• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Thách thức xuất khẩu của Việt Nam

Kinh tế 09/07/2018 17:05

(Tổ Quốc) - Đó là lời phát biểu của Lãnh đạo Bộ Công thương tại Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 diễn ra vào sáng ngày 9/7 tại Hà Nội.

Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công thương đã tổ chức thành công hội nghị sơ kết nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2018.

Toàn cảnh Hội nghị giao ban trực tuyến sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2018 của Bộ Công thương. Ảnh: Phùng Nguyên.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chia sẻ bên hành lang hội nghị: Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới tiếp tục tiềm ẩn nhiều rủi ro như: giá các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép, chất đốt… tăng cao đang gây áp lực lên lạm phát tại nhiều quốc gia. Đà tăng trưởng của thương mại toàn cầu đối mặt nhiều khó khăn do căng thẳng thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc và các đối tác lớn khác như Liên minh Châu Âu, Nhật Bản.

Bên cạnh đó là xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của các nước lớn, đặc biệt là những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ sẽ tác động  rất mạnh đến nền kinh tế có độ mở rất lớn như nước ta không chỉ về thương mại mà còn về năng lực cạnh tranh, cũng như là sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam và cả nền kinh tế.

Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm, với quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong điều hành chỉ đạo cũng như trong tổ chức thực hiện, đặc biệt là khai thác những cơ hội của các hiệp định thương mại tự do để tiếp cận thị trường.

Bộ trưởng cũng khẳng định, khâu thị trường là khâu quyết định để đảm bảo được năng lực sản xuất của nước ta.

Năng lực sản xuất của chúng ta có điều kiện phát triển nhưng phải dựa trên nền tảng tham gia được vào chuỗi giá trị của thị trường khu vực và quốc tế.

Xung đột thương mại Mỹ - Trung hiện nay đã không còn chỉ là câu chuyện cảnh báo mà nó đã trở thành thực tế.

Chúng ta cũng chưa thể đánh giá hết được mức độ cũng như ảnh hưởng tác động và nguy cơ tiếp tục diễn biến bùng nổ lớn hơn như thế nào. “Đây cũng là thời điểm nhạy cảm và nóng hơn bao giờ hết”, Bộ trưởng nhận định.

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, 6 tháng đầu năm tín hiệu thị trường đã được các doanh nghiệp rất quan tâm từ đó đầu tư nâng cao năng lực sản xuất để gia tăng giá trị hàng hóa xuất khẩu.

Phát biểu của ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương. Ảnh: Phùng Nguyên

Ông Chinh cho biết: “Có nhiều dự báo rằng cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ là cơ hội cho Việt Nam, tuy nhiên theo tôi thì không thể là cơ hội cho Việt Nam được”. Đối với một nước có độ mở kinh tế lớn thì bất kỳ tác động lớn trên thế giới cũng có ảnh hưởng nhất định tới nước ta, và không biết cuộc chiến này bao giờ mới kết thúc cho nên đó là 1 thách thức lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khuôn khổ hội nghị, Bộ Công thương cũng đã đưa ra một số giải pháp cụ thể để thúc đẩy xuất khẩu cũng như hạn chế tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung như: Chú trọng cải cách thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý và cải cách bộ máy tổ chức quản lý nhà nước, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động nguồn lực cho sản xuất; Tạo nguồn hàng có chất lượng cho sản xuất, hướng tới mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, sản xuất ra các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm và phù hợp với nhu cầu thị trường nhập khẩu.

Tiếp tục tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Kịp thời chỉ đạo các giải pháp cụ thể, quyết liệt, có định hướng để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu, phát triển thị trường.

Nghiên cứu các giải pháp, biện pháp phát triển xuất khẩu, nhập khẩu với từng thị trường quan trọng; tìm kiếm khả năng mở rộng các thị trường xuất khẩu mới còn tiềm năng đồng thời củng cố và mở rộng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường truyền thống, thị trường là đối tác FTA.

Tăng cường các biện pháp tháo gỡ rào cản, tạo điều kiện cho hàng hóa xuất khẩu đặc biệt là nông, thủy sản thâm nhập vào các thị trường mới.

Đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước. Tổ chức triển khai thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cho quá trình hội nhập của Việt Nam một cách hiệu quả, bền vững hơn. Và cuối cùng là đẩy mạnh công tác quản lý, phát triển thị trường trong nước, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

Theo số liệu báo cáo, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 của nước ta ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017 (thấp hơn mức tăng 19,4% của cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016), bằng 48% kế hoạch  năm. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 16,3%); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2017 so với năm 2016 tăng 20,7%).



Bộ Công thương đưa ra dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2018 có thể đạt 236,6 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2017. Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch lớn dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2018 như: điện thoại và linh kiện ước đạt 50 tỷ USD (tăng khoảng 10,4%); máy vi tính và linh kiện ước đạt 30 tỷ USD (tăng khoảng 15,6%); hàng dệt, may ước đạt 28,5 tỷ USD (tăng khoảng 9,5%); giày dép ước đạt 16 tỷ USD (tăng khoảng 9,2%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng ước đạt 14,7 tỷ USD (tăng khoảng 15%).

Phùng Nguyên

Phùng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ