• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Câu chuyện “thuế - giá” và tác hại của thuốc lá

Thời sự 25/09/2018 18:25

(Tổ Quốc) - Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất trên thế giới, đứng thứ 3 khu vực Asean với 45,3% nam giới trưởng thành hút thuốc, trung bình cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người hút thuốc. Để giảm thiểu tác hại ghê gớm của thuốc lá, các nước trên thế giới đã và đang dùng nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có sử dụng công cụ giá và thuế.

Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư. Ảnh minh họa.

 

Tác hại của thuốc lá – Bài toán kinh niên và những tổn hại về kinh tế

Th.s – Bác sỹ Nguyễn Tuấn Lâm (Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết, khói thuốc lá chứa hơn 7.000 hóa chất trong đó có 69 chất gây ung thư. Trên thế giới, mỗi năm, thuốc lá gây ra trên 7 triệu ca tử vong, trong đó có 600 nghìn ca tử vong do hút thuốc thụ động, 64 % số tử vong do hút thuốc thụ động là nữ.

Theo Th.S Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Việt Nam mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá, nếu các biện pháp can thiệp không có hiệu quả thì con số này có thể tăng lên 70.000 người/ năm đến năm 2030.

Cũng theo bà Hải, các bệnh có nguyên nhân chính từ thuốc lá bao gồm: đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi… Đây là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở Việt Nam.

Trong khi đó, phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá đối với ngân sách quốc gia không đủ để bù đắp những tổn hại về kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi phí cho khám chữa bệnh do hút thuốc gây ra, do mất khả năng lao động, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường...

Dẫn số liệu ước tính từ Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành - GATS 2015, người dân Việt Nam phải bỏ ra 31.000 tỷ đồng/năm để mua thuốc lá hút, tổn thất kinh tế ước tính trên 24.000 tỷ đồng mỗi năm (tương đương gần 1% GDP của năm ước tính) để điều trị 5 nhóm bệnh (ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột qụy) trên tổng số 25 nhóm bệnh do thuốc lá gây ra - bà Hải  cho biết con số này còn chưa tính đến các chi phí khác như: chi phí điều trị 22 bệnh còn lại, chi phí do cháy nổ, do phá rừng, chi phí vệ sinh môi trường...

Tăng thuế sẽ tăng giá, giảm bệnh tật và tử vong

Tăng thuế thuốc lá là khuyến nghị của WHO và của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực y tế. Tăng thuế thuốc lá vừa làm giảm sử dụng thuốc lá, qua đó giảm bệnh tật và tử vong, đồng thời giảm chi phí khám chữa bệnh do sử dụng thuốc lá. Đây cũng là một trong những phương pháp nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đặc biệt tăng thuế còn là giải pháp hiệu quả giảm hút thuốc lá ở trẻ em.

Sơ đồ thuế thuốc lá trong giá bán lẻ các nước trong khu vực (2016).  Nguồn: WHO

 

Ths. BS Nguyễn Tuấn Lâm, Tổ chức Y tế thế giới nhận định việc tăng thuế thuốc lá có nhiều lợi ích, trong đó, việc tăng thuế làm giảm sử dụng và ngăn ngừa trẻ em bắt đầu hút thuốc lá.

“Tăng thuế thuốc lá sẽ tác động mạnh hơn tới thanh thiếu niên. Việc tăng thuế đặc biệt có hiệu quả đối với nhóm trẻ và vị thành niên. Vì những đối tượng này còn đi học, hoặc chưa có khả năng kiếm tiền. Nên khi giá thuốc tăng, khả năng mua thuốc hút sẽ giảm. Ước tính, khi tăng thuế để giá tăng 10% thì tỷ lệ giảm tiêu dùng ở nhóm này cũng là 10% hoặc cao hơn”, ông Lâm cho hay.

Hiện nay, thuế và giá thuốc lá tại Việt Nam thuộc nhóm thấp so với thế giới và khu vực. Theo luật thuế hiện hành, thuế tiêu thụ đặc biệt của thuốc lá bằng 70% giá xuất xưởng. Tuy nhiên khi tính theo chuẩn quốc tế, là thuế trong giá bán lẻ, thì tỷ lệ của Việt Nam (bao gồm cả thuế VAT) chỉ chiếm khoảng 35,6%. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với trung bình thế giới 56% và thấp hơn đa số các nước ASEAN.

Năm 2008, sau khi áp dụng mức thuế mới 65%, tăng 10% so với mức 55% năm 2007, doanh thu từ thuế thuốc lá đã tăng hơn 1000 tỷ đồng so với năm 2007 mặc dù tiêu dùng trong nước năm 2008 giảm khoảng 8% so với năm 2007.

Tuy nhiên việc tăng thuế chỉ trong 1 năm duy nhất không có nhiều tác dụng, vì các năm sau đó thuế không tăng nên tiêu dùng lại tiếp tục trở lại xu hướng tăng như trước đó. Năm 2009, tiêu thụ lại tăng 10% so với 2008 và tiếp tục tăng vào các năm sau đó.

Sau khi áp dụng mức thuế mới 70% vào năm 2016, thu thuế thuốc lá ước tính tăng khoảng 1250 tỷ đồng so với năm 2015, do mức tăng thuế ít nên tác động tới tiêu dùng hầu như không đáng kể.

Kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng, tăng thuế thuốc lá làm tăng giá thuốc lá khiến một bộ phận người hút thuốc bỏ thuốc giảm người tiêu dùng thuốc lá. Tuy nhiên, do thu nhập tăng liên tục nhờ tăng trưởng kinh tế nên nếu chỉ tăng 1 lần và tăng ở mức thấp thì tiêu dùng thuốc lá chỉ giảm trong ngắn hạn rồi tăng trở lại. Do đó thuế cũng phải tăng hàng năm để giá tăng cao tốc độ tăng thu nhập.

Việt Nam nên bổ sung thuế tuyệt đối ở mức 2.000 đồng/bao thuốc lá hoặc tối ưu là 5.000 đồng/bao thuốc lá từ năm 2020. Đồng thời, thuế thuốc lá nên tăng cho tới khi đạt 70% hoặc hơn trong giá bán lẻ, như khuyến cáo của WHO và các chuyên gia y tế.

.

Clip: Tác hại kinh hoàng của thuốc lá. Nguồn: Zing

Phùng Nguyên

Phùng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ