Chiến dịch chấn động hủy diệt NATO trong 7 ngày: Sự sụp đổ của bản kế hoạch tuyệt mật

Vy Lam | 18-05-2020 - 12:28 PM

(Tổ Quốc) - Brussels - nơi đặt trụ sở chính trị của NATO, nhiều thành phố khác tại Đức, Đan Mạch, Hà Lan, Bắc Italy đều có nguy cơ trở thành mục tiêu bị tấn công.

Hủy diệt NATO trong... 7 ngày

Theo tạp chí National Interest, đã có rất nhiều cuộc thảo luận đề cập tới việc làm thế nào NATO có thể đánh bại Liên Xô và các đồng minh khối Warsaw trong Thế chiến III - một cuộc chiến rất may chưa bao giờ nổ ra.

Điều quan trọng đối với nhiệm vụ chiến lược của NATO là không để cho lực lượng quân sự của đối phương hủy diệt liên minh này. Việc đó đòi hỏi phải đạt được 4 mục tiêu thời chiến: Giành được và bảo toàn ưu thế trên không, duy trì mở cửa các tuyến đường thông tin liên lạc trên biển với Bắc Mỹ, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Tây Đức và tránh sử dụng tới vũ khí hạt nhân.

Sự thất bại của bất kỳ mục tiêu nào trong 4 mục tiêu trên cũng đồng nghĩa với việc NATO khó có thể giành phần thắng nếu chiến tranh.

Trong khi đó, theo một kế hoạch bí mật, Liên Xô và khối Warsaw từng cân nhắc tới phương án sử dụng vũ khí hạt nhân để hủy diệt NATO trong vòng 7 ngày và đảm bảo chiến thắng cho phe mình.

Kịch bản này đã được đưa vào nội dung của một cuộc tập trận mô phỏng tuyệt mật vạch ra vào năm 1979 để xác định xem Liên Xô/Warsaw có thể lấn át được NATO tới đâu trong thời gian ngắn.

Các cuộc oanh tạc bằng bom hạt nhân cùng chiến dịch đánh nhanh là hai yếu tố đóng vai trò quan trọng đối với bất cứ cuộc tấn công nào như vậy.

Chiến dịch chấn động hủy diệt NATO trong 7 ngày: Sự sụp đổ của bản kế hoạch tuyệt mật - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng thế đối đầu giữa khối Warsaw và NATO trong Chiến tranh Lạnh. Ảnh: The Global Cold War

Kế hoạch tham vọng

Mặc dù chưa bao giờ trở thành hiện thực nhưng kế hoạch tuyệt mật này mới chỉ được chính phủ Ba Lan công khai sau kỳ bầu cử quốc gia tại nước này vào năm 2005. Tờ Daily Express cho biết, chính phủ Ba Lan quyết định làm điều đó để "vạch ranh giới với quá khứ" và "giáo dục công chúng Ba Lan về chế độ cũ".

Chiến dịch có tên "Seven Days to River Rhine" (Tạm dịch: 7 ngày tới sông Rhine) và được lên kế hoạch ngay khi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và Thủ tướng Liên Xô Leonid Brezhnev thảo luận vấn đề giảm căng thẳng giữa hai phía.

Sơ đồ của kế hoạch này đã làm nổi rõ bao nhiêu khu vực ở châu Âu có thể bị phá hủy: Thủ đô Bonn của Đức khi đó, cũng như các thành phố Frankfurt, Cologne, Stuttgart, Munich, và Hamburg đều trở thành mục tiêu.

Ngoài ra, Brussels - nơi đặt trụ sở chính trị của NATO, và nhiều thành phố khác tại Đan Mạch, Hà Lan, bắc Italy đều có nguy cơ bị Liên Xô tấn công. Trong khi đó, phản ứng của NATO được dự trù sẽ là phá hủy thủ đô Prague (CH Czech) và Warsaw (thủ đô của Ba Lan).

Đáng lưu ý, theo kế hoạch này, nước Pháp sẽ tránh được cuộc tấn công bởi họ khi đó không phải là thành viên đầy đủ của NATO (Pháp là một thành viên NATO nhưng năm 1966 đã rút khỏi bộ chỉ huy quân sự. Tháng 4/2009, Pháp quay trở lại bộ chỉ huy quân sự NATO, trở thành thành viên đầy đủ, chấm dứt 43 năm vắng bóng). Anh cũng không phải đối diện với cuộc hủy diệt hạt nhân.

Do Australia và Nam Tư giữ lập trường trung lập nên điều đó sẽ dẫn tới một bối cảnh mà bản kế hoạch mô tả là "phễu xâm lược".

Trong chiếc phễu này, phần lớn các chiến dịch tấn công trên bộ sẽ diễn ra ở Đức. Mục tiêu của kế hoạch là tiến quân tới sông Rhine trong thời gian ngắn nhất - khiến NATO không thể giành phần thắng.

Nhằm đảm bảo rằng Pháp sẽ không có bất cứ phản ứng nào khi cuộc tấn công diễn ra, tại Liên Xô và khối Warsaw dấy lên một làn sóng thứ hai kêu gọi thêm một mũi tấn công mạnh vào biên giới Tây Ban Nha trong vòng 7 ngày nữa - đây thực sự là một kế hoạch đầy tham vọng nếu nó được thực hiện.

Tuy nhiên, không phải tất cả các quốc gia trong khối Warsaw đều tham gia vào kế hoạch tấn công xem chừng quá tầm với này. Quân đội Tiệp Khắc đánh giá rằng bản kế hoạch đó quá mức lạc quan.

Trong khi mục tiêu của kế hoạch là nhằm tránh sự hủy diệt toàn diện bằng hạt nhân đối với khối Warsaw và cho phép khối này đạt được vị thế mạnh hơn khi hai phía tính tới hiệp ước hòa bình, nhưng nó đã không tính đến phản ứng hạt nhân chiến thuật từ Pháp và các yếu tố khác có thể kìm hãm ngay cả một Liên Xô đầy quyết đoán.

Bản kế hoạch đầy tham vọng đã được tái hiện một phần trong bộ phim Octopussy của James Bond, nhưng trong bộ phim này, ngay cả các lãnh đạo khác của Liên Xô cũng bị mô tả là "điên rồ". Thật may mắn cho thế giới là không bên nào có cơ hội biến kế hoạch này thành hiện thực.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM