• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Chậm chân”, Mỹ muốn thách thức Nga và Trung Quốc vượt giới hạn

Thế giới 20/06/2018 08:10

(Tổ Quốc) - Giới hạn Trái đất đang mất dần ý nghĩa khi nhiều quốc gia đang tìm cách khai thác tốt nhất không gian ngoài vũ trụ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã công bố dự định thành lập một đơn vị quân mới dành riêng cho việc đối phó với các mối nguy cơ đến từ bên ngoài không gian. Động thái này được đánh giá là có phần chậm trễ so với các đối thủ chủ chốt của Mỹ là Nga và Trung Quốc.

Hôm thứ Hai (18/6), ông Trump cho biết, ông đã chỉ thị cho Bộ Quốc phòng Mỹ bắt tay vào nghiên cứu xây dựng “Lực lượng không gian” – một đơn vị quân đội tồn tại “riêng biệt nhưng ngang bằng” với Lực lượng Không quân Mỹ. Theo ông chủ Nhà trắng, lực lượng thứ sáu này là sự cần thiết để đối phó với “Trung Quốc, Nga và các quốc gia khác đang đi trước” nước Mỹ.

“Khi đề cập tới việc bảo vệ Mỹ, không bao giờ là đủ nếu Mỹ chỉ hiện diện ngoài không gian. Chúng ta phải để địa vị thống trị của Mỹ ngoài không gian. Điều đó rất quan trọng”, Tổng thống Trump khẳng định.  

Tương tự như “cuộc chạy đua vào không gian” thời Chiến tranh lạnh - có xuất phát điểm là những bước tiến vượt bậc của Liên Xô trong công nghệ vệ tinh và không gian, những tham vọng của ông Trump khởi nguồn từ mối lo ngại rằng, các đối thủ của Washington đã bắt đầu tìm cách củng cố quyền lực trên tiền tuyến cuối cùng, và nước Mỹ đang bị bỏ lại phía sau.

 Tổng thống Donald Trump "khoe" văn kiện vừa ký trong một cuộc gặp gỡ với Hội đồng Không gian Quốc gia tại Nhà Trắng (18/6). Chỉ thị của ông Trump yêu cầu thành lập Lực lượng Không gian, một đơn vị độc lập và ngang bằng. 

Trong khi chiến tranh không gian luôn là một chủ đề yêu thích trong các tác phẩm khoa học viễn tưởng, cho tới thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một cuộc đụng độ thực sự nào giữa các quốc gia bên ngoài Trái đất. Vụ nổ trong một cuộc thử nghiệm hạt nhân ngoài không gian của Mỹ vào năm 1962 đã góp phần dẫn tới sự ra đời của Hiệp ước ngoài không gian năm 1967 – với sự tham gia của 107 quốc gia, bao gồm cả Mỹ, Nga và Trung Quốc.  

Liên Xô cũng từng thử nghiệm vũ khí ngoài vũ trụ. Không lâu sau khi Liên Xô sụp đổ, từ những chương trình nghiên cứu tập trung vào không gian trước đó của Moscow, nước Nga đã thành lập Lực lượng Không gian Nga vào năm 1992. Năm 2011, Lực lượng Không gian Nga được thay thế bởi Lực lượng Phòng thủ Không gian Nga; tuy nhiên, sau đó, đơn vị đã sáp nhập với Lực lượng Không quân Nga; rồi lại một lần nữa được hồi sinh với cái tên cũ.

Hiện tại Lực lượng Không gian Nga hoạt động dưới quyền Lực lượng Không quân Nga. Như nhiều lĩnh vực trong quân đội Nga, Tổng thống Vladimir Putin đang không ngừng nỗ lực để tìm lại hào quang cho lực lượng đặc biệt này, đồng thời không giấu giếm mong muốn vượt xa hơn nữa so với những thành tựu trước đây.

Trong khi đó, Trung Quốc, một mặt không ngừng tăng cường quan hệ quốc phòng với Nga, mặt khác cũng đặt “quyền lực” không gian như một mục tiêu quan trọng trong công cuộc cải cách quân đội. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc tái sắp xếp các lực lượng vũ trang thường trực của quốc gia đông dân nhất thế giới; trong đó có cả việc thành lập Lực lượng Hỗ trợ Chiến lược – đơn vị kiểm soát không gian, không gian mạng và các sứ mệnh chiến tranh điện tử…

Cả Trung Quốc và Nga đều đang đẩy mạnh phát triển vũ khí chống vệ tinh. Trong Chiến lược an ninh quốc gia “Nước Mỹ là trên hết” được công bố tháng 12/2017 của Tổng thống Trump, “không gian” được xếp cùng với các bộ tư lệnh trên không, trên biển và phòng thủ mạng. Khi nhắc tới “các quốc gia khác” đang nghiên cứu vũ khí phản không gian, chiến lược trên cảnh báo: “bất kỳ sự can thiệp có hại nào tới, hoặc một cuộc tấn công nào vào các yếu tố quan trọng thuộc những công trình không gian của chúng ta, mà có ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Mỹ - sẽ phải đối mặt với phản ứng theo một thời điểm, tại một địa điểm, bằng một biện pháp và trong một lãnh thổ mà chúng ta lựa chọn”.

Tổng thống Trump không phải là người duy nhất ủng hộ cho việc mở rộng tập trung quân sự ngoại không gian. Tháng 6 năm ngoái, Uỷ ban Quân vụ của Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu cho một đề xuất, để “Lực lượng Không gian Mỹ” được bao gồm trong Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng năm 2018. Tuy nhiên, quyết định này sau đó đã bị phản đối bởi nhiều nhà lãnh đạo quân sự và cuối cùng bị huỷ bỏ để đẩy mạnh sự ủng hộ cho Bộ Tư lệnh Không lực không gian Mỹ hiện tại.

Tháng 3 năm nay, ý tưởng trên lại một lần nữa thu hút sự chú ý rộng rãi của giới chính trị và cả dư luận Mỹ, khi ông Trump nói trong một bài phát biểu tại San Diego rằng, “chiến lược quốc gia về không gian mới của ông công nhận rằng, không gian là một cuộc chiến tranh giành lãnh thổ, cũng giống như là trên đất liền, trên không và trên biển”.

“Chúng ta có Lực lượng Không quân. Chúng ta sẽ có Lực lượng Không gian. Chúng ta có quân đội và hải quân. Chúng ta đang tiến hành một khối lượng công việc khổng lồ ngoài không gian. Tôi cho rằng, chúng ta cần phải có một lực lượng mới, và gọi đó là Lực lượng Không gian,” ông Trump nói.

Hồi tháng Một, Moscow từng cáo buộc Mỹ đang cố gắng “quân sự hoá” ngoài không gian. Còn Bắc Kinh cũng buộc tội những hoạt động của Wahsington là mở rộng các khả năng về cuộc chiến tranh ngoài vũ trụ. Đáp trả lại lời kêu mới nhất của ông Trump về việc xây dựng một “Lực lượng Không gian” cho nước Mỹ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Geng Shuan cho biết: “Chúng tôi đã xem xét các báo cáo liên quan. Thượng tầng không gian là tài sản của tất cả mọi người. Trung Quốc luôn luôn ủng hộ việc sử dụng hoà bình không gian thượng tầng và phản đối đưa vũ khí và chạy đua vũ trang ở bên ngoài không gian”.

“Đặc biệt, chúng tôi phản đối việc biến không gian thượng tầng thành một chiến trường. Chúng tôi hy vọng, tất cả các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau nhằm đảm bảo rằng không gian vũ trũ sẽ mãi mãi hoà bình và yên tĩnh”, ông Geng tuyên bố.

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ