CEO Vietyacht: Tại sao Việt Nam có hơn 3.200 km đường biển mà không có những bến du thuyền tấp nập như châu Âu?

(Tổ Quốc) - "Đóng tàu hay kinh doanh du thuyền thì bản chất vẫn là nghề tàu thuyền thôi" - Người đàn ông Hải Phòng, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du thuyền châu Á kể về cuộc đời gắn với những chiếc thuyền của mình.

Trước khi trở thành người đứng đầu Vietyacht, anh Nguyễn Đức Thuận từng là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc của công ty đóng tàu Đông Bắc (Dongbacshin).

Đam mê với ngành tàu thuyền của người đàn ông Hải Phòng rẽ sang một lĩnh vực mới mà trước đó chưa một đơn vị nào đảm nhiệm: phân phối độc quyền du thuyền.  Anh Đức Thuận được Yacht Style xếp vào top 150 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du thuyền châu Á.

CEO Vietyacht: Tại sao Việt Nam có hơn 3.200 km đường biển mà không có những bến du thuyền tấp nập như châu Âu? - Ảnh 1.

"Tôi chỉ thích du thuyền, không mê siêu xe"

Anh đến với lĩnh vực kinh doanh du thuyền như thế nào?

Như bạn đã biết, tôi là người làm trong ngành đóng tàu và hàng hải với 10 năm công tác tại Tập đoàn Vinashin và 7 năm là Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc công ty Công nghiệp tàu thủy Đông Bắc, nên có thể nói là tàu thuyền đã ngấm vào máu.

Đóng tàu thương mại hay kinh doanh du thuyền thì bản chất vẫn là nghề tàu thuyền thôi, sự khác biệt ở đây là chuyển từ tàu thương mại sang hàng xa xỉ, và chuyển từ sản xuất sang thương mại.

Mọi thứ xảy ra đều có cơ duyên. Từ những năm 2007, khi đi công tác, tôi đã có dịp chiêm ngưỡng những bến du thuyền tấp nập tại Châu Âu. Tôi so sánh và đặt câu hỏi, tại sao hình ảnh này không có ở Việt Nam, tại sao với 3.200 km bờ biển và những lợi thế to lớn mà Việt Nam lại chưa có một ngành du thuyền phát triển? Tại thời điểm đó, ngành đóng tàu Việt Nam đang xếp vị trí thứ 4 trên thế giới.

CEO Vietyacht: Tại sao Việt Nam có hơn 3.200 km đường biển mà không có những bến du thuyền tấp nập như châu Âu? - Ảnh 2.

Tôi mơ về những bến du thuyền hiện đại dọc bờ biển Việt Nam trong một tương lai không xa. Nhưng rồi công việc, những dự án đóng tàu ngày một lớn cứ cuốn tôi đi cho đến tận năm 2015, tôi mới thành lập Vietyacht khi nhận thấy thời cơ sắp đến.

Nhưng lúc ấy thành lập để đó thôi, vì cơ duyên thực sự chưa đến. Tôi chưa biết nên lựa chọn hãng nào để phân phối, và chắc chắn cũng chẳng hãng nào chịu làm việc với 1 doanh nghiệp nhỏ vừa thành lập.

Đến tháng 4/2016 khi tôi gặp ông Paul Blanc – Tổng giám đốc đương nhiệm của Jeanneau, lúc đó là Giám đốc khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Sau nhiều lần làm việc và đàm phán, đến tháng 5/2017, Vietyacht mới chính thức nhận được Quyền phân phối độc quyền các sản phẩm của hãng Jeanneau – Pháp.

Khi làm lĩnh vực này, anh có mong muốn sẽ tạo nên dấu ấn gì?

Như đã nói ở trên, với ước mơ về những bến du thuyền hiện đại dọc bờ biển Việt Nam, tôi đã mang hợp đồng phân phối độc quyền du thuyền chính hãng đầu tiên về thị trường Việt Nam. Tôi muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của ngành du thuyền non trẻ của dải đất chữ S này.

Thị trường đã có hơn chục năm rồi, nhưng chủ yếu là thị trường du thuyền cũ phát triển mạnh ở khu vực phía nam cho nên có thể nói đây vẫn là thị trường rất mới.

Khi Vietyacht có hợp đồng phân phối độc quyền du thuyền chính hãng từ tháng 05/2017 thì thị trường mới thực sự bắt đầu. Mà thị trường mới thì bao giờ cũng rất tiềm năng, giống như việc khai hoang vậy. Nên cái dấu ấn mà bạn hỏi đến có lẽ là… làm thật tốt việc mình đang làm để bất cứ cá nhân hay tổ chức nào khi có nhu cầu sắm du thuyền đều biết và nghĩ đến Vietyacht và Luxyacht.

Hiện tại, chúng tôi phân phối độc quyền du thuyền chính hãng tại thị trường Việt Nam với 6 thương hiệu gồm có 3 thương hiệu đến từ Pháp: Jeanneau, Prestige, Fountaine Pajot và 3 thương hiêu du thuyền hạng sang/siêu sang đến từ Ý: Ferretti Yachts, Pershing, Riva.

Giá thuê và mua những chiếc du thuyền ấy hiện là bao nhiêu, thưa anh?

Du thuyền được chia thành nhiều phân khúc, từ phổ thông đến siêu sang, tất cả đều có trong hệ sinh thái của Vietyacht. Trong đó phân khúc hạng sang được phân phối bởi Luxyacht – Công ty du thuyền hạng sang Việt Nam - thành viên của Vietyacht với giá giao động từ khoảng 20 tỷ cho đến 100 tỷ đồng.

Còn dịch vụ cho thuê được cung cấp bởi Vietyacht Club, hiện do nhu cầu thuê du thuyền hạng sang chưa nhiều, nên Vietyacht Club mới chỉ cung cấp dịch vụ cho thuê du thuyền tầm trung loại 2 – 3 phòng ngủ với giá dao động từ 250 – 350 USD/giờ.

Với thị trường hạng sang thì cũng vô cùng lắm, trên thế giới và các nước lân cận, giá cho thuê dao động từ khoảng 800 USD/giờ. Nhưng thông thường họ cho thuê theo tuần. Có những mẫu du thuyền lớn giá thuê lên đến vài trăm ngàn USD/ tuần.

Người thích du thuyền hẳn là cũng thích siêu xe?

Mỗi người đều có đam mê riêng, đúng là đa số mọi người khi đã sở hữu du thuyền thì đều có siêu xe, nhưng tôi thì chỉ thích du thuyền.

Anh tự đánh giá mình là con người có tính cách thế nào?

Tôi thích một cuộc sống bình lặng với những không gian riêng, gần gũi với thiên nhiên. Nên du thuyền là nơi rất phù hợp.

Điều gì khiến cho các hãng du thuyền lớn trên thế giới chọn lựa Vietyacht trở thành đối tác phân phối độc quyền sản phẩm cho họ tại thị trường Việt Nam?

Câu hỏi này lẽ ra nên để các hãng trả lời (cười). Nhưng qua quá trình đàm phán độc quyền, tôi cho rằng yếu tố để các hãng lựa chọn Vietyacht nằm ở 2 điểm chính, đó là người sáng lập có nghề, có kinh nghiệm và đam mê của Vietyacht với du thuyền. Chị không thấy là Slogan của chúng tôi là "Hơn cả đam mê" sao?

Năm 2017, khi Vietyacht tổ chức triển lãm du thuyền đầu tiên tại Việt nam, tôi nhớ có phóng viên đã hỏi hãng Jeanneau câu hỏi đó, và hãng đã trả lời là: "Bởi chúng tôi nhận thấy Vietyacht có thể chia sẻ với chúng tôi niềm đam mê với du thuyền".

Khi đọc thông tin anh nằm trong top 150 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành du thuyền châu Á, nhiều người rất ngạc nhiên vì du thuyền đối với đại đa số người dân Việt Nam là một loại hình xa lạ. Anh có thể chia sẻ về quy mô ngành này và yếu tố "ảnh hưởng lớn nhất" bao gồm những gì?

Yacht Style là tạp chí uy tín nhất Châu Á về ngành du thuyền và xa xỉ, hàng năm tạp chí đều tổ chức bình chọn những người ảnh hưởng nhất trong ngành. Năm 2019 là năm đầu tiên tại Việt Nam có 1 số cá nhân được lọt vào danh sách của họ.

Thực ra, tôi cũng không nắm rõ những tiêu chí đánh giá của tạp chí. Có lẽ họ thu thập thông tin thông qua các Hãng du thuyền và các số liệu được cung cấp, ví dụ như số lượng du thuyền được mang về Việt Nam, khả năng phát triển cơ sở vật chất phục vụ cho ngành chẳng hạn….

Về quy mô thị trường du thuyền Việt Nam, do nó còn khá non trẻ nên tôi tin chắc chưa ai đánh giá được cụ thể, chỉ có thể nói là khá lớn và rất tiềm năng bởi theo đánh giá Việt Nam là quốc gia có số người giàu tăng nhanh thứ 4 thế giới, cộng điều kiện tự nhiên cực kỳ thuận lợi với 3200 km bờ biển và hệ thống vịnh, đảo, sông ngòi dày đặc.

Không phải tự nhiên mà chỉ sau 3 năm kể từ ngày Vietyacht có được hợp đồng độc quyền, có đến cả chục hãng du thuyền lớn đã đến đặt văn phòng hoặc có đại diện ở Việt Nam để phát triển thị trường.

CEO Vietyacht: Tại sao Việt Nam có hơn 3.200 km đường biển mà không có những bến du thuyền tấp nập như châu Âu? - Ảnh 3.

Covid-19 sẽ làm người ta sống chậm lại và dành thời gian cho gia đình, bạn bè

Dịch Covid-19 làm ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty du lịch. Hiện nay tình hình kinh doanh Vietyacht thế nào?

Vietyacht là đơn vị phân phối du thuyền, khá khác biệt với các công ty du lịch và dịch vụ nên dù có bị ảnh hưởng, nhưng không quá lớn.

Ở nước ngoài, thương hiệu du thuyền Jeanneau cũng giao cho Vietyacht phân phối tại thị trường Campuchia và Lào. Nhưng do đại dịch, nên hiện việc phát triển 2 thị trường này chưa thể thực hiện được.

Sau đại dịch Covid 19, tôi tin là mọi người đều có sự chuyển biến nhất định về quan điểm sống. Việc sống chậm lại và dành nhiều thời gian cho bản thân, gia đình, bè bạn hơn sẽ là xu hướng.

Thú chơi Du thuyền xứng đáng trở thành một nét văn hóa, một lối sống thời thượng. Còn gì tuyệt vời hơn việc cuối tuần cùng gia đình, bạn bè rong ruổi trên ngôi biệt thự nổi của chính mình giữa biển khơi, tránh xa sự ồn ào, náo nhiệt và xô bồ của phố thị, tránh xa dịch bệnh?

Anh có những giải pháp nào để tìm cơ hội và "giảm đau"?

Đứng trước đại dịch, ngoài các công ty cung cấp dịch vụ y tế, các công ty công nghệ, sàn thương mại điện tử… thì gần như các công ty còn lại đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả.

Tôi tin là chẳng có giải pháp nào đối với thị trường ngoài việc tự cải tiến bản thân. Đại dịch này là một cơ hội để chúng tôi chậm lại, hoàn thiện hệ thống và củng cố chất lượng dịch vụ... để phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn.

CEO Vietyacht: Tại sao Việt Nam có hơn 3.200 km đường biển mà không có những bến du thuyền tấp nập như châu Âu? - Ảnh 4.

Pershing 7X – mẫu du thuyền hạng sang Luxyacht phân phối độc quyền

Những dự định, chiến lược sắp tới của Vietyacht là gì, thưa anh?

Tôi có thể chia sẻ dự định, còn chiến lược chắc chắn là không thể. Nhưng sắp tới Vietyacht sẽ tập trung vào mấy kế hoạch chính. 

Chúng tôi sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ sau bán hàng để chăm sóc tốt nhất cho những du thuyền đã phân phối ra thị trường. Mạng lưới phân phối được mở rộng đến các tỉnh ven biển tiềm năng bằng cách mở thêm các văn phòng đại diện, hệ thống đại lý… Đồng thời, phát triển mạnh CLB du thuyền VietyachtClub, tăng tính liên kết vùng và tổ chức được triển lãm du thuyền lần 2 với quy mô lớn hơn.

Cảm ơn anh về những chia sẻ này!

Hương Nguyễn

Tin mới