• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cháy cơ sở hạt nhân: Giữa các ngờ vực, Iran lên tiếng sẽ có hành động đáp trả

Thế giới 04/07/2020 11:22

(Tổ Quốc) - Truyền thông Iran đưa tin, một vụ hỏa hoạn bất ngờ xảy ra bên trong khu tổ hợp hạt nhân Natanz nằm ở tỉnh Isfahan, phía nam thủ đô Tehran.

Theo hãng Reuters, Iran vừa lên tiếng trước sự cố này và kiên quyết sẽ có hành động đối phó với bất kỳ thách thức nào.

Cháy cơ sở hạt nhân: Giữa các ngờ vực, Iran lên tiếng sẽ có hành động đáp trả - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Reuters

"Tehran sẽ phản ứng mạnh mẽ đối với bất kỳ quốc gia nào thực hiện các cuộc tấn công mạng vào khu thử hạt nhân", người đứng đầu quốc phòng dân sự cho biết sau vụ hỏa hoạn ở nhà máy Natanz.

Các quan chức Iran cho biết vụ việc có thể xuất phát từ cuộc tấn công mạng. Khu làm giàu uranium Natanz nằm ở vị trí dưới lòng đất là một trong số các cơ sở của Iran có sự giám sát của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) – cơ quan giám sát hạt nhân của Liên Hợp Quốc.

Cơ quan an ninh đứng đầu của Iran cho biết, nguyên nhân của sự việc diễn ra tại nhà máy hạt nhân đã được xác định, tuy nhiên, bởi vì các cân nhắc an ninh nên sẽ được thông báo vào thời điểm thuận tiện.

Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran từ đầu đã báo cáo sự cố xảy ra ở nhà máy hạt nhân Natanz, nằm ở sa mạc ở tỉnh miền trung của Isfahan. Sau đó, cơ quan này đã công bố hình ảnh một tòa nhà bằng gạch một tầng có mái và tường bị bốc cháy. Hình ảnh cho thấy khả năng tòa nhà bị bốc cháy bên trong.

"Đối phó với các cuộc tấn công mạng là một phần trong chiến lược phòng thủ của Iran. Điều này được chứng minh rằng đất nước của chúng ta đang bị nhắm mục tiêu tấn công mạng và chúng ta sẽ phải có phản ứng", ông Gholamreza Jalali – người đứng đầu quốc phòng dân sự của Iran cho biết trên truyền hình nhà nước vào cuối ngày 2/7.

Hãng tin nhà nước IRNA dẫn tin cho biết, các động thái tương tự như vậy đã đến lúc phải chấm dứt.

"Cho đến nay Iran đã liên tục cố gắng ngăn chặn các cuộc khủng hoảng mạnh mẽ và sự hình thành các điều kiện không thể đoán trước. Tuy nhiên, việc vượt quá giới hạn lằn ranh đỏ của Iran có nghĩa là chiến lược đã đến lúc phải thay đổi", hãng tin IRNA cho biết.

Các hoài nghi

Ba quan chức Iran giấu tên cho biết, họ tin tưởng rằng vụ hỏa hoạn là kết quả của cuộc tấn công mạng nhưng không nói thêm bằng chứng.

Một trong số các quan chức cho biết rằng, cuộc tấn công đã nhằm mục tiêu vào tòa nhà lắp ráp máy ly tâm, liên quan đến chu trình làm giàu urani và cho rằng, các kẻ thù của Iran đã từng thực hiện các hành vi tương tự trong quá khứ.

Vào năm 2010, loại virus máy tính Stuxnet được cho rằng đã phát triển từ Mỹ và Israel đã được phát hiện sau khi tấn công vào cơ sở Natanz.

Lukasz Olejnik, nhà nghiên cứu và là chuyên gia tư vấn an ninh mạng độc lập ở Brussels cho biết, sự cố không nhất thiết phải nói nhiều về những gì đã xảy ra hôm 2/7.

"Các sự kiện như vậy đã diễn ra các đây 10 năm và một khi chính nó không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng nào về những gì xảy ra hôm nay", ông Olejnik được biết đến là cố vấn khoa học về chiến tranh mạng tại Uỷ ban Chữ thập đổ quốc tế nói trong email.

Theo ông Olejnik, cuộc nói chuyện về cuộc tấn công mạng là quá sớm và các căn cứ về việc tấn công mạng – bóng ma phá hoại kỹ thuật số là lời giải thích không đủ thuyết phục và hợp lý.

Nhà nghiên cứu Yoel Guzansky của Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia và cựu nhà phân tích của Văn phòng Thủ tướng Iran cho hay, hiện chưa rõ có chiến dịch phá hoại nào nhằm vào Iran hay không, tuy nhiên, một loạt vụ nổ xảy ra tại Iran hiện chưa tìm thấy bằng chứng liên quan.

Hai quan chức Iran cũng cho biết, Israel có thể đứng sau sự cố Natanz nhưng không đưa ra bằng chứng.

Khi được hỏi về các sự cố gần đây báo cáo về các cơ sở hạt nhân chiến lược của Iran, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với báo chí rằng: "Rõ ràng, chúng ta không thể tiếp cận vào các khu này".

Quân đội Israel và văn phòng của Thủ tướng Netanyahu hiện chưa phản ứng trước động thái này.

Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran vào ngày 3/7 cho biết, khu cháy không hề có vật liệu hạt nhân và không có giám sát viên nào ở đây trong thời điểm xảy ra hỏa hoạn.

"Cơ quan này vừa liên lạc với các quan chức Iran có liên quan để xác nhận sẽ không hề có ảnh hưởng đến các hoạt động xác minh an toàn", tuyên bố của IAEA cho biết đồng thời nói thêm rằng Iran đã nói với họ rằng nguyên nhân xảy ra vụ việc vẫn chưa được biết.

Khu tổ hợp Natanz là cơ sở thực hiện chương trình làm giàu urani của Iran và Tehran lên tiếng chỉ thực hiện cho các mục đích hòa bình. Các cơ quan tình báo phương Tây và IAEA thường cho rằng Iran đã có chương trình vũ khí hạt nhân bí mật và dừng lại trong năm 2003.

Tehran vẫn từ chối thông tin cáo buộc phát triển các vũ khí hạt nhân.

Iran đã kiềm chế các công tác liên quan đến hạt nhân với điều kiện nới lỏng các trừng phạt toàn cầu thông qua thỏa thuận hạt nhân 2015. Tuy nhiên, điều kiện này đã hết hiệu lực kể từ khi Mỹ rút khỏi chương trình hạt nhân Iran trong năm 2018. Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với quốc gia Trung Đông này.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ