• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến sự Armenia-Azerbaijan: "Lửa cháy gần nhà" Nga sẵn sàng ra tay, thiên hạ sẽ bái phục?

An ninh trật tự 05/10/2020 11:40

(Tổ Quốc) - Nga đã rút ra bài học mà Mỹ từng rất thành công: "Hỗn loạn có điều khiển" khi xử lý tài tình vụ Belarus khiến thiên hạ bái phục. Nay, "lửa tiếp tục cháy gần nhà", Moscow sẽ làm gì?

Tư tưởng quân sự của Nga Putin hiện nay cũng không hề khác…

Chúng ta hẳn còn nhớ, cách đây 5 năm, khi tiến hành can thiệp quân sự tại Syria ngày 29/9/2015, Tổng thống Nga Putin đã giải thích: "Kinh nghiệm nhiều năm trên đường phố chỉ ra rằng nếu một cuộc chiến không tránh khỏi thì tốt nhất là ra tay trước".

Vậy, cuộc chiến tại Syria mà Mỹ cùng nhiều quốc gia đang tiến hành với danh nghĩa "chống khủng bố" nó có liên quan gì đến tình thế "một cuộc chiến không thể tránh khỏi với Nga" để khiến ông Putin phải ra tay trước như vậy?

Moscow đã trả lời rất rõ ràng, nếu chính quyền Damascus của Tổng thống Assad thất thủ thì không chỉ 5.000 "quân khủng bố" người Caucasus mà còn cả lực lượng hồi giáo cực đoan các loại được Mỹ - Phương Tây "vừa đánh vừa xây dựng" sẽ tràn sang biên giới phía Nam của Nga là Caucasus.

Chiến sự Armenia-Azerbaijan: Lửa cháy gần nhà Nga sẵn sàng ra tay, thiên hạ sẽ bái phục? - Ảnh 1.

Do đó, Nga phải ra tay đánh chặn từ xa, từ Syria, tốt hơn là đánh ngay sát biên giới, thậm chí phải đánh ngay trên đường phố của mình.

Điều này có nghĩa là trước ngày 29/9/2015, chính quyền Damascus đã mất toàn bộ 70% lãnh thổ vào tay các nhóm hồi giáo các loại được cho là do Mỹ-Phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ nuôi dưỡng… "Giờ của Assad đã được đánh số" và "kênh được thiết lập", lực lượng hồi giáo thánh chiến tràn sang vùng Caucasus đe dọa nước Nga, sẽ chính thức kích hoạt.

Không thể phủ nhận đây là một chiến lược tuyệt vời, khả thi nhất của Mỹ và phương Tây khi đó, nhằm xé nước Nga thành mảnh nhỏ, và tất nhiên, đây cũng là "ác mộng kinh hoàng của người Nga" bởi họ bị đe dọa nghiêm trọng mà không thể sử dụng VKHN để đáp trả thẳng tay.

Năm năm đã trôi qua, báo chí truyền thông đã tốn không ít giấy mực về tình hình Syria mà hôm nay không cần nhắc lại. Chỉ biết rằng, trước khi xung đột Azerbaijan và Armenia ở Nagorno – Karabakh bùng nổ, tại Syria, nhân kỷ niệm 5 năm ngày Nga xuất binh, Bộ trưởng BQP Nga Sergei Shoigu đã hùng hồn tuyên bố:

"…Chúng ta có ngày hôm nay là gì? Cái chính là IS cuối cùng đã bị đánh bại. Hơn nữa, chúng ta có thể nói chắc chắn rằng toàn bộ lực lượng khủng bố quốc tế ngầm đã bị thiệt hại đáng kể, hệ thống tổ chức và nguồn lực hỗ trợ tài chính của chúng bị đánh tan.

Một khía cạnh quan trọng khác rằng chính các hành động hiệu quả của Lực lượng vũ trang Nga ở Syria đã đặt một rào cản đáng tin cậy, chặn đứng việc mở rộng hơn nữa hoạt động của các nhóm khủng bố, đặc biệt là sang các vùng lãnh thổ lân cận".

Rõ ràng, trong cuộc đối đầu căng thẳng, quyết liệt giữa Nga với Mỹ - Phương Tây và đồng minh, chúng ta thấy Nga đi những nước cờ bài bản, lớp lang…

Trong khi đó, đối thủ của Nga hầu như bị động, rối tung, những tính toán bị Moscow phá sạch, nên sự phản công có khi lấy nước đi sau dùng cho nước đi trước hoặc đã quá muộn, mất hết yếu tố sáng tạo, bất ngờ chiến lược như cuộc chiến Azerbaijan và Armenia ở Nagorno – Karabakh bùng nổ trong tuần qua.

Chiến sự Armenia-Azerbaijan: Lửa cháy gần nhà Nga sẵn sàng ra tay, thiên hạ sẽ bái phục? - Ảnh 2.

Chiến sự Armenia-Azerbaijan ngày một căng thẳng.

Tình hình chiến sự Armenia-Azerbaijan ở Nagorno-Karabakh

Đây thực chất là cuộc chiến giữa 2 quốc gia Azerbaijan và Armenia mà tấn công trước bắt đầu có lẽ là từ Azerbaijan.

Mục tiêu và ý đồ tác chiến: Azerbaijan được cho là mở đòn tấn công nhằm mục tiêu chiếm lại lãnh thổ tại Nagorno – Karabakh đang bị Armenia kiểm soát kể từ năm 1994. Ý đồ tác chiến của họ là ra đòn tấn công phủ đầu chớp nhoáng để nhanh chóng đạt mục tiêu.

Về so sánh lực lượng: Azerbaijan được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và cố vấn trên chiến trường, được quyền tác chiến trên không bằng UAV. Azerbaijan được Israel cung cấp vũ khí, được Gruzia, Ukraine… ủng hộ. Trong khi Armenia chỉ có một mình, chỉ còn biết trông cậy vào liên minh CSTO và nhóm Minsk (do Nga, Pháp và Mỹ đồng chủ tịch).

Nguồn cung cấp vũ khí cho Azerbaijan được mở (hàng không) nhưng với Armenia thì bị bịt kín, ngoại trừ từ hướng Iran.

Kết quả sau một tuần thì hầu như đường ranh giới Nagorno – Karabakh với Azerbaijan không thay đổi bao nhiêu, chúng tỏ "đòn tấn công chớp nhoáng", tức ý đồ tác chiến của Azerbaijan-Thổ Nhĩ Kỳ không được như mong muốn. Chúng ta có thể thấy rõ điều này qua so sánh 2 bản đồ dưới đây:

Chiến sự Armenia-Azerbaijan: Lửa cháy gần nhà Nga sẵn sàng ra tay, thiên hạ sẽ bái phục? - Ảnh 3.

Bản đồ tình hình ngày 27/9 khu vực Nagorno-Karabakh...

Chiến sự Armenia-Azerbaijan: Lửa cháy gần nhà Nga sẵn sàng ra tay, thiên hạ sẽ bái phục? - Ảnh 4.

... và tình hình chiến sự Nagorno-Karabakh ngày 04/10, sau 1 tuần giao tranh.

Trong khi đó, lần đầu tiên sau 7 năm, Nga, Pháp và Mỹ đồng thuận trong một tuyên bố chung yêu cầu 2 bên tham chiến ngừng bắn ngay lập tức.

Ngay trong sáng 04/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố trước Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ rằng, tuyên bố của Nga, Pháp, Mỹ là không thể chấp nhận, ngừng bắn chỉ được thực hiện lãnh thổ Nagorno-Karabakh hoàn toàn về Azerbaijan.

Có thể nói, tuyên bố của Tổng thống Erdogan là rất "to gan" và "thẳng thắn", trực tiếp thách thức "3 ông lớn", bởi từ cổ chí kim hầu như chính khách nào dù trong bụng muốn chiến tranh nhưng phát ngôn thì vẫn luôn mong muốn hòa bình, riêng ông Eerdogan thì không. Ông muốn chiến tranh chứ không muốn ngừng bắn, đàm phán…

Đúng thôi, 26 năm nay, Nga, Pháp, Mỹ trong nhóm Minsk không làm được gì. Theo logic của ông Erdogan: Armenia kiểm soát lãnh thổ Nagorno-Karabakh của Azerbaijan, thì Baku phải đòi lại. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng Afrin và Đông Bắc của Syria thì theo logic nào? Phải chăng với Thổ Nhĩ Kỳ thì có logic kiểu khác?

Tuy nhiên, vào buổi chiều cùng ngày, sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Lavrov, thì chính quyền của ông Erdogan đã tuyên bố ngược lại với ban sáng, rằng, họ đồng ý với tuyên bố của 3 ông lớn.

Có lẽ rất nhiều người sẽ tò mò chuyện này, bởi các "hậu duệ của đế chế Ottoman" mới buổi sáng thì "mặt đỏ như vang", nhưng buổi chiều thì "mặt vàng như nghệ". Có lẽ, ông Lavrov đã nói rằng, "nếu các bạn không nghe tôi thì, thật không may, tôi đành phải để người gặp bạn sắp tới là ngài Shoigu đáng kính"…

Chiến sự Armenia-Azerbaijan: Lửa cháy gần nhà Nga sẵn sàng ra tay, thiên hạ sẽ bái phục? - Ảnh 5.

Không muốn nói chuyện với Lavrov thì sẽ phải gặp Shoigu.

Nga đang làm gì khi lửa cháy gần nhà?

Đến lúc này, Nga đã sáng suốt rút ra một bài học về kinh nghiệm, chỉ đạo… mà Mỹ từng thi thố rất thành công: "Hỗn loạn có điều khiển". Thay vì gây hỗn loạn để điều khiển như sách lược của Mỹ thì Nga phải điều khiển được sự hỗn loạn khi nó xảy ra mà không do mình khởi phát.

Nga làm được điều đó mới giỏi, thiên hạ mới bái phục…Và thật lý thú, người Nga đã thành công khi xử lý vụ Belarus một cách tài tình!

Tình hình Belarus đã tạm yên, nhờ "cách mạng màu" do những thế lực thù địch khởi xướng mà Belarus đã nhận ra người anh em. Mối quan hệ Nga-Belarus đã và sẽ tốt đẹp hơn xưa rất, rất nhiều.

Tại Armenia, sau cuộc cách mạng nhung năm 2018, chế độ thân Nga bị thay bằng chính quyền mới do Thủ tướng Nikol Pashinyan đứng đầu. Ngay khi vừa nắm quyền, ông Nikol Pashinyan đã cố gắng chuyển hướng sang phương Tây như ở Belarus. Và, cho đến lúc này, khi Armenia lâm nguy mà không có bất kỳ sự giúp đỡ nào ngoài Nga.

Có người đặt vấn đề rằng nếu tôi là người Nga, tôi sẽ "ngồi nhìn" để cho Azerbaijan chiếm lại một phần hoặc toàn bộ Nagorno-Karabakh, tức "dùng một hòn đá ném chết 2 con chim":

(1). Món quà cho Azerbaijan và Thổ Nhĩ Kỳ để ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển đám khủng bố "ôn hòa’ từ Syria, Libya sang Nam Caucasus và (2). là buộc Nikol Pashinyan sang Moscow quỳ gối.

Nhưng, dưới đây là ý kiến của một người Nga, ông Prigozhin - được mệnh danh là "người đầu bếp của Putin", được cho là một ông trùm của công ty dịch vụ quân sự tư nhân Wagner Nga khi trả lời phỏng vấn ngắn đã nêu "quan điểm cá nhân" của mình về Nagorno-Karabakh. Trong đó có một số điểm cần lưu ý:

1. Nagorno-Karabakh là lãnh thổ của Azerbaijan, Nga không có cơ sở pháp lý để tiến hành hoạt động quân sự.

2. Có nhiều tổ chức phi chính phủ Mỹ ở Armenia hơn các đơn vị quân đội quốc gia.

3. Thủ tướng Pashinyan là người chịu trách nhiệm vì tình hình tồi tệ ngày hôm nay, bởi cho đến năm 2018 Nga đã có thể đảm bảo cho Armenia và Azerbaijan thảo luận về xung đột tại bàn đàm phán, sau đó Mỹ đưa Pashinyan lên nắm quyền ở Yerevan và ông ta cảm thấy mình là vua và không thèm nói chuyện với Tổng thống Aliyev.

Quan điểm cá nhân nhân của người "đầu bếp của Putin" ám chỉ điều gì? Quả thật, đây cũng là điều khiến chúng ta cũng rất tò mò… Tuy nhiên, rồi đây mọi thứ sẽ có câu trả lời thỏa đáng.

Lê Ngọc Thống

NỔI BẬT TRANG CHỦ