• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cận kề giờ chót, Mỹ ra tín hiệu về hạt nhân với Nga

Thế giới 06/02/2020 10:44

(Tổ Quốc) - Chính quyền Trump sẽ sớm bắt đầu các cuộc đàm phán hạt nhân với Nga, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Robert O'Brien cho biết hôm thứ Tư.

Động thái này diễn ra khi hiệp ước vũ khí hạt nhân cuối cùng còn lại của Mỹ với Moscow sắp hết hạn trong một năm tới.

"Chúng tôi sẽ đối đầu với người Nga nơi chúng tôi cần, nhưng đồng thời tôi nghĩ chúng tôi sẽ đàm phán, chúng tôi sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán sớm về kiểm soát vũ khí, về vấn đề hạt nhân, mà bạn biết, quan trọng đối với sự an toàn của thế giới, không chỉ Mỹ và Nga", ông O'Brien nói trong bài phát biểu tại Trung tâm quốc tế Meridian ở Washington trước các đại sứ từ khắp nơi trên thế giới.

O'Brien đã đưa ra thông điệp này khi Mỹ và Nga đạt đến thời hạn còn đúng một năm để gia hạn Hiệp ước New START, thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý cuối cùng giới hạn kho vũ khí hạt nhân của họ - hiện đang là những nước lớn nhất thế giới. Đối với các chuyên gia kiểm soát vũ khí, những người nhấn mạnh rằng ngoại giao hạt nhân cần có thời gian, sự chậm trễ trong việc mở các cuộc đàm phán quan trọng đã làm dấy lên mối lo ngại về mối quan tâm của chính quyền Trump trong việc duy trì hiệp ước hoặc rộng hơn là tuân thủ các giới hạn của các hiệp ước kiểm soát vũ khí.

Nguy cơ tiềm tàng

Họ chỉ ra những lời chỉ trích trong quá khứ của Tổng thống Donald Trump về New START là một "thỏa thuận kém" và vai trò của cựu cố vấn an ninh quốc gia John Bolton – người lâu nay luôn chỉ trích các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mà ông tin rằng đã hạn chế quyền lực của Mỹ.

Dưới thời ông Trump, Mỹ đã từ chối nhiều thỏa thuận quốc tế, bao gồm hai hiệp ước hạt nhân khác, Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung và thỏa thuận hạt nhân Iran.

Cận kề giờ chót, Mỹ ra tín hiệu về hạt nhân với Nga - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa: Getty)

Việc gia hạn New START sẽ là một bước đi mà các quan chức Nga đã nhấn mạnh rằng họ sẵn sàng thực hiện, nhưng ông Trump và các quan chức chính quyền ra tín hiệu rằng họ quan tâm đến việc đàm phán một hiệp ước mới có cả Trung Quốc và có thể các nước khác.

Trong khi các quan chức chính quyền Mỹ nói rằng Tổng thống chỉ đơn giản là quan tâm đến việc cải tổ một hiệp ước đã lỗi thời, thì một số chuyên gia kiểm soát vũ khí thấy đề nghị đưa thêm Trung Quốc vào là một "chiến thuật thuốc độc". Với kho vũ khí hạt nhân nhỏ hơn nhiều so với Moscow hay Washington, Bắc Kinh không có nhiều động lực để ký kết một hiệp ước hạn chế kho vũ khí của mình ở mức thấp hơn nhiều so với các đối thủ địa chính trị.

Hiệp ước New START giới hạn cả hai quốc gia triển khai 1.550 đầu đạn hạt nhân với 700 hệ thống phóng, bao gồm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom. Hiệp ước này cũng cho phép 18 lần kiểm tra tại chỗ mỗi năm cho phép mỗi bên theo dõi sát sao năng lực của những người khác.

Hiệp ước này dự kiến hết hạn vào năm 2021 nhưng có thể được gia hạn tới 5 năm nếu cả hai bên đồng ý.

Richard Burt, cựu đại sứ Mỹ tại Đức và là nhà đàm phán chính của START-I, hiệp ước tiền thân của New START, cho biết cái giá của sự thất bại trong việc mở rộng New START sẽ là một bước lùi lớn.

"Mỹ và Nga nắm giữ hơn 90% kho vũ khí hạt nhân của thế giới", Burt nói. Nếu Hiệp ước New START được phép hết hạn, "thì chúng ta đang sống trong một thế giới không còn sự minh bạch hay dự đoán thực sự trong cuộc cạnh tranh hạt nhân Mỹ - Nga, sẽ không còn đường ray bảo vệ trong cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và chúng ta sẽ trở lại nơi chúng ta đã ở, trở lại vào những năm 1960,".

Vào tháng Tư năm ngoái, Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với các nhà lập pháp rằng Hoa Kỳ đang ở "thời điểm bắt đầu của các cuộc đối thoại về việc gia hạn" hiệp ước New START. Tuyên bố này của O'Brien sau 10 tháng cho thấy các cuộc đàm phán vẫn chưa được tiến hành nghiêm túc.

"Lịch sử cho thấy các cuộc đàm phán mới sẽ mất thời gian, vì vậy điều quan trọng là bắt đầu xác định các thông số của một cuộc đàm phán mới trong khi vẫn duy trì được lợi ích an ninh cho người dân Mỹ trong việc duy trì New START", Lynn Rusten, Phó chủ tịch nhóm Sáng kiến mối đe dọa hạt nhân nói.

O'Brien lưu ý trong nhận xét của mình rằng Nga là "một quốc gia quan trọng... bởi vì, bạn biết đấy, họ có hơn 1.400 tên lửa hạt nhân, nhiều loại có các phương tiện đa dạng và chúng hiện đại. Tổng thống [Vladimir] Putin đã đổ rất nhiều tiền vào quân đội của ông trong nhiều năm qua để khẳng định lại sức mạnh của Nga. "

"Bóng" nằm ở phía Mỹ
Mỹ cũng đã hiện đại hóa quân đội của mình. Lầu Năm Góc tuyên bố hôm thứ Ba rằng họ đã triển khai một vũ khí hạt nhân mức thấp mới được phóng từ tàu ngầm, một điều mà họ coi là rất quan trọng để chống lại mối đe dọa từ kho vũ khí hạt nhân chiến thuật nhỏ hơn của Nga.

Tuy nhiên, một số cựu quan chức chính quyền cấp cao đã nói rằng những vũ khí này làm tăng khả năng xung đột hạt nhân.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết trong chuyến thăm Washington tháng 12 năm ngoái rằng ông Putin đã nhấn mạnh "sự chuẩn bị của Nga ngay lúc này nhất trí về việc gia hạn [New START] để giảm bớt căng thẳng cho cộng đồng toàn cầu. Và chúng tôi đã sẵn sàng để làm điều đó ngay cả hôm nay, và quả bóng đang nằm ở sân đối tác Mỹ của chúng tôi."

Khi được hỏi tại cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, liệu Hoa Kỳ có sẵn sàng gia hạn New START mà không có Trung Quốc hay không, ông Pompeo không nói thẳng "không", nhưng nói rõ đó không phải là điều mà chính quyền Mỹ muốn.

Rusten, một cựu quan chức kiểm soát vũ khí và không phổ biến vũ khí, từng phục vụ tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, là một trong số các chuyên gia kiểm soát vũ khí cho biết vì Mỹ cũng đang nỗ lực hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình, nên cách tiếp cận tốt nhất là "gia hạn New START ngay bây giờ và cùng công bố các nguyên tắc chung Nga-Mỹ để định hướng đàm phán về một thỏa thuận trong tương lai, xây dựng trên nền tảng của New START tiếp tục giảm và giải quyết các loại vũ khí hạt nhân bổ sung khác."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ