Chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan có thể bùng nổ chỉ vì một quả tên lửa của Israel?

Tú Anh | 04-10-2020 - 06:46 AM

(Tổ Quốc) - Nếu Azerbaijan sử dụng tên lửa đạn đạo ở Nagorno-Karabakh thì đó sẽ là một sự leo thang nghiêm trọng vì nó có thể kích hoạt Armenia đáp trả bằng các biện pháp tương xứng.

Azerbaijan đã sử dụng tên lửa LORA của Israel trong cuộc xung đột với Armenia?

Một video được đăng tải trên mạng cho thấy Azerbaijan đã sử dụng một trong những tên lửa đạn đạo tầm ngắn LORA do Israel sản xuất để đánh sập một cây cầu kết nối giữa Armenia và vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên trên thế giới loại vũ khí này được sử dụng trong chiến đấu và thể hiện sự leo thang nghiêm trọng của cuộc xung đột kéo dài gần một tuần qua giữa hai quốc gia láng giềng liên quan tới khu vực tranh chấp Nagorno-Karabakh.

Trong video, tên lửa của Azerbaijan được cho là đã đánh trúng cây cầu ở gần làng Asagi Sus thuộc vùng biên giới Armenia. Hình ảnh tên lửa có thể nhìn thấy trong một khoảng thời gian ngắn trước khi nó tiếp xúc mục tiêu.

Về hình dạng và kích thước, quả tên lửa giống hệt với tên lửa LORA do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) chế tạo.

Theo cơ sở dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Stockholm, Azerbaijan đã tiếp nhận khoảng 50 tên lửa LORA cùng với các xe tải được trang bị các bệ phóng dạng container bốn ống từ năm 2017 đến năm 2018.

Chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan có thể bùng nổ chỉ vì một quả tên lửa của Israel? - Ảnh 1.

Hình ảnh được cho là của tên lửa LORA do Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) chế tạo. Ảnh: Rob Lee

Theo Rob Lee, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Khoa Nghiên cứu Chiến tranh ở Đại học King's College London, người từng có thâm niên nghiên cứu về chính sách quốc phòng của Nga và các vấn đề liên quan, thì việc sử dụng LORA cho những đòn tấn công chính xác dạng này là rất thích hợp vì nó có khả năng đánh trúng mục tiêu trong bán kính 10m.

Các tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tochka-U từ thời Liên Xô của Azerbaijan gần như không chính xác bằng và chúng cũng không phải là hệ thống pháo phản lực tầm xa.

Với khả năng mang được đầu đạn nổ đơn khối công suất lớn nặng 1.000 pound, LORA cũng sẽ đủ mạnh để gây sát thương nghiêm trọng hoặc phá hủy hoàn toàn một mục tiêu như cây cầu.

Bước leo thang đầy nguy hiểm

Cho đến nay, các loại vũ khí dẫn đường chính xác khác mà Azerbaijan từng sử dụng trong cuộc xung đột như bom lượn kích thước nhỏ thả từ máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất cùng nhiều loại vũ khí tấn công cảm tử trên không do Israel sản xuất, không loại nào có khả năng hủy diệt như vậy.

Ngoài việc phá hủy các cây cầu, LORA còn có thể giúp Azerbaijan phong tỏa các đường hầm hoặc đơn giản là phá các con đường hẹp ở vùng núi Nagorno-Karabakh, địa bàn đặc biệt khó di chuyển qua, nhất là với xe thiết giáp hạng nặng.

Do đó, những tên lửa dạng này có thể đóng một vai trò chiến lược rất quan trọng trong việc ngăn chặn sự di chuyển của quân tiếp viện và các nguồn cung cấp khác cho tiền tuyến.

Hình ảnh được cho là tên lửa rơi vào cây cầu gần thị trấn Asagi Sus

Dù được nhà sản xuất gọi là hệ thống pháo tầm xa, LORA thực chất là tên lửa đạn đạo chiến thuật chuyên dùng tấn công mục tiêu trọng yếu nằm sâu trong lãnh thổ đối phương.

Đồng thời, việc sử dụng các tên lửa đạn đạo cũng cho thấy một sự leo thang đáng chú ý trong cuộc xung đột vì nó có thể kích hoạt Armenia đáp trả bằng những biện pháp tương xứng.

Giới chức Azerbaijan đã cáo buộc các lực lượng Armenia sử dụng Tochka-U trong cuộc xung đột. Bộ Quốc phòng Armenia bác bỏ những cáo buộc đó và cảnh báo Azerbaijan không nên kích động một cuộc tấn công tên lửa thực sự.

Cần thấy rằng, ngoài tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tochka-U và Scud từ thời Liên Xô, các lực lượng vũ trang Armenia hiện đang sở hữu nhiều tên lửa đạn đạo Iskander-E hiện đại hơn do Nga sản xuất.

Cũng xuất hiện một số thông tin cho rằng, các hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Armenia do Nga cung cấp đã đánh chặn được tên lửa tấn công Thủ đô Yerevan của nước này vào đêm 1-2/10, từ đó dẫn đến suy đoán Azerbaijan có thể phóng tên lửa đạn đạo vào thành phố.

Bộ Quốc phòng Armenia sau đó tuyên bố S-300 đã bắn rơi 3 máy bay không người lái của Azerbaijan chứ không phải tên lửa.

Việc triển khai tên lửa đạn đạo sẽ đẩy cuộc xung đột leo thang lên một cấp độ mới. Azerbaijan từng tố cáo Armenia dùng Tochka-U nhưng Yerevan bác bỏ, đồng thời cũng cảnh báo Baku không sử dụng tên lửa đạn đạo. Vì nếu như vậy, Quân đội Armenia có thể sẽ đáp trả bằng tên lửa đạn đạo Iskander-E mua từ Nga, loại vũ khí hiện đại nhất trong biên chế của họ.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM