• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cần thay đổi thói quen của bác sĩ, tâm lý người dân trong sử dụng biệt dược gốc

Thời sự 24/06/2020 07:44

(Tổ Quốc) - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp với Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam… về chính sách, thanh toán từ bảo hiểm y tế (BHYT) đối với thuốc biệt dược nhằm mục tiêu kép vừa đảm bảo nguồn thuốc chất lượng tốt phục vụ khám chữa bệnh, đồng thời tiết kiệm được quỹ BHYT và chi phí của người dân.

Tại cuộc họp, các chuyên gia y tế cho rằng, trước hết cần làm rõ các khái niệm về biệt dược gốc, thuốc generic. Cụ thể, khái niệm “biệt dược gốc” đang sử dụng ở Việt Nam hiện nay còn mù mờ, chưa rõ ràng, dịch nghĩa không chính xác. Khái niệm thuốc generic thì lúng túng trong định danh.

Cần thay đổi thói quen của bác sĩ, tâm lý người dân trong sử dụng biệt dược gốc - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì buổi làm việc về chính sách BHYT đối với biệt dược (Ảnh VGP)


Còn trên thế giới, biệt dược gốc được gọi là thuốc phát minh do các DN dược giữ bản quyền 20 năm. Sau thời gian này, theo quy định về bảo hộ sáng chế dược phẩm của Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), năm 1994, các thuốc phát minh sẽ hết thời hạn bảo hộ bản quyền và phải công khai công thức để những DN khác sản xuất thuốc generic, tạm gọi là thuốc tương đương thuốc phát minh (biệt dược gốc).

Hiện nay, thị trường dược phẩm của Việt Nam có quy mô trên 5 tỷ USD, 22.000 loại thuốc. Số thuốc phát minh (biệt dược gốc) đang lưu hành là 755 loại, trong đó có khoảng 150 loại đã hết thời gian bảo hộ bản quyền và đã có các thuốc tương đương thuốc phát minh (thuốc generic) do các nước có công nghiệp dược phát triển nhất sản xuất (nhóm 1). Qua thống kê, các loại thuốc phát minh (cả trong thời gian bản quyền và hết bản quyền) đắt hơn thuốc tương đương thuốc phát minh từ 4-18 lần, trung bình là gấp 7-8 lần.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong các năm 2018-2019, mỗi năm, quỹ BHYT thanh toán cho tiền thuốc tân dược khoảng 37.000 tỷ đồng, trong đó riêng thuốc phát minh là 11.500 tỷ đồng, chiếm 26,5%. Xu hướng sử dụng thuốc phát minh ở Việt Nam vẫn cao so với nhiều nước trên thế giới, đặc biệt tại các chuyên khoa ung thư, tim mạch, tiêu hoá. Một số địa phương có thanh toán BHYT cho thuốc phát minh chiếm tỷ lệ cao; thói quen của nhiều bác sĩ thường sử dụng các loại thuốc phát minh mà chưa cân nhắc đến yếu tố chi phí hiệu quả…

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc phát minh trong điều trị ung thư tại Việt Nam khoảng 38%, còn ở một số nước phát triển như Anh, Pháp, Đức là 20%. Giá thuốc phát minh dùng điều trị ung thư trung bình cao gấp 7-8 lần so với thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1.

Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam ước tính nếu thay thế khoảng 150 loại thuốc phát minh đã hết thời gian bảo hộ 20 năm, đang lưu hành tại Việt Nam bằng thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1 sẽ tiết kiệm thêm nhiều nghìn tỷ đồng cho quỹ BHYT.

Cần thay đổi thói quen của bác sĩ, tâm lý người dân trong sử dụng biệt dược gốc - Ảnh 2.

Toàn cảnh cuộc họp (ảnh: VGP)

Các ý kiến trong cuộc họp đã phân tích và đánh giá quá trình thực hiện chính sách mua sắm và thanh toán thuốc luôn là một quá trình cọ xát giữa BHYT, bệnh viện và các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm.

Thực hiện Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, qua 5 năm thực hiện lộ trình đấu thầu thuốc tập trung, giá thuốc của Việt Nam do BHYT thanh toán đã giảm trên 35%, đạt mức thấp trong ASEAN. Tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng ở Việt Nam dưới 2% so với mức trung bình 7% ở ASEAN, theo khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới. Tỷ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước từng bước tăng dần qua các năm và cao hơn thuốc nhập khẩu.

Tuy nhiên, do giá thuốc phát minh cao gấp nhiều lần thuốc tương đương thuốc phát minh nên phần lớn các công ty sản xuất, kinh doanh dược phẩm vẫn muốn duy trì cung cấp, lưu hành dù nhiều loại đã hết bản quyền, đã có thuốc tương đương thuốc phát minh. Trong khi đó, các công ty này không đưa ra các nghiên cứu chứng minh thuốc phát minh có tác dụng điều trị tốt hơn hẳn thuốc tương đương thuốc phát minh. Ngược lại, cũng chưa có nhiều nghiên cứu khẳng định thuốc tương đương thuốc phát minh có tác dụng điều trị tương đương bằng hoặc tốt hơn thuốc phát minh.

Mặc dù vậy, nhưng nhiều bác sĩ vẫn có thói quen chọn những thuốc phát minh để có cảm giác yên tâm hơn. Còn người dân khi chữa bệnh thường có tâm lý “thuốc càng đắt càng tốt”. Thời gian vừa qua, Bệnh viện K cũng đã có một số nghiên cứu cho thấy không có khác biệt về hiệu quả điều trị giữa một số thuốc phát minh và thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1.

Các ý kiến đồng tình với nguyên tắc chúng ta phải đảm bảo nguồn thuốc tốt nhưng không để tình trạng chi phí quá mức cần thiết cho thuốc phát minh, nhất là những loại đã hết thời gian bảo hộ bản quyền và có nhiều loại thuốc tương đương thuốc phát minh nhóm 1. Chúng ta cần có một lộ trình giảm việc sử dụng thuốc phát minh không cần thiết để tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT và người dân.

Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương phối hợp với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam, Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, sớm hoàn thiện đề án hợp tác giữa Việt Nam và các DN dược phẩm của châu Âu, Hoa Kỳ để tăng cường sản xuất thuốc tại Việt Nam, nhất là rút ngắn quá trình sản xuất thuốc phát minh./.

Hồng Hà (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ