• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Châu Âu đối mặt chia rẽ mới khi làn sóng COVID-19 thứ hai gia tăng

Thế giới 19/10/2020 15:01

(Tổ Quốc) - CNN đăng tải, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tăng cao đột biến trên toàn châu lục, các nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh lây lan của nhiều chính phủ châu Âu đang phải đối mặt với một thách thức mới.

Nhiều thành phố tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha… đang không ngừng kháng cự lại những cố gắng của chính quyền trung ương trong việc thắt chặt những quy định hạn chế và phong tỏa.

Tại Manchester, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thị trưởng Andy Burnham đã rơi vào một cuộc tranh cãi xung quanh việc liệu có đưa thành phố miền bắc nước Anh từ hạn chế ở cấp độ 2 lên cấp độ 3 - mức nghiêm trọng nhất, hay không.

"Nếu không đạt được thỏa thuận, tôi sẽ cần phải can thiệp nhằm bảo vệ các bệnh viện tại Manchester và cứu sống sinh mạng của người dân thành phố", ông Johnson tuyên bố ngày 16/10, đồng thời kêu gọi Thị trưởng Burnham "tái cân nhắc lập trường" và "tích cực hợp tác" với chính phủ.

Tuy nhiên, ông Burnham lại không muốn thắt chặt các biện pháp hạn chế tại thành phố của mình theo khuyến nghị của chính phủ. Thay vào đó, ông kêu gọi có thêm các biện pháp tài chính để bảo vệ người lao động trong khu vực.

Cuộc tranh cãi trở nên căng thẳng hơn hôm Chủ nhật sau khi Bộ trưởng Văn phòng Nội các Anh Michael Gove kêu gọi ông Burnham "tạm thời đặt sang một bên lập trường chính trị mà họ đang theo đuổi".

"Tôi muốn họ [chính quyền Manchester] làm việc với chúng tôi để đảm bảo có thể cứu sống mạng người và bảo vệ NHS… thay vì những cuộc họp báo và thuyết giảng về việc chúng ta cần phải hành động như thế nào để cứu sống sinh mạng con người", ông Gove trả lời phỏng vấn kênh Sky News. NHS viết tắt của Dịch vụ Y tế Quốc gia, là hệ thống chăm sóc sức khỏe công của Anh.

Châu Âu đối mặt chia rẽ mới khi làn sóng COVID-19 thứ hai "lên đỉnh" - Ảnh 1.

Người dân đi ngang một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manchester, Anh ngày 17/10

Tình hình hiện tại rắc rối hơn so với đợt bùng phát dịch bệnh đầu tiên tại Anh. Khi đó, cả bốn nước thuộc Liên hợp Vương quốc Anh (Anh, Scotland, Wales và Bắc Ireland) đểu "đồng lòng" tiến hành phong tỏa và sự gắn kết giữa chính quyền trung ương với địa phương được thể hiện rõ.

Tuy nhiên, giờ đây tại một số vùng của đất nước lại đang có sự bối rối về những quy định mà họ phải tuân theo. Mức độ nặng nhẹ phần lớn phụ thuộc vào thái độ của giới lãnh đạo địa phương sẵn sàng triển khai quy định của chính phủ đến đâu.

Tại London, Thị trưởng Sadiq Khan kêu gọi áp dụng các quy định nghiêm khắc hơn ngay cả khi Thủ tướng Johnson còn chưa lên tiếng yêu cầu. Trong khi đó, Liverpool, Lancashire và một số vùng khác, thỏa thuận với chính phủ chỉ mới đạt được ngay trước cuối tuần qua.

Mặc dù vậy, ngay cả khi chính quyền địa phương đồng ý thực thi hạn chế, thái độ của người dân nhìn chung cũng không quá nhiệt tình.

"Tôi chán lắm rồi. Nó giống như mọi thứ đã tái mở cửa và cuộc sống bắt đầu trở lại như bình thường một chút và giờ đây chúng tôi lại phải quay về những ngày hạn chế", cô Rebecca Duncan từ Nam London chia sẻ với CNN.

Châu Âu đối mặt chia rẽ mới khi làn sóng COVID-19 thứ hai "lên đỉnh" - Ảnh 2.

Khách du lịch trước cổng Brandenburg tại thủ đô Berlin ngày 13/10; giới doanh nhân thành phố đã khởi kiện lệnh giới nghiêm của chính phủ đối với các quán bar và nhà hàng (ảnh: CNN)

Kịch bản tương tự cũng đang diễn ra trên khắp châu Âu.

Hồi đầu tháng, một tòa án Madrid đã từ chối áp dụng các lệnh phong tỏa của chính phủ Tây Ban Nha áp dụng lên thủ đô. Điều đó khiến hàng triệu người dân rơi vào thế khó khăn khi không biết họ có được phép đi lại trong dịp lễ quốc gia hay không.

Theo tòa án, các lệnh cấm người dân Madrid rời khỏi thủ đô và 9 vùng lân cận, đã can thiệp vào các "quyền cơ bản của công dân một cách không phù hợp luật pháp".

Chính phủ trung ương cánh tả của Tây Ban Nha và chính quyền trung hữu của Madrid từ lâu đã tranh cãi xung quanh những phản ứng trong đại dịch và giờ đây các biện pháp phong tỏa trở thành cuộc chiến chính trị mới nhất.

Và tại Đức, một loạt các phán quyết của tòa án gần đây cũng khiến chính phủ Thủ tướng Angela Merkel gặp thêm khó khăn trong những nỗ lực làm giảm số ca nhiễm.

Mới nhất, một tòa án Berlin đã "đi ngược" lại chính phủ khi hủy bỏ lệnh cấm các quán bar và nhà hàng trong thành phố mở cửa muộn. "Không có bằng chứng rõ ràng" về việc đóng cửa các cơ sở ăn uống từ 11h tối tới 6h sáng giúp đối phó với dịch bệnh lây lan, tòa án phán quyết. Vì vậy, lệnh cấm áp dụng từ ngày 10/10 đã "vi phạm quyền tự do" trong ngành công nghệ dịch vụ ăn uống.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn bày tỏ sự "thất vọng" với quyết định của tòa án. "Tại các thành phố lớn, đặc biệt là thời gian muộn, những gì đang diễn ra ở các địa điểm tư nhân và công cộng rõ ràng là nguồn cơn của làn sóng lây nhiễm hiện tại", ông Spahn khẳng định.

Trong khi đó, tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron chắc chắn sẽ quan sát kỹ lượng tình trạng bất đồng đang diễn ra ở các nước xung quanh. Các lệnh giới nghiêm tại Paris và nhiều thành phố khác của Pháp được tái áp dụng từ cuối tuần trước. Tính tới hiện tại, kế hoạch của chính quyền Macron vẫn chưa vấp phải nhiều phản đối lớn.

Làn sóng COVID-19 tiếp tục gia tăng mạnh mẽ tại châu Âu. Anh, Đức, Italy, Ba lan và CH Czech cùng nhiều nước khác trong tháng Mười, đều ghi nhận số ca nhiễm virus cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Các chính phủ e ngại, tình hình thậm chí có thể còn tồi tệ hơn trong mùa đông.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ