• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chân dung 2 "tân binh" đầy tiềm năng có thể trở thành những Alibaba mới của Trung Quốc

Kinh tế 15/07/2020 18:50

(Tổ Quốc) - Nhiều cái tên mới đang bận rộn định hình lại không gian kinh doanh internet ở Trung Quốc. Nhưng 2 cái tên đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây phải kể đến Meituan Dianping và Pinduoduo.

Nền kinh tế kỹ thuật số bùng nổ của Trung Quốc đã sản sinh ra hàng nghìn startup. Tuy nhiên trong mắt nhiều người, đặc biệt là những sinh viên vừa tốt nghiệp các trường đại học danh giá của đất nước, các công ty này chỉ thuộc 1 trong 2 nhóm: BAT hoặc "bust" (tạm gọi là những công ty vật vờ không có tương lai). BAT chính là viết tắt của bộ ba ngôi sao Baidu, Alibaba và Tencent. Thế nhưng theo Economist, cụm từ viết tắt BAT giờ đây không còn hợp thời nữa.

Alibaba và Tencent vẫn tiếp tục thống trị thị trường. Với giá trị vốn hóa của mỗi công ty đạt gần 700 tỷ USD, họ lần lượt là công ty niêm yết lớn thứ 7 và thứ 8 thế giới. Trong khi đó vì chưa thích nghi tốt với xu hướng người tiêu dùng chuyển từ máy tính để bàn sang smartphone, cỗ máy tìm kiếm Baidu đứng ở tận vị trí thứ 319.

Hơn nữa nhiều cái tên mới đang bận rộn định hình lại không gian kinh doanh internet ở Trung Quốc. Đó là JD.com, hãng thương mại điện tử có giá trị vốn hóa 100 tỷ USD đang niêm yết cổ phiếu tại New York; Didi Chuxing, công ty gọi xe tư nhân được định giá vào khoảng 60 tỷ USD; và ByteDance, startup đứng sau ứng dụng video hot nhất thế giới TikTok, được định giá hơn 100 tỷ USD.

Nhưng 2 cái tên đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây phải kể đến Meituan Dianping và Pinduoduo. Bộ đôi này có nhiều điểm chung. Cả hai đều bắt đầu bằng cách kết nối người tiêu dùng với các phiếu giảm giá hấp dẫn (trong trường hợp Meituan là vé xem phim và đi spa, còn với Pinduduo là đủ mọi thứ từ những quả táo đến các sản phẩm công nghệ của Apple). Cả hai đều lên sàn năm 2018 – Meituan ở Hồng Kông và Pinduoduo ở New York. Và cả hai đã chứng kiến cổ phiếu bùng nổ kể từ đầu năm đến nay, dẫn đến mức giá trị vốn hóa hơn 100 tỷ USD.

Tuy nhiên chặng đường vươn tới đỉnh cao của họ khá khác nhau.

Liên tục chinh phục những miền đất mới

Hãy bắt đầu với công ty lớn hơn, Meituan. Công ty được thành lập năm 2010 bởi Wang Xing, 1 kỹ sư tốt nghiệp từ ĐH Thanh Hoa danh giá. Từ chỗ bán phiếu giảm giá, Meituan đã mở rộng sang rất nhiều lĩnh vực. Năm 2013 hãng chính thức triển khai mảng giao đồ ăn và mảng du lịch giúp người dùng đặt khách sạn và vé máy bay.

2 năm sau, Meituan sáp nhập với Dianping, nền tảng đặt chỗ và đánh giá nhà hàng tương tự như Yelp của phương Tây. Năm 2018, hãng chi 2,7 tỷ USD thâu tóm Mobike, 1 công ty cung cấp dịch vụ chia sẻ xe đạp, và bước vào thị trường gọi xe mà đến năm ngoái đã phủ sóng trên vài chục thành phố ở Trung Quốc. Elinor Leung, chuyên gia của công ty môi giới CLSA, nhận xét Meituan có thể được ví như "một cỗ máy tìm kiếm các dịch vụ".

Một số mảng kinh doanh của Meituan như giao đồ ăn và chia sẻ xe đạp có lợi nhuận mỏng nhưng khối lượng giao dịch lại rất lớn. Năm 2019, công ty chỉ kiếm được lợi nhuận chưa đến 3 cent cho mỗi đơn giao hàng (chủ yếu là thu phí hoa hồng từ các nhà hàng). Nhưng nền tảng này có tới 700.000 – 800.000 tài xế tham gia. Cứ 2 nhân dân tệ được người Trung Quốc chi cho đồ ăn đặt qua mạng thì có 1 tệ được tiêu qua Meituan.

Giống như Mobike (tốn nhiều vốn và đến giờ vẫn chưa có lãi), mảng giao đồ ăn giúp Meituan thu hút người dùng đến với các tiện ích có lợi nhuận thặng dư cao hơn như du lịch. Tỷ suất lợi nhuận của Meituan trong mảng đặt phòng khách sạn vào khoảng 20% - 35%. Đại dịch đã khiến mảng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng đến cuối tháng 5 đã hồi phục được khoảng 70%.

Bỏ tất cả trứng vào giỏ "thương mại điện tử"

Trong khi đó Pinduoduo chọn cách tiếp cận hoàn toàn trái ngược. Thay vì mở rộng lĩnh vực đặt cược, họ đầu tư gấp đôi vào thương mại điện tử. Theo David Liu, giám đốc chiến lược của công ty, thị trường bán lẻ trực tuyến ở trung Quốc tăng trưởng đủ nhanh để Pinduoduo đặt cược hết vào đây.

Số liệu của eMarketer cho thấy doanh thu thương mại điện tử ở Trung Quốc có thể tăng trưởng 16% trong năm nay, lên 14,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 2 nghìn tỷ USD) dù tổng doanh thu bán lẻ có thể giảm 4% xuống còn 35 nghìn tỷ tệ do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến các cửa hàng vật lý phải đóng cửa. Có lẽ một nửa con số tăng trưởng này sẽ thuộc về Alibaba, Pinduoduo và JD.com chia nhau phần còn lại. Trong đó Pinduoduo có lợi thế về giá.

Trung tâm sức mạnh của Pinduoduo nằm ở khái niệm mua sắm xã hội – thứ mà công ty miêu tả là sự kết hợp giữa Costco và Disneyland. Các sản phẩm rẻ hơn nếu mua theo lố với những người đi săn hàng giá rẻ khác. Người dùng có thể gia nhập các nhóm sôi động hoặc mời người khác tham gia cùng thông qua WeChat (ứng dụng thuộc sở hữu của Tencent – tập đoàn sở hữu 16% cổ phần Pinduoduo). Các thương lái ở đây hi sinh lợi nhuận để đổi lấy khối lượng.

Colin Huang, người sáng lập nên Pinduoduo và trước đây từng là kỹ sư làm việc cho Google ở Mỹ, không phải là cha đẻ của hình thức mua theo nhóm. Groupon đã làm điều đó từ năm 2008. Tuy nhiên ông đã phát triển ý tưởng này, thêm thắt nhiều ý tưởng như các trò chơi trao thưởng tiền ảo cho người dùng để họ sử dụng cho các mua sắm trong tương lai.

Người Trung Quốc rất thích Pinduoduo. Tính đến cuối tháng 3, 628 triệu người đã có ít nhất 1 lần mua hàng trên Pinduoduo trong 12 tháng gần nhất, tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn 60% so với JD.com, chỉ đứng sau con số 726 triệu người của Alibaba. Không chỉ có vậy, mức chi tiêu trung bình của người dùng cũng tăng từ 1.250 tệ lên hơn 1.800 tệ. Vì thế thị phần của Pinduoduo trên thị trường thương mại điện tử Trung Quốc đã tăng từ mức 2% năm 2017 lên 10% trong năm ngoái. Bernstein dự báo con số sẽ tăng lên 18% vào năm 2014, ngang bằng với JD.com.

Cơn sốt mua sắm giúp doanh thu quý I của Pinduoduo tăng trưởng 44% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 6,5 tỷ nhân dân tệ. Số tiền này chủ yếu đến từ thu phí giao dịch và bán quảng cáo cho người bán. Tương tự như eBay nhưng không giống nhiều ông lớn thương mại điện tử khác, Pinduoduo không giữ hàng trong kho hoặc vận hành mạng lưới logistic của riêng mình mà người bán sẽ tự đưa sản phẩm đến người mua. Phần lớn chi phí của Pinduoduo được tiêu cho hoạt động marketing và bán hàng. Quý I số chi phí này lên tới 112% doanh thu.

Liu quả quyết Pinduoduo có thể dễ dàng hạ thấp các chi phí này. Tuy nhiên những ví dụ thực tế lại không thể hiện như vậy. Uber gần đây vẫn lỗ nặng. Giống như Uber, Pinduoduo cũng hưởng lợi từ "hiệu ứng mạng lưới" – càng có nhiều người mua hàng sử dụng ứng dụng thì sẽ càng thu hút được nhiều người bán, từ đó lại kéo thêm nhiều người mua. Thế nhưng, giống như trên thị trường gọi xe, người bán và người mua sẽ phải tốn một vài chi phí để đổi sang app khác. Và JD.com cùng Alibaba đã tung ra những tiện ích tương tự như của Pinduoduo để tận dụng cơ sở người dùng đông đảo của mình.

Thiên thời địa lợi

Nhưng không thể phủ nhận Pinduoduo đang ở trong hoàn cảnh "thiên thời địa lợi". Đại dịch không gây ra thiệt hại nào cho hãng, thậm chí còn tạo ra những tác động tích cực. Không kinh doanh bên ngoài Trung Quốc (điểm này cũng giống với Meituan), hãng không bị lôi vào cuộc chiến công nghệ Mỹ - Trung đang khiến TikTok và Huawei khổ sở. Mỹ đe dọa sẽ "tống cổ" các công ty đang niêm yết cổ phiếu ở Mỹ nhưng đến nay đó vẫn là 1 lời đe dọa và các nhà đầu tư không hề quay lưng. Sự kiện CEO đột ngột từ chức ngày 1/7 và giảm tỷ lệ sở hữu từ 43% xuống còn 29% cũng không hề ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Năm ngoái Meituan đã có năm đầu tiên không lỗ. Mảng đồ ăn và du lịch chiếm được thị phần từ tay đối thủ và có lãi, giúp các mảng vẫn đang lỗ "dễ thở" hơn về tài chính.

Điểm chung cuối cùng là hai công ty này chính là minh chứng hùng hồn cho niềm tin vào tương lai tươi sáng của nền kinh tế kỹ thuật số ở trung Quốc. Tất nhiên họ chỉ có thể thực sự trở thành những thành viên mới của nhóm BAT nếu đạt được mức lợi nhuận dày dặn như Tencent và Alibaba.

Tham khảo The Economist

Thu Hương

NỔI BẬT TRANG CHỦ