• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cảnh báo về tác hại của “tảng băng chìm” cần sa

Thời sự 21/09/2017 11:15

(Tổ Quốc) - Cần sa là một trong các loại chất kích thích được biết đến và sử dụng trên khắp thế giới. Hiện nay, giới trẻ bậc phổ thông còn mơ hồ về tác dụng của cần sa và đang có chiều hướng gia tăng việc sử dụng chất cấm này.

Cần sa là loại ma tuý được chế từ hoa và lá khô của cây cần sa tên latin là Cannabis Sativa. Loại ma tuý này còn được biết đến với những tên khác như "cỏ", bồ đà, tài mà.. Trong cần sa có chất THC ( Tetra Hydro Cannabinol ) là yếu tố làm cho người sử dụng "phê", làm biến đổi tâm trạng của người sử dụng, khiến họ có cảm giác sảng khoái, đem đến những ảo giác về không gian, thời gian, tốc độ.

Cần sa có tên gọi khác là "Cannabis Sativa", là một trong các loại chất kích thích được biết đến và sử dụng trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, Chính phủ đã Ban hành Nghị định số 67/2001/NĐ-CP ngày 01/10/2001 trong đó cần sa và nhựa cần sa được liệt vào danh mục các chất ma tuý rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng trong lĩnh vực y tế, việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học và điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền.

Hiện nay, giới trẻ bậc phổ thông còn mơ hồ về tác dụng của cần sa và đang có chiều hướng gia tăng việc sử dụng chất cấm này. Có thể thấy cần sa là “tảng băng chìm”, nó đang ẩn đằng sau heroin và ma túy đá, đây là thứ hết sức nguy hại và sẽ gây ra những tác hại khó lường cho người sử dụng.

Nó gây nghiện và hội cứng cai của nó cũng rất dữ dội. Khi điều trị cắt cơn bệnh nhận cũng bứt rứt, khó chịu tuy rằng hội chứng cai của cần sa diễn ra không mạnh bằng heroin nhưng nó mạnh hơn điều trị cắt cơn của methamphetamine.

Bệnh nhân cũng phải cách ly, dùng các thuốc an thần kinh chứ chưa có loại thuốc dân tộc nào có thể điều trị cần sa. Việc điều trị cắt cơn phải sử dụng thuốc an thần kinh và liều lượng cũng khác các chất trên, sau cắt cơn phải giải quyết những hậu quả của rối loạn tâm thần còn lại do sử dụng cần sa như: mất ngủ, trầm cảm còn về lâu dài vẫn phải kết hợp điều trị tâm lý nói chung.

TS. BS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho biết, mỗi nơi điều trị bằng liệu pháp tâm lý khác nhau, ở Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương sử dụng liệu pháp tâm lý cá nhân. Theo đó, mỗi bệnh nhân sẽ được điều trị bằng liệu pháp tâm lý phù hợp nên có hiệu quả cao hơn bởi vì nó không có phương pháp đại trà nào cho tất cả các bệnh nhân. Quá trình điều trị phụ thuộc vào đặc điểm tâm sinh lý từng bệnh nhân, từ đó áp dụng các phương pháp phù hợp.

Đã có trường hợp phải trị liệu tâm lý cho cả gia đình để cho họ có cái nhìn, thông cảm với người bệnh, rộng lượng hơn, khoan dung hơn với người bệnh trước rồi mới tiến hành trị liệu cho người nghiện.

Khác với nhóm opiats hay methamphetamine, cần sa gây hoang tưởng, ảo giác là chính. Cần sa còn khiến người dùng mất kiểm soát hành vi, rối loạn trí nhớ ngắn hạn, suy giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp. Nguy hiểm hơn nữa, người sử dụng cần sa thường xuyên sẽ có nguy cơ đối mặt với những căn bệnh “khủng khiếp” như tăng nguy cơ mắc viêm phế quản, ung thư phổi và các bệnh lý khác về đường hô hấp; giảm động cơ làm việc; giảm khả năng tập trung, trí nhớ và khả năng học hỏi những điều mới; giảm ham muốn tình dục; lượng tinh trùng ở nam giới; rối loạn chu kỳ kinh nguyệt ở nữ giới.

Một số người còn gặp các ảnh hưởng về tâm lý, đặc biệt ở những người đã có tiền sử bệnh tâm thần phân liệt. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có trường hợp nào được báo cáo là tử vong do sử dụng cần sa nên nhiều người còn chủ quan về nó.

Cũng có những ý kiến cho rằng cần sa “có ích” trong việc chữa bệnh, tuy nhiên để có thể là một loại thuốc để chữa bệnh thì phải qua kiểm duyệt gắt gao của những chuyên gia y tế. Do đó, chúng ta không nên tuỳ tiện sử dụng cần sa để không gặp phải những nguy hiểm đáng tiếc sau này./.

Nhật Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ