Câu chuyện tình yêu ly kì đằng sau bài hát "Đồi thông hai mộ" mà ít người biết đến

LU | 04-06-2020 - 21:32 PM

(Tổ Quốc) - Đằng sau giai thoại về đồi thông hai mộ ở Đà Lạt là chuyện tình được cho là có thật hơn 60 năm về trước.

Người ta thường nhắc đến Đà Lạt gắn với cái tên thành phố ngàn hoa. Nơi đây không chỉ có khí hậu mát mẻ, trăm hoa đua nở mà còn níu lòng người đến với cái thoáng buồn lơ đãng của trời đất, cỏ cây. 

Đặc biệt khi đến Đà Lạt, nhiều người thường ghé thăm Đồi thông hai mộ, một thắng cảnh nổi tiếng nơi đây. Bao năm nay luôn tồn tại nhiều sự tích ly kỳ về cái tên "Đồi thông hai mộ", nhưng chỉ có một câu chuyện trong số đó là thật, ấy là câu chuyện tình bất hạnh của cô gái Lê Thị Thảo và chàng trai Vũ Minh Tâm, mà minh chứng cho câu chuyện tình đó chính là hai ngôi mộ nằm trên đồi thông hơn 60 năm qua. 

Đồi thông hai mộ ở Đà Lạt và câu chuyện thiên tình sử đầy bi thương mà ít người biết đến - Ảnh 1.

Đồi thông hai mộ từ lâu đã bị gắn với nhiều giai thoại kỳ bí.

Tiếc thay, chuyện tình của họ lại có cái kết thật buồn. Chuyện kể lại rằng, ngày đó, chàng trai tên Tâm là con trai của một gia đình đại điền chủ giàu có ở Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Còn Thảo chỉ là con gái của một gia đình bình thường ở thành phố Lang Bian.

Thảo - Tâm gặp nhau và thường xuyên hẹn hò trên đồi thông. Yêu nhau say đắm một thời gian, Tâm đã về Tiền Giang để xin phép mẹ cha được cưới Thảo.

Ngặt nỗi, gia đình Tâm đã phản đối kịch liệt với lý do là gia đình Thảo không "môn đăng hộ đối". Để bác bỏ mong ước của con trai, gia đình yêu cầu Tâm phải lấy một người con gái mà anh không hề yêu. Không dám cãi lời cha mẹ nhưng lại chẳng thể phụ tình người con gái anh yêu say đắm ở Đà Lạt. Tâm đã xin ra chiến trường và dặn dò người yêu chờ đợi mình.

Tin tưởng lời hẹn ước của người yêu, Thảo đã chung thủy chờ đợi Tâm mặc cho bao chàng trai khác theo đuổi. Cô vẫn chờ mòn mỏi qua những lá thư chàng gửi về, mỗi khi nhớ người thương, cô thường đi dạo quanh bờ hồ Than Thở.

Đồi thông hai mộ ở Đà Lạt và câu chuyện thiên tình sử đầy bi thương mà ít người biết đến - Ảnh 2.

Hồ Than Thở. (Ảnh: delcampe)

Cho đến một ngày, Thảo nhận được tin báo tử từ chiến trường gửi đến. Quá buồn rầu Thảo tìm đến khu đồi thông bên bờ hồ Sương Mai (nay là hồ Than Thở), nơi hai người xưa kia từng hò hẹn, tâm sự và tự tử chết (ngày 15/3/1956), trên tay vẫn còn nắm chặt bức thư tình gửi người yêu. 

Trước khi chết Thảo để lại bức thư xin người nhà chôn nàng trên đồi thông. 

Nhưng trái ngang hơn, Tâm chưa chết - người ta đã nhầm khi báo tử. Khi trở về Tâm mới hay Thảo đã ra đi và được chôn trên đồi thông vi vu gió ngàn. Vì quá đau buồn, sau đó Tâm cũng tự tử chết theo để giữ trọn lời thề non hẹn biển với người con gái anh yêu thương. Trước khi chết, anh để lại bức thư tuyệt mệnh với ước nguyện được chôn xác bên cạnh mộ nàng để hai người mãi mãi được gần nhau. 

"Nước biếc non xanh dù biến đổi

Mối tình chung thủy Thảo trong Tâm

Chiều chưa xuống mà nắng vàng vội tắt

Đêm chưa về mà cỏ đã đầm sương

Cả núi rừng ngấn lệ tiếc thương

Cho mối tình ngang trái của đôi uyên ương không thành…".

Quá thương xót cho đôi uyên ương, người ta đã hoàn thành tâm nguyện của Tâm. 2 ngôi mộ của Tâm và Thảo vẫn được gia đình Thảo qua lại hương khói. Cái tên đồi thông hai mộ cũng hình thành từ đó.

Nhưng đau buồn chưa dừng lại ở đó, dù đã ở thế giới bên kia nhưng họ vẫn bị chia rẽ. Vào năm 1975, gia đình Tâm đã đem di cốt của anh về quê an táng. Thương cảm cho đôi uyên ương này, người dân ở Đà Lạt đã làm một ngôi mộ gió và khắc tên Vũ Minh Tâm như cũ.

Đồi thông hai mộ ở Đà Lạt và câu chuyện thiên tình sử đầy bi thương mà ít người biết đến - Ảnh 3.

Phía sau đồi thông hai mộ này là một câu chuyện có thật về mối tình ngang trái hơn 60 năm về trước.

Du khách đến Đà Lạt giờ ghé qua Đồi thông hai mộ sẽ vẫn thấy ngôi mộ của Thảo và Tâm đứng cạnh nhau bên Đồi thông hai mộ. Tuy nhiên chỉ có ngôi mộ của cô gái là thật, còn ngôi mộ của chàng trai chỉ là sự hoài niệm, thương tiếc của người đời cho một mối tình đẹp không thành.

Cũng vì thế mà vào năm 1965, nhạc sĩ Hồng Vân khi đến thăm mộ của Thảo và Tâm, ông đã tức cảnh sinh tình viết nên ca khúc nổi tiếng "Đồi thông hai mộ". Ở cuối bản thảo của ca khúc nhạc sĩ viết: "Em ơi dưới lòng đất lạnh... Chỉ hai đứa mình để dệt lại chuyện xưa".

Có lẽ vì câu chuyện tình đầy đau thương của Tâm và Thảo mà đồi thông hai mộ trở thành nơi mà nhiều người muốn ghé qua mỗi khi đến Đà Lạt. Cuộc tình của họ đã để lại dư âm cho đến ngày nay!

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM