• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần bao nhiêu thời gian nữa để giải bài toán cơ chế, chính sách tuyển dụng giáo viên

Giáo dục 03/10/2018 14:06

(Tổ Quốc) - Xưa nay Người Thầy luôn có vị thế và vị trí cao nhất trong ngành giáo dục nếu không nói đến là cả xã hội. Thế nhưng nhìn vào thực trạng giáo viên đang giảng dạy và những gì liên quan đến đội ngũ ngày thì không khỏi băn khoăn.

Năm học mới đã bắt đầu được hơn một tháng, thế nhưng những vấn đề về giáo viên, đội ngũ giáo viên giảng dạy, thừa thiếu giáo viên… vẫn liên tục được báo chí đề cập đến.

Năm học mới bắt đầu với hàng chục nghìn giáo viên còn thiếu (ảnh tư liệu)

Những con số được đưa ra từ một phiên họp

Thông tin được đưa ra tại phiên họp giải trình của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội hôm 24/9, tính đến thời điểm ngày 15/8/2018, số lượng đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông toàn quốc có 1.161.143 người (công lập 858.772, ngoài công lập 23.691 người). Trong đó, mầm non: 309.770 (công lập 262.155, ngoài công lập 47.615); tiểu học: 395.848 (công lập 390.873, ngoài công lập 4.975); THCS: 305.815 (công lập 300.990, ngoài công lập 4.825); THPT: 149.710 (công lập 135.819, ngoài công lập 13.891).

Số biên chế giáo viên mầm non, phổ thông tuyển mới năm nay là 34.242 người, trong đó cấp mầm non: 13.939; tiểu học: 10.538; trung học cơ sở: 7.109; trung học phổ thông: 2.656.

So với nhu cầu sử dụng theo định mức quy định, số giáo viên còn thiếu sau khi đã được giao thêm biên chế để tuyển dụng là: 75.989 người (mầm non: 43.732 người; tiểu học: 18.953 người; THCS: 10.143 người; THPT: 3.161 người).

Riêng cấp THCS, hiện nay có tình trạng thừa, thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số cơ sở giáo dục, giữa các địa phương trong một tỉnh mà không điều tiết được và giữa các tỉnh/thành phố, nên đến thời điểm hiện tại mặc dù toàn quốc thiếu 10.143 giáo viên THCS nhưng vẫn thừa cục bộ 12.165 giáo viên THCS.

Hiện, nhiều địa phương đang cắt, giảm biên chế giáo viên, nhất là đối tượng giáo viên hợp đồng, theo Nghị quyết 19-NQ/TW để đạt mục tiêu giảm ít nhất 10% biên chế vào năm 2021. Việc thực hiện "cứng nhắc" ở một số địa phương dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên hợp đồng có nguy cơ mất việc, hoặc nhiều nơi thiếu giáo viên đứng lớp nhưng biên chế thì không được tăng thêm.

Cùng với những bất cập về thừa, thiếu giáo viên là những ngôi trường với sĩ số lên tới gần 70 học sinh/lớp (ảnh tư liệu)

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa, thiếu giáo viên

Có thể nói, nguyên nhân gây nên tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ là do việc biến động về quy mô trường/lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tình trạng tăng dân số cơ học tại một số đô thị lớn, các khu công nghiệp tạo áp lực lớn lên hệ thống trường lớp cũng như đội ngũ giáo viên. Trong khi tại những điểm trường ở vùng sâu, vùng xa, miền núi dù sĩ số học sinh/lớp ít hơn quy định song vẫn phải duy trì giáo viên cắm bản. Bên cạnh đó, một số địa phương đã tuyển dụng giáo viên không theo đúng nhu cầu thực tế, sai quy định, thậm chí có tiêu cực.

Tổng biên chế của các tỉnh có xu hướng giảm do thực hiện tinh giản biên chế, do đó không còn biên chế để tuyển giáo viên cho các cấp học, đặc biệt là cấp mầm non nhiều tỉnh đang thực hiện cắt giảm biên chế, nhất là giáo viên hợp đồng để đạt được mục tiêu cắt giảm được 10% biên chế mỗi năm. Gần 30 tỉnh không được giao thêm biên chế để tuyển thêm giáo viên cho năm học 2018-2019 trong khi đó có 29 tỉnh đề nghị bổ sung 40.447 biên chế sự nghiệp giáo dục năm 2018.

Ở cấp mầm non, việc huy động trẻ ra lớp tăng cao, tốc độ nhanh do nhu cầu cũng như việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.

Bên cạnh đó, công tác xây dựng quy hoạch, dự báo nhu cầu về đội ngũ giáo viên ở các địa phương chưa kịp thời hoặc không hiệu quả, dẫn đến bị động trong bố trí giáo viên giảng dạy.

Việc phân cấp trong công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ nhà giáo còn nhiều bất cập vì hầu hết ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học. Trong khi đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý trực tiếp cũng chưa có sự kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục đối với công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cũng dẫn đến những bất cập này.

Hoặc về cơ chế, chính sách, quy định chung viên chức áp vào giáo viên cũng gây ra những bất cập, không tạo được động lực cho các giáo viên gắn bó và phấn đấu với nghề.

Làm sao để cả học trò và thầy cô giáo mỗi ngày đến lớp là một ngày vui (ảnh tư liệu)

Đã có một số giải pháp được đưa ra

Trước thực trạng này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã đưa ra các giải pháp, tuy nhiên để giải quyết được những bất cập hiện nay cần phải có sự vào cuộc của toàn bộ các cơ quan, ban, ngành.

Về phía Bộ GDĐT, trước vấn đề thừa, thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên do tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh đang xảy ra ở một số địa phương, Bộ đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ, những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên. Cùng đó, ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở các địa phương, năm học 2018-2019 Bộ GDĐT tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có và thực hiện chính sách tinh giản biên chế, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuyển dụng và sử dụng giáo viên.

Bộ sẽ chỉ đạo nghiên cứu, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên, giao chỉ tiêu tuyển sinh sát với nhu cầu sử dụng. Bắt đầu từ năm 2018, Bộ quản lý và giao chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm trên cơ sở nhu cầu thực tế của địa phương đề xuất, đào tạo gắn với nhu cầu.

Trước tình trạng còn một lượng lớn giáo viên mầm non, phổ thông đang hợp đồng lao động và tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhất là việc một số địa phương có tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh do phát triển các khu công nghiệp, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2018, Thủ tướng đã chỉ đạo và giao Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ GDĐT xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học.

Để triển khai, Bộ Nội vụ đã họp bàn với Bộ GDĐT thống nhất chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Và rà soát, tổng hợp về dân số, số học sinh trên địa bàn từ năm 2015 đến nay nhằm làm rõ việc tăng, giảm về dân số và học sinh tại các cấp học, bậc học, trong đó tập trung làm rõ việc tăng, giảm học sinh cơ học tại các cấp học, bậc học ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị.

Trên cơ sở đó tổng hợp nhu cầu về giáo viên cần tăng thêm của tỉnh sau khi đã thực hiện tự điều chỉnh, cân đối trong tổng số người làm việc được giao của địa phương. Trường hợp vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu thì 2 Bộ thống nhất phương án trình Thủ tướng xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu quan điểm “Về biên chế giáo viên, dư luận nêu nhiều vấn đề về việc này và có nhiều bức xúc. Tinh thần chung là thực hiện Nghị quyết Trung ương, trước hết là Nghị quyết 19, rà soát, tổ chức, sắp xếp lại các điểm trường; điều chuyển, sắp xếp biên chế phù hợp, kịp thời theo nguyên tắc không được để thiếu giáo viên, nhất là vùng sâu, xa, vùng khó khăn, ảnh hưởng đến việc học hành của các cháu." Và Thủ tướng cũng đã giao Bộ trưởng Bộ Nội vụ sớm thống nhất với Bộ trưởng Bộ GDĐT trình ngay phương án cụ thể để xử lý, không kéo dài, chấp nhận hình thức hợp đồng để xử lý vấn đề giáo viên cấp bách hiện nay.

Quỳnh Nga

NỔI BẬT TRANG CHỦ