Căn bệnh mệnh danh "kẻ thù truyền kiếp" của dân văn phòng đến từ thói quen ít ai nghĩ tới

Ngọc Minh | 20-05-2020 - 19:58 PM

(Tổ Quốc) - Căng đau vai gáy là hội chứng rất phổ biến đối với dân văn phòng. Tuy không gây ra nguy hiểm nhưng nó gây ra những phiền toái không nhỏ với cuộc sống.

Dễ thành bệnh từ những thói quen

ThS.BS Nguyễn Đức Thành – Trưởng khoa Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho hay, rối loạn cơ - xương (căng đau vai gáy) có thể gặp ở bất cứ ai. Căng đau vai gáy thường gặp nhiều nhất ở lứa tuổi trung niên, đặc biệt với những người làm việc công sở phải ngồi nhiều.

Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến hội chứng căng đau vai gáy. Trong đó, thói quen nghe điện thoại kẹp vào một bên vai vừa nghe vừa ghi chép. Việc làm việc sai tư thế trong thời gian dài, sai tư thế khi lái ôtô, gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế, nằm xem tivi... là nguyên nhân phổ biến gây ra Hội chứng căng đau vai gáy.

"Tư thế nằm sai rất dễ làm căng đau vai gáy. Các cơ bậc thang dễ bị xoắn vặn và chèn ép vào các dây của đám rối thần kinh cách tay khi đầu ngoẹo sang một bên hoặc khi tay vươn lên quá đầu về đêm. Điều này xảy ra khi ngủ nghiêng với gối bên dưới vai hay nằm sấp hoặc nằm ngửa với tay đưa lên qua quá đầu", bác sĩ Thành chia sẻ.

Ngoài ra, việc ngồi trước quạt hay ngồi máy lạnh lâu, dầm mưa dãi nắng lâu, gội đầu, tắm rửa ban đêm... làm giảm sự cung cấp oxy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ cũng dẫn đến hội chứng trên.

Theo bác sĩ Thành căng đau vai gáy còn có thể do các nguyên nhân bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, hẹp ống sống, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ. Đôi khi có những trường hợp căng đau vai gáy xuất hiện tự phát, không có nguyên nhân rõ rệt.

Căn bệnh mệnh danh kẻ thù truyền kiếp của dân văn phòng đến từ thói quen ít ai nghĩ tới - Ảnh 1.

Căng đau cổ vai gáy gặp ở mọi đối tượng, ảnh minh hoạ.

Căng đau vai gáy có nhiều mức độ khác nhau: từ cảm giác "bó khít cổ" và khó vận động cổ cho đến đau nghiêm trọng làm cho cổ, vai, tay, cổ tay và bàn tay trở nên bất lực hoặc suy yếu. Tồi tệ nhất là tình trạng loạn dưỡng giao cảm phức tạp của một vùng.

Bác sĩ Thành cho hay: "Triệu chứng của Hội chứng căng đau vai gáy thường gặp nhất là đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng cổ, gáy, cảm giác nhức nhối khó chịu, có khi đau nhói như điện giật. Đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, cánh tay.

Một số trường hợp có thể kèm theo co cứng cơ, tê ở cánh tay, cẳng tay, bàn ngón tay hoặc nặng hơn là yếu liệt cơ, teo cơ. Các điểm đau khi ấn vào các gai sau và cạnh cột sống cổ kèm hạn chế vận động cột sống cổ".

Đau có thể xuất hiện tự phát hoặc sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh. Đau có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (âm ỉ, kéo dài). Đau thường có tính chất cơ học: tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; giảm khi nghỉ ngơi. Đau cũng có thể tăng khi thời tiết thay đổi.

Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng. Ngoài ra, còn có các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán như chụp X-quang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bác sĩ Thành khuyến cáo: "Căng đau vai gáy cần đi khám sớm khi có những dấu hiệu nguy hiểm sau như: tê/đau lan xuống tay, teo cơ, yếu tay... để tránh xảy ra các biến chứng muộn".

Điều trị hội chứng căng đau vai gáy sẽ được bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Ngoài ra, các phương pháp vật lý trị liệu như nhiệt trị liệu, điện xung, sóng ngắn, siêu âm trị liệu, kéo dãn cột sống cổ, xoa bóp bấm huyệt, tập vận động cột sống cổ cũng giúp ích rất nhiều cho việc điều trị.

"Người bệnh cũng cần phải nhớ rằng không nên xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động mạnh trong giai đoạn cấp tính. Một số trường hợp người bệnh cần được điều trị bằng phẫu thuật như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, trượt đốt sống...", bác sĩ Thành lưu ý.

Để phòng bệnh tái phát, người bệnh cần chú ý những vấn đề sau:

- Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay.

- Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu.

- Không nằm gối đầu cao để đọc sách hay nằm xem tivi, dễ làm sai tư thế cột sống cổ.

- Khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10 cm.

- Không bẻ cổ kêu răng rắc. Nhiều người có thói quen khi mỏi cổ thường bẻ cổ, lắc cổ cho kêu và tin rằng làm như thế sẽ hết mỏi nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược. Bởi vì, nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa khi bẻ hoặc vặn mạnh sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng.

- Không kẹp điện thoại vào cổ, nghe điện thoại nên cầm ở tay.

- Khi lái ôtô, môtô cần ngồi đúng tư thế, tránh ngả người quá mức ra trước hoặc ra sau.

- Khi xem tivi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.

- Nên thường xuyên tập luyện thể dục thể thao hoặc tối thiểu là tập thể dục giữa giờ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM