Châm lửa đốt "sân sau" của Mỹ, Iran thắng canh bạc chiến lược: 3 chiến lợi phẩm khủng sau cuộc khủng hoảng tàu dầu?

DK | 27-05-2020 - 18:59 PM

(Tổ Quốc) - Bằng một khoản đầu tư nho nhỏ, Iran đã "dí một ngón tay cái vào mắt" người Mỹ - rõ ràng Tehran đã ra "lá bài tẩy" xăng dầu một cách "hoành tráng".

Có hay không việc Mỹ buông xuôi, mặc tàu Iran "tự tung tự tác"?

Các tàu chở nhiên liệu Fortune và Forest của Iran đã và đang "xả hàng" ở El Palito và Paraguaná, tàu Petunia đang tiến vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Venezuela, tàu Faxon hiện đang ở Tây Đại Tây Dương còn "con dê cuối đàn" Claval đang từ Đông Đại Tây Dương hướng tới "một địa điểm do khách hàng xác định".

Hành trình của nhóm tàu chở dầu Iran được Hãng thông tấn Tasnim của nước này bình luận rằng: "Đây là cú tát vào mặt chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, là bằng chứng cho thấy chính sách bao vây Venezuela của Mỹ đang sụp đổ".

Nếu nhìn qua "lăng kính" quân sự, "Cuộc khủng hoảng tàu dầu Iran" đang trình bày với phần còn lại của thế giới "mối liên kết bí ẩn" giữa hai đối thủ của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, biến Venezuela thành một "chiến trường" giữa Mỹ và các đối thủ.

Mặc dù 1,5 triệu thùng nhiên liệu có thể cứu Venezuela khỏi cuộc khủng hoảng nhiên liệu đang tiếp diễn tại quốc gia Nam Mỹ này, nhưng vấn đề này sẽ khó có thể giải quyết "một sớm một chiều".

Châm lửa đốt sân sau của Mỹ, Iran thắng canh bạc chiến lược: 3 chiến lợi phẩm khủng sau cuộc khủng hoảng tàu dầu? - Ảnh 1.

Tàu dầu Fortune của Iran cập cảng El Palito của Venezuela.

Có lẽ điều mà cả Tehran lẫn Caracas hướng tới trong "Cuộc khủng hoảng tàu chở dầu Iran" là chứng minh rằng một "mặt trận" của các quốc gia bị Mỹ xem là thù địch, bao gồm cả Nga, Trung Quốc, Syria... hoàn toàn có thể được thiết lập.

Venezuela và Iran có mối quan hệ lâu đời, trải qua một quá trình "thăng hoa" về hợp tác quân sự, kinh tế và chính trị trong thời kỳ các cựu Tổng thống Hugo Chavez và Mahmud Ahmadinezhad nắm quyền.

Theo Giám đốc chương trình phân tích các tổ chức chống Mỹ tại Trung tâm Woodrow Wilson, Cyrania Arnson, việc khu trục hạm USS Porter của Hải quân Mỹ truy đuổi tàu dầu Claval trên Đại Tây Dương hoàn toàn có khả năng trở thành đụng độ quân sự giữa Venezuela và Mỹ.

"Tình thế hiện tại được cho là đã "chín muồi", đặc biệt là một "đòn dưới thắt lưng" nhằm vào giới lãnh đạo chính quyền Mỹ - cụ thể là ông Trump trong một "thời điểm nhạy cảm".

Geoff Ramsey, Trợ lý giám đốc phụ trách Venezuela tại Mỹ Latinh cho biết nếu Mỹ lựa chọn phương án leo thang sẽ là một động thái "vô trách nhiệm" và chỉ có đàm phán là cách tốt nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng.

Nhận xét về thông tin Hải quân Mỹ tiến hành truy đuổi tàu Claval, Heather Heldman, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng hành động nhằm vào tàu chở dầu Iran khó có thể đạt được những gì người Mỹ mong muốn ở Venezuela.

"Đối với người Mỹ, mục tiêu rõ ràng có thể thấy ở Venezuela là lật đổ chính phủ của ông Maduro, nhưng việc người Mỹ can thiệp vào lô hàng nói trên có tăng cường mục tiêu nói trên hay không, tôi nghĩ câu trả lời là không chắc chắn và có khả năng là không".

Châm lửa đốt sân sau của Mỹ, Iran thắng canh bạc chiến lược: 3 chiến lợi phẩm khủng sau cuộc khủng hoảng tàu dầu? - Ảnh 2.

Thay vì sử dụng các lực lượng thuộc Bộ tư lệnh miền nam của Mỹ (SOUTHCOM), Hải quân Mỹ đang cơ động khu trục hạm USS Carson truy đuổi tàu dầu Claval cua Iran ở Đại Tây Dương/

Iran được lợi gì khi cung cấp nhiên liệu cho Venezuela?

Cuộc đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Iran đã bắt đầu gần như ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran (JPCOA) vào năm 2018.

Từ khẩu chiến và các biện pháp trừng phạt về kinh tế của Washington, nó đã leo thang theo hướng đối đầu quân sự sau cái chết của tư lệnh Lực lượng Quds thuộc IRGC, Tướng Soleimani và cuộc tập kích tên lửa do IRGC tiến hành nhằm vào 2 căn cứ Mỹ ở Iraq đầu năm 2020.

Theo ông Heldman, Iran đang cố đưa cuộc đối đầu này ra bên ngoài khu vực Trung Đông, và Nam Mỹ là một điểm đến quan trọng có thể buộc Mỹ nhận thức vấn đề theo một cách hoàn toàn khác.

Iran đang chơi một "canh bạc" Venezuela, nhưng họ không phải là những người đầu tiên biến quốc gia Nam Mỹ trở thành một "lợi khí" (binh khí sắc bén).

Người Nga, Trung Quốc và có thể là cả Cuba đã làm điều này từ nhiều năm nay. Sự hỗ trợ về chính trị, quân sự và đặc biệt là về kinh tế của các quốc gia nói trên đã giúp cho chính phủ của Tổng thống Maduro vẫn tiếp tục tại vị và tạo đầu ra cho các tài nguyên mà Venezuela khai thác.

Châm lửa đốt sân sau của Mỹ, Iran thắng canh bạc chiến lược: 3 chiến lợi phẩm khủng sau cuộc khủng hoảng tàu dầu? - Ảnh 4.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Venezuela đã gây chia rẽ nghiêm trọng trong cộng đồng quốc tế với một bên dẫn đầu bởi Mỹ ủng hộ phe đối lập Venezuela và bên còn lại là Nga - Trung Quốc - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ - Syria và một số nước Nam Mỹ ủng hộ chính phủ của ông Maduro.

Harold Trinkunas, một chuyên gia tại Đại học Stanford, cho rằng chiến lược bao vây Venezuela của Mỹ sẽ không thể cô lập Caracas và với các lợi ích địa chính trị mà ngày càng tăng ở quốc gia này, Washington khó có thể thuyết phục các nước khác từ bỏ vị thế của chính họ.

"Khi chúng ta nhìn vào cuộc cạnh tranh trên cấp độ toàn cầu giữa Mỹ và Nga, Trung Quốc và Iran chúng ta có thể tạm thời kết luận Venezuela là một chiến trường khác, như những gì đang diễn ra ở Syria và Libya".

Đối với Tehran, với Cuộc khủng hoảng tàu dầu đang diễn ra đem lại cho họ ít nhất là 3 "chiến lợi phẩm":

Đầu tiên là "tháo gông" cho các hoạt động cung cấp nhiên liệu trên toàn cầu, thứ hai là thông điệp mạnh mẽ có tính tới yếu tố quân sự gửi tới "sân sau" của Mỹ và thứ ba là nguồn lợi mà trao đổi thương mại với Venezuela mang lại.

Có thể chắc chắn rằng những chiếc tàu Iran sẽ không "rỗng không" khi trở về, nó có thể chở đầy loại dầu thô nặng của Venezuela trong bối cảnh thị trường thiếu hụt do bao vây của Mỹ.

Dầu thô nặng có thể mang lại sản lượng lớn các sản phẩm chưng cất loại trung như dầu mazut, diesel và nhiên liệu bay.

Các sản phẩm chưng cất này chủ yếu sử dụng trong giao thông vận tải hàng hóa cũng như sản xuất khai thác và canh tác, đặc biệt có giá trị vào cuối chu kỳ kinh doanh khi hoạt động kinh tế gần mức cao điểm.

Juan Cruz, cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ và cũng là một chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) bình luận;

"Bằng một khoản đầu tư nho nhỏ, họ (Iran) đã dí một ngón tay cái vào mắt người Mỹ - Tehran đã ra "lá bài tẩy" xăng dầu một cách hoành tráng".

Trực thăng vũ trang Venezuela hộ tống tàu dầu Iran

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM