• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến dịch xã hội khá giả của ông Tập đang bon bon về đích: Mắt xích khó khăn nhất xuất hiện

Thế giới 06/10/2020 18:06

(Tổ Quốc) - Vị trí xa xôi ở tỉnh Tứ Xuyên ban đầu giúp cộng đồng dân cư tránh được những xung đột nhưng cuối cùng vì điều này họ đã bị bỏ lại phía sau trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc.

Ông Jifu Jifuzi sống trong một ngôi làng biệt lập trên một vách núi phía tây nam Trung Quốc giống như những thành viên khác của cộng đồng dân tộc thiểu số Yi đã sinh sống trong nhiều thế hệ qua. Vị trí xa xôi ở tỉnh Tứ Xuyên ban đầu giúp cộng đồng dân cư tránh được những xung đột nhưng cuối cùng điều đó có nghĩa là họ đã bị bỏ lại phía sau trong quá trình hiện đại hóa của Trung Quốc.

Gia đình ông Jifu gồm hai vợ chồng và ba đứa con lớn - đang sống trong một căn lều đắp từ bùn đất với bếp lửa ở giữa nhà, chuồng nuôi gà và lợn ở cạnh nhà. Khi trời mưa thì mái tôn dột còn đường núi lầy lội không đi đâu được.

Nhưng mọi thứ bắt đầu được cải thiện nhanh chóng vào năm 2018, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm khu tự trị Liangshan Yi - một trong những vùng nghèo nhất Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các cán bộ đẩy nhanh quá trình xóa đói giảm nghèo tại đây.

Những con đường được xây dựng để nối các ngôi làng miền núi và những ngôi nhà được xây dựng để đảm bảo không gian sống tiêu chuẩn 35m2/người. Người dân trong làng cuối cùng đã được tiếp cận với các tiện nghi tương đối hiện đại: nhà vệ sinh xả nước, nước sinh hoạt, tivi và nhằm giữ vệ sinh môi trường sống tốt hơn, gia súc sẽ được nuôi cách xa nhà ở.

Chiến dịch xã hội khá giả của ông Tập đang bon bon về đích: Mắt xích khó khăn nhất xuất hiện - Ảnh 1.

Người dân làng Xujiashan chuyển đến những ngôi nhà mới do chính phủ xây dựng vào năm 2019. Ảnh: Simon Song

“Tôi rất biết ơn vì tất cả những điều này. Tôi không bỏ ra bất cứ chi phí nào", ông Jifu Jifuzi, 50 tuổi, người đã cùng gia đình chuyển đến một ngôi nhà 5 phòng ngủ vào tháng 10 năm ngoái, cho biết. Ông và hai con trai đang chuẩn bị đến Chiết Giang kiếm việc làm trên các công trường xây dựng vì những con đường mới đã giúp việc di chuyển dễ dàng hơn. Như vậy, họ có thể mang về nhà khoảng 60.000 NDT (8.800 USD)/năm.

Ông Jifu là nhân vật nổi bật mà chính phủ Trung Quốc muốn truyền tải đến thế giới bên ngoài, đại diện cho 10 triệu cư dân nông thôn trên khắp đất nước tái định cư từ các vùng sâu vùng xa trong chiến dịch xóa đói giảm nghèo của Bắc Kinh.

Xóa đói giảm nghèo

Trung Quốc chuẩn bị tuyên bố rằng chương trình xóa đói giảm nghèo đã thành công. Chính phủ đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc và công sức nhưng dường như vẫn còn một chặng đường dài nếu những người được chiến dịch giúp đỡ vẫn tiếp tục có việc làm, điều chỉnh theo lối sống mới và hoàn toàn thoát khỏi cảnh nghèo đói.

Chiến dịch chống đói nghèo của Trung Quốc đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước nhưng đã tăng tốc vào năm 2015 khi ông Tập Cận Bình đưa ra cam kết đầy tham vọng là chấm dứt hoàn toàn tình trạng nghèo đói trong nước cho tới năm 2020. Mục tiêu này được quy đổi ra mức thu nhập hàng năm là 2.300 NDT vào năm 2011. Mốc thời gian được thiết lập để đảm bảo Trung Quốc trở thành một “xã hội tiểu khang” (xã hội khá giả), một sứ mệnh cho đảng Cộng sản Trung Quốc vào năm 2021 nhân dịp kỷ niệm 100 năm thành lập. Để đạt được mục tiêu này, chiến dịch chưa từng có đã được thực hiện mà không tính đến chi phí - cả nhân lực lẫn vật lực- mặc dù nền kinh tế của đất nước đang dấu hiệu chậm lại do tác động dịch Covid-19.

Mỗi hộ gia đình được coi là nghèo được xác định bằng bảng hiệu rõ ràng bằng lối vào nhà và tên và số điện thoại của một công chức hoặc viên chức của một doanh nghiệp nhà nước được kết nối để giúp đỡ hộ gia đình. Hơn 2,9 triệu cán bộ đảng viên được cử đến các thôn bản để giúp các thôn nghèo vượt lên ngưỡng nghèo. Theo sự sắp xếp của cấp cao hơn, các tỉnh phía đông giàu có được kết nối với các tỉnh nghèo và nhận được hỗ trợ tài chính, việc làm và cơ hội kinh doanh.

Chiến dịch xã hội khá giả của ông Tập đang bon bon về đích: Mắt xích khó khăn nhất xuất hiện - Ảnh 2.

Khu tái định cư ở tỉnh Tứ Xuyên. Ảnh: Simon Song

Khó có thể tính toán được bao nhiêu tiền đã được đổ cho chiến dịch này. Nguồn kinh phí phụ thuộc vào nguồn lực từ các doanh nghiệp cũng như tài trợ của chính phủ để xây dựng cơ sở hạ tầng như đường xá và doanh nghiệp, di dời người dân ra khỏi các khu vực đặc biệt nghèo và chi trả cho lĩnh vực giáo dục và y tế. Kể từ năm 2016, riêng Liangshan đã nhận hỗ trợ 115,7 tỷ NDT (17 tỷ USD). Vào năm 2018, các nỗ lực xóa đói giảm nghèo đã được tăng cường gấp đôi cho ba năm cuối cùng của "trận chiến khốc liệt" để giúp đỡ các khu vực chìm trong nghèo đói, đặc biệt là khu vực liên quan tới 19 nhóm người dân tộc thiểu số sống trên cao nguyên Tây Tạng, Tân Cương, hay Lâm Hạ thuộc tỉnh Cam Túc, Liangshan tỉnh Tứ Xuyên và ở Nujiang tỉnh Vân Nam.

Theo số liệu chính thức của chính phủ Trung Quốc, kể từ năm 2013, khoảng 13 triệu cư dân nông thôn đã được thoát nghèo hàng năm nhờ chiến dịch này. Con số đáng kinh ngạc là 98 triệu dân số nghèo trong năm 2013 đã giảm xuống còn 5,5 triệu sau 6 năm.

Các quan chức dự đoán rằng, Trung Quốc sẽ đạt được mục tiêu cao theo kế hoạch nếu không xuất hiện đại dịch dẫn đến suy giảm kinh tế, các nhà máy đóng cửa hàng loạt.

Dịch bệnh và lũ lụt vào mùa hè là những thách thức lớn nhưng chúng tôi rất tự tin rằng chúng tôi có thể đạt được mục tiêu giảm nghèo trong năm nay”, ông Hong Tianyun, Phó Giám đốc Văn phòng Xóa nghèo và Phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc cho biết.

Peng Qinghua, Bí thư tỉnh Tứ Xuyên, thừa nhận rằng đại dịch Covid-19 đã khiến công cuộc xóa đói giảm nghèo trở nên khó khăn hơn, đặc biệt là vì tỉnh này được biết đến là nguồn cung cấp lao động nhập cư chính cho các khu vực khác nhưng nhiều người đã không thể đi làm khi phần lớn đất nước bị phong tỏa trong một thời gian dài.

Điều này sẽ ảnh hưởng đến thu nhập hàng năm của họ nhưng tác động sẽ không nghiêm trọng”, ông Peng nói. Theo ông này, các dự án xây dựng thuộc chương trình xóa đói giảm nghèo đã bị tạm ngừng do lệnh phong tỏa sẽ được tiếp tục và hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, chi phí sinh hoạt tăng cao và cơ hội việc ít ỏi đang là trở ngại mới cho các gia đình nông thôn vừa mới chuyển đến khu tái định cư.

Áp lực của địa phương

Chính quyền địa phương đang đối mặt với áp lực lớn để giúp đỡ các gia đình này bao gồm cung cấp các khóa đào tạo nghề hay mở ra các cơ hội kinh doanh. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Tại khu dân cư Ganen của quận Yuexi gần Liangshan, nơi 6.600 người đã phải di chuyển từ sống trên núi xuống khu tái định cư, chính quyền địa phương hỗ trợ cho những người phụ nữ 30 NDT/ngày để dạy nghề như bảo mẫu, giúp việc.

Chiến dịch xã hội khá giả của ông Tập đang bon bon về đích: Mắt xích khó khăn nhất xuất hiện - Ảnh 3.

Một người phụ nữ Tây Tạng trồng rau cạnh ngôi nhà của mình. Dân làng Qingshui (Tứ Xuyên) đã được tái định cư trong những ngôi nhà mới vào năm 2019. Ảnh: Simon Song

Bà Hailai Budumu, có chồng làm công nhân xây dựng ở Thành Đô, thủ đô Tứ Xuyên, thông qua một phiên dịch cho biết bà rất vui khi chuyển đến một căn hộ rộng 75m2 vào năm ngoái sau khi trả 20.000 NDT “vì đó là một ngôi nhà tốt hơn nhiều so với căn nhà cũ”. Bà đã tham gia khóa dạy nghề bảo mẫu kéo dài 23 ngày nhưng không có nhiều hi vọng rằng mình sẽ kiếm được tới 1.000 NDT/ tháng. “Một công việc dọn dẹp gần nhà với lương vài trăm NDT/ tháng là ổn rồi”, bà Budumu nói.

Cán độ dạy nghề Li Fang nói thêm rằng, thách thức không chỉ là đáp ứng các kỹ năng làm việc mà những người sống ở vùng núi cao phải thích nghi với cuộc sống đô thị hiện đại và học thói quen vệ sinh để “có thể làm việc được” tại các gia đình địa phương. “Chuyển nhà có nghĩa là một sự thay đổi mạnh mẽ [cuộc sống] và đôi khi chi phí sinh hoạt cao hơn. Nước máy sạch hơn nước suối nhưng cũng phải trả tiền”, Lin Shucheng, lãnh đạo Liangshan nói.

Ông cho biết chiến lược ưu tiên của chính quyền là di dời các gia đình đến những nơi gần nơi họ đang sống thay vì đưa họ đến các thành phố và thị trấn xa xôi nếu họ không có người nhà hỗ trợ. Ngoài ra, còn có những nghi ngờ về hiệu quả của công tác xóa đói giảm nghèo vì số lượng lớn các nguồn lực tham gia không có nghĩa là chương trình có thể bền vững.

Chính quyền địa phương cũng đang cố gắng thành lập các doanh nghiệp, chẳng hạn như các trang trại rau và vườn táo thuộc sở hữu chung, thúc đẩy du lịch địa phương để giúp tạo cơ hội việc làm và tạo thu nhập bền vững.

“Các doanh nghiệp mới có thể thất bại và những cư dân nông thôn đã thoát khỏi nghèo đói có thể rơi trở lại [bẫy nghèo lần nữa]", ông Li Guoxiang, một nhà nghiên cứu các vấn đề nông thôn của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết. “Những rủi ro như vậy luôn hiện hữu và [chúng tôi cần] ít nhất 3 năm để quan sát và theo dõi nhằm đảm bảo sự thành công và thậm chí chúng tôi có thể kéo dài thời gian nếu thấy cần thiết” .

Wang Yonggui, người đứng đầu văn phòng xóa đói giảm nghèo và phát triển ở Liangshan, cho biết sự kết nối giao thông tốt hơn và hiệu quả hơn đóng vai trò rất quan trọng cho sự thành công của chương trình. “Tôi sinh ra ở đây và tôi biết [cuộc sống] là như thế nào khi 11 khu vực ở đây đều không thể tiếp cận được vì không được kết nối với bất kỳ đường cao tốc nào và phải mất 5 tiếng để di chuyển được quãng đường dài 10km”, ông Wang nói. “Chúng ta cần xây dựng thêm nhiều con đường trong vòng 5 năm tới để chuyên chở hoa màu và vụ mùa thu hoạch ra bên ngoài để bán. Thậm chí, chúng ta có thể kiếm một số tiền bằng cách bán nước suối tinh khiết”.

Nhưng ngay cả khi mục tiêu năm 2020 đạt được, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc đã xóa bỏ đói nghèo một lần và mãi mãi. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho biết vào tháng 5 rằng 600 triệu người ở Trung Quốc vẫn sống với thu nhập bằng khoảng 1.000 NDT/tháng. Điều đó cho thấy rằng Bắc Kinh còn một chặng đường dài phía trước để đạt được mục tiêu 100 năm lần thứ hai.

Ông Li cán bộ thuộc Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, chỉ ra rằng trong tương lai, Trung Quốc có thể không đặt ra "chuẩn nghèo" như họ đã làm trong cuộc chiến chống đói nghèo nữa. “Giai đoạn tiếp theo của cuộc chiến giảm nghèo là thu hẹp khoảng cách giữa thành phố và nông thôn, giữa các vùng giàu có và nghèo đói. Điều này sẽ không đề cập tới các cá nhân mà là các nhóm người”, ông Li nói. "Mục tiêu đó có thể đạt được vì những gì Trung Quốc đã làm được trong quá trình xóa bỏ tình trạng hoàn toàn nghèo đói. Chính phủ sẽ cung cấp cho các cá nhân những điều kiện cần thiết để sinh tồn và nuôi dưỡng khả năng tự phát triển".

Thu Ngọc

NỔI BẬT TRANG CHỦ