• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay

Sức khỏe 30/10/2020 08:12

(Tổ Quốc) - Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn hướng tới một chủ nghĩa nhân văn cao cả và trong sáng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng con người là gốc của mọi công việc. Người chỉ rõ không có gì quý hơn sự phát triển toàn diện của con người, mà vấn đề sức khỏe là thứ quý nhất.

Chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự vận dụng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh viện thành phố Nam Định (ngày 22/5/1963). (Ảnh: TTXVN)

Người đưa ra những tư tưởng, quan điểm về sức khỏe, bài báo, bài viết, bài nói chuyện, ký các sắc lệnh gửi các ngành y tế, thể thao, thương binh, phụ lão, thanh niên chỉ rõ quan điểm về y đức, rèn luyện, chăm sóc sức khỏe nhân dân... Bản thân Bác là tấm gương sáng về tự rèn luyện chăm sóc sức khỏe.

Chủ tịch Hồ Chí Minh quan niệm sức khỏe là gồm có sự thoải mái cả về thể xác lẫn tâm hồn. Người định nghĩa: "Khí huyết lưu thông, tinh thần thoải mái, thế là sức khỏe". Sinh ra lại lớn lên trong một gia đình nhà Nho có cha đã từng là thầy thuốc đông y, nghề cắt thuốc trị bệnh cứu người, Chủ tịch Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc về y đạo của Y học phương Ðông. Vì vậy, khi diễn giải về sức khỏe, Người dùng những khái niệm của y học phương Ðông, nhưng khi đã tiếp cận với lý luận của triết học Mác về con người, thì trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mặt thể chất và mặt tinh thần lại càng được hòa quyện với nhau trong khái niệm sức khỏe và công tác chăm sóc sức khỏe. Chính sự hiểu đúng đắn về sức khỏe, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ cho chúng ta những vấn đề y thuật và y đạo. Ðó là tính khoa học và tính thống nhất trong tư tưởng của Người về sức khỏe.

Trên cơ sở hiểu một cách đúng đắn về sức khỏe, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vai trò của sức khỏe và vị trí của công tác chăm sóc sức khỏe trong kháng chiến và kiến quốc: "Mỗi một người dân yếu ớt, tức là cả nước yếu ớt, mỗi một người dân mạnh khỏe, tức là cả nước mạnh khỏe... Dân cường thì nước thịnh"[1] hay "Giữ gìn dân chủ, xây dựng nước nhà, gây đời sống mới, việc gì cũng cần sức khỏe mới thành công"[2]. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công" Bên cạnh đó, Người nhấn mạnh sức khỏe chính là động lực quan trọng hàng đầu thúc đẩy sự nghiệp "kháng chiến kiến quốc" đi đến thắng lợi: "Sức khỏe của cán bộ và nhân dân được bảo đảm thì tinh thần càng hăng hái. Tinh thần và sức khỏe đầy đủ thì kháng chiến càng nhiều thắng lợi, kiến quốc càng mau thành công"[3]. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, con người là vị trí trung tâm của mọi hoạt động và quyền được sống là quyền cao nhất của con người. Khi được sống thì sức khỏe là yếu tố quan trọng nhất, nếu không có sức khỏe thì chẳng làm được gì. Quân tâm đến sức khoẻ để mọi người đều được chăm sóc sức khoẻ chính là đầu tư cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi cá nhân và mỗi gia đình.

 Chính từ sự đánh giá rất cao về vị trí, vai trò của sức khỏe của mỗi người dân đối với quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa mà Hồ Chí Minh đã xác định việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là trách nhiệm của Đảng, Chính phủ và của cả xã hội. Vì vậy, với tư cách người thành lập Đảng và là người đứng đầu Nhà nước trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đều hướng tình thương yêu và sự quan tâm đặc biệt đến sức khỏe của người dân, Người mong muốn và căn dặn: "Chính sách của Đảng và Chính phủ phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân rét là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi"[4]. Vì vậy, để thực hiện được trách nhiệm của Đảng, Chính phủ với nhân dân trong chăm sóc sức khỏe thì Người định hướng một cách đơn giãn, dễ hiểu như trong thư gửi Hội nghị cán bộ y tế năm 1955, Người viết: "Xây dựng một nền y học của ta - Trong những năm nước ta bị nô lệ, thì y học cũng như các ngành khác đều bị kìm hãm. Nay, chúng ta đã độc lập, tự do, cán bộ cần giúp đồng bào, giúp Chính phủ xây dựng một nền y tế thích hợp với nhu cầu của nhân dân ta. Y học càng phải dựa trên nguyên tắc: khoa học, dân tộc và đại chúng"[5].

Trong bài viết "Vệ sinh yêu nước", Người cho rằng: "phòng bệnh hơn trị bệnh", bởi vì "Phòng bệnh" là bảo vệ cơ thể khỏi các căn bệnh nguy hiểm khi nó còn chưa xuất hiện bằng các biện pháp phòng ngừa, trong khi đó "chữa bệnh" lại là công đoạn khi căn bệnh đã xuất hiện ở trên cơ thể bằng các thiết bị, máy móc, thuốc men. Bằng cách so sánh hơn, Hồ Chí Minh đã khẳng định vai trò to lớn của việc phòng bệnh hơn là chữa bệnh đối với mỗi người. Phòng bệnh hay dự phòng tích cực và chủ động là truyền thống xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển nền y học Việt Nam. Quan điểm dự phòng tích cực phải được nhận thức sâu sắc và vận dụng trong việc tạo ra lối sống lành mạnh và văn minh, bảo đảm môi trường sống, lao động và học tập có lợi cho việc phòng bệnh và tăng cường sức khoẻ, chủ động phòng chống các tác nhân có hại cho sức khoẻ trong quá trình sinh sống của người dân. Có nhiều phương pháp khác nhau để ngừa bệnh nhưng biện pháp phòng bệnh tiết kiệm và hiệu quả nhất chính là giữ gìn vệ sinh cá nhân, cho nên mọi người từ già trẻ, trai gái đã là người dân yêu nước đều phải quan tâm đến vấn đề vệ sinh, giữ gìn sức khoẻ. Người giải thích: "Sạch sẽ là một phần của đời sống mới, sạch sẽ thì dân ít ốm, khoẻ mạnh thì làm được việc, làm được việc thì có ăn"[6]. Không chỉ có vậy, theo Hồ Chí Minh, chúng ta cần phải gây dựng phong trào vệ sinh phòng bệnh rộng khắp và bền bỉ thì mới có thể giải quyết tốt vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe con người. Để hiện thực hóa quan điểm của mình, Hồ Chí Minh đã phát động phong trào "Vệ sinh yêu nước" và được nhân dân ta nhiệt tình hưởng ứng.

Theo Người, giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe là trách nhiệm của mọi người, không phân biệt người giàu, người nghèo, bất luận là giàu hay nghèo đều phải thực hiện thật tốt: "Nếu người giàu không giúp cho dân nghèo ăn ở đúng vệ sinh, đến khi có bệnh dịch thì người giàu cũng khó sống"[7]. Đối với vấn đề vệ sinh, để bảo vệ sức khỏe chung cho cộng đồng, cũng có những trường hợp phải cưỡng bách người vi phạm phải tuân theo lợi ích sức khỏe chung, như trong tác phẩm "Đời sống mới", Người viết: "trong làng nhiều ao, nhiều muỗi, thường có đau ốm, người làng biết vậy, ai cũng bằng lòng lấp ao của mình. Chỉ một hai người không chịu theo, để người làng vì muỗi mà đau ốm liên miên. Vì vệ sinh chung làng có quyền buộc một hai người kia phải lấp ao"8. Đối với mỗi nhóm tuổi, giới tính, nghề nghiệp khác nhau thì Hồ Chí Minh đưa ra những lời khuyên nhủ, căn dặn phù hợp. Đối với cán bộ, đảng viên, Người căn dặn "đảng viên và cán bộ cẩn thận giữ gìn sức khoẻ của mình để làm việc"; đối với thiếu nhi, Người ân cần: "Phải đặc biệt chú ý giữ gìn sức khoẻ của các cháu", "giữ gìn vệ sinh thật tốt"  đối với thanh niên, Người khích lệ: "Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khoẻ, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước, để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng"9 đối với phụ nữ, Người nhấn mạnh: "Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khoẻ cho phụ nữ để chị em tham gia sản xuất được tốt" 10; đối với người cao tuổi, trong "Thư khen trung đội lão dân quân xã H. (Thanh Hoá)", Người trân trọng: "Tôi nhiệt liệt mừng chiến công vẻ vang của các cụ. Với lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù địch sâu sắc, các cụ đã nêu cao quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Thật là: Tuổi cao, chí càng cao. Đây là một gương sáng cho đồng bào cả nước tiến lên đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đến thắng lợi hoàn toàn. Chúc các cụ khoẻ mạnh, tiếp tục sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, lập những chiến công mới"11. Không chỉ nói về sức khỏe của của mọi người mà Hồ Chí Minh cũng chính là một tấm gương về rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe, như Người nói: "Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập".

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đạo đức của người thầy thuốc là "lương y phải như từ mẫu" nghĩa là "thầy thuốc phải như mẹ hiền". Đây là vấn đề cốt lõi trong tư tưởng của Người về y đức. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghề thầy thuốc là một nghề đặc biệt, nó trực tiếp quan hệ đến sức khỏe, đến tính mệnh của con người. "Thầy thuốc phải như mẹ hiền" là một đòi hỏi khách quan trong việc thực hành y nghiệp. Vì tính chất của nghề nghiệp mà người thầy thuốc phải giàu lòng nhân ái, chẳng những có nhiệm vụ cứu chữa bệnh tật mà còn phải nâng đỡ tinh thần người bệnh, yêu thương người bệnh và săn sóc họ như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Người thầy thuốc phải lấy người bệnh là trung tâm, coi cứu người bệnh là mục đích hành đạo. Tại Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Hồ Chí Minh đã gửi thư "góp vài ý kiến" để các đại biểu thảo luận, về vấn đề y đức, một lần nữa, tiếp tục được Người nhấn mạnh, cán bộ y tế phải thương yêu người bệnh, bởi, "Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang."12 Người còn dặn dò các y tá "y tá chẳng những là một nghề nghiệp, mà là một nghĩa vụ. Người y tá chẳng những chữa bệnh mà còn phổ biến vệ sinh. Việc giữ gìn, bồi dưỡng sức khỏe của dân tộc, người y tá phải gánh một phần quan trọng. Vì vậy, y tá là những chiến sĩ đánh giặc ốm, bảo vệ sự khang kiện của giống nòi. Những chiến sĩ y tá phải có chí chịu khổ, chịu khó, phải giàu lòng bác ái, hy sinh"13. Theo Người nhân ái hay bác ái là nét nổi bậc trong nhân cách của người thầy thuốc, một nền y học tiến bộ phải tồn tại trên cái nền của lòng nhân ái.

Người yêu cầu ngành y tế nói chung, các thầy thuốc nói riêng phải "thật thà, đoàn kết". Quan hệ giữa những người thầy thuốc là một trong những mối quan hệ cơ bản của hoạt động có sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho toàn dân và trị bệnh cứu người. Mỗi người thầy thuốc phải học và biết cách phối hợp trí tuệ, tài năng và hành động một cách kịp thời, chính xác để cứu chữa người bệnh sao cho được hiệu quả cao nhất. Vì vậy, Người nhấn mạnh: "Trước hết là phải thật thà đoàn kết - Đoàn kết là sức mạnh của chúng ta. Đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích. Đoàn kết giữa cán bộ cũ và cán bộ mới. Đoàn kết giữa tất cả những người trong ngành y tế, từ các Bộ trưởng, Thứ trưởng, bác sĩ, dược sĩ cho đến các anh chị em giúp việc. Bởi vì, công việc và địa vị tuy có khác nhau, nhưng người nào cũng là một bộ phận cần thiết trong ngành y tế, trong việc phục vụ nhân dân" 14. Đoàn kết trong y đức là mối quan hệ đồng nghiệp, giữa cán bộ cũ và cán bộ mới, giữa những nhân viên trong ngành y tế cùng nhằm tới mục đích vì sức khỏe con người. Đoàn kết trong ngành y là yêu cầu cần thiết để tạo nên sức mạnh, vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn.

Theo Hồ Chí Minh y đức không chỉ là lòng yêu thương người bệnh vô bờ bến, là sự thật thà, đoàn kết với đồng nghiệp, mà còn là sự say mê nghề nghiệp, luôn tích cực trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực chuyên môn và kiến thức toàn diện nhằm đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của toàn dân. Người thầy thuốc cách mạng muốn hồng phải chuyên sâu, muốn cho y đức được thực hiện đầy đủ và có ý nghĩa thực tiễn thì cần không ngừng trau dồi y lý, y thuật và luôn biết tự làm giàu trí tuệ cho mình.

Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, đất nước ta ngày càng tham gia hội nhập quốc tế sâu, rộng, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đi kèm theo đó là nhiều vấn đề toàn cầu liên quan đến sức khỏe, tính mạng của người dân thì cần thiết phải có sự đầu tư phát triển nguồn nhân lực phát triển toàn diện, trong đó sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong hoàn cảnh không chỉ Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới đang căng mình chống dịch bệnh như chống giặc ngoại xâm, khi cả thế giới đang choáng váng trước đại dịch Covid-19 thì mô hình, phương pháp chống dịch của Việt Nam, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao dù hệ thống y tế còn yếu và ngân sách dành chống dịch bệnh không phải là lớn, Việt Nam đã sớm có chiến lược chống virus lây lan rộng trong cộng đồng. Việt Nam đã bước đầu thành công bởi lễ toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đều thống nhất ý chí và hành động. Đảng, Chính phủ đã dự báo sớm các nguy cơ để xây dựng các phương án phòng dịch ở các cấp độ khác nhau, bên cạnh đó, truyền thông Nhà nước cũng được huy động hết vào chiến dịch thông tin tuyên truyền và trên hết là: đại bộ phận người dân đồng tình với các biện pháp của Đảng và Chính phủ đưa ra. Trong cuộc chiến chống lại đại dịch toàn cầu này ta có thể thấy rất rõ những tư tưởng nổi bật của Hồ Chí Minh về sức khỏe, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã thâm sâu vào trong mỗi chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ và thực hiện của nhân dân cả nước như: phòng bệnh hơn trị bệnh, đảm bảo sức khỏe bằng phương pháp giữ gìn vệ sinh cá nhân, đảm bảo sức khỏe của mỗi người dân là trách nhiệm của toàn xã hội, khi cần thiết bảo vệ sức khỏe tập thể thì cần có biện pháp cứng rắn với một số cá nhân. 

Do vậy, trong bối cảnh hiện nay việc đẩy mạnh công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong thời đại mới càng trở nên cần thiết. Qua đó, góp phần đào tạo đội ngũ "thế hệ cách mạng cho đời sau" khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.


(1), (2): Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.241.

(3): Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.154.

(4), (5), (12), (14): Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011 tr.518; tr 343-344, tr 343, tr 343.

(6): Một số vấn đề xây dựng ngành y tế phát triển ở Việt Nam", Nxb Y học, H.1998, tr.167

(7), (8): Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.114; tr.127.

(9), (10), (11): Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia-Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.164, tr 259, tr 379

(13): Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2011, tr 34

.

 

 

 

 

Lê Thị Cẩm Tú

NỔI BẬT TRANG CHỦ