. Khi điều đó xảy ra, hormone của stress vẫn tiết ra nhưng hành động mà loại hormone này định "tiếp sức" thì bị cản trở. Cuối cùng, các mô hình kích hoạt vốn dùng để thúc đẩy việc đối phó lại bị đẩy ngược trở lại với cơ thể và tạo thành phản ứng tê liệt không phù hợp. Để trở lại hoạt động bình thường, phản ứng khẩn cấp liên tục này phải kết thúc. Cơ thể cần được khôi phục lại trạng thái an toàn và thư giãn ban đầu, từ đó nó có thể huy động hành động đáp ứng với nguy cơ thực sự.

*Bài viết tham khảo từ sách Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành của Bassel Van Der Kolk

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM