• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chín người mười ý với câu hỏi khiến bao phụ huynh đau đầu: Con bị đánh có nên xúi con đánh lại bạn không?

Giáo dục 10/03/2019 20:47

(Tổ Quốc) - Nhiều phụ huynh cho rằng, nên dạy con đánh lại khi bị bạn ở lớp đánh.

Đây là băn khoăn của nhiều phụ huynh có con nhỏ đi học. Vấn nạn bắt nạt ở học đường dù xảy ra theo nhiều cách trong thời đại hiện nay, nhưng cách bắt nạt "truyền thống" về thể xác vẫn là vấn đề nan giải khiến nhiều phụ huynh phải đau đầu.

Chia sẻ trên một nhóm gồm nhiều phụ huynh đang có con nhỏ đi học, một phụ huynh bày tỏ: "Khi con đi học bị bạn đánh, có nên xúi con đánh lại bạn không? Và cha mẹ nên làm thế nào khi con bạn bị đánh?". Dòng chia sẻ này nhanh chóng nhận được sự quan tâm của nhiều phụ huynh khác.

Con bị đánh có nên xúi con đánh lại bạn không? - Ảnh 1.

Thắc mắc của phụ huynh nhận được quan tâm

Đa số ý kiến cho rằng, nên dạy con phải có những phản ứng mạnh để tránh bị đánh như đánh trả lại. Có ý kiến cho rằng: "Nhường bạn 1 lần thôi, chứ lần 2 cho đánh lại. Mách cô nhiều lúc cô cũng chẳng giải quyết đâu, rồi cuối năm lại bị đánh giá không tốt ở phần "tự giải quyết vấn đề" hay "Đối với mấy bạn hiền hiền hay chỉ đùa qua lại lỡ tay thì thôi. Còn đối với mấy đứa hay đánh người khác con cứ đánh lại thật đau cho mẹ. Cho chừa cái tội hay đành người. Vài lần là nó sợ hà. Em có lẽ hơi bạo lực. Nhưng cũng cần để con biết bảo vệ chính mình là việc nên làm chứ nhịn hoài nó quen".

Thậm chí, có những phụ huynh trong nhóm chỉ nói ngắn gọn: "Phản kháng lại và cùng chịu phạt".

Tuy nhiên, có nhiều quan điểm lại bày tỏ sự không đồng tình đối với ý kiến dạy con phản kháng lại. Đa phần những phụ huynh đều nêu ý kiến cho rằng không nên dạy con đánh trả lại bởi sẽ dễ dẫn tới chuyện thù hằn gây ra lớn chuyện hơn.

Một phụ huynh cho biết: "Em cũng không cam tâm khi con mình bị ức hiếp như vậy mà bỏ qua! Tuy nhiên, cứ trả đũa qua lại cũng không phải là cách, vì từ chuyện nhỏ, có thể dẫn tới chuyện lớn, thậm chí thù hằn giữa những người lớn luôn...".

Đồng tình với quan điểm này, một phụ huynh cho rằng: "Bây giờ ra ngoài đường người lớn toàn nói chuyện với nhau bằng nắm đấm, xã hội chưa đủ loạn hay sao mà các bác còn định lây nhiễm sang con. Nên học cách nhẫn nhịn, bỏ qua... đây là cách tôi bảo 2 đứa nhà tôi".

Nên dạy con và xử lý như người có học

Chia sẻ với phóng viên, anh N.Q.N (Tây Hồ, Hà Nội) đã từng có con bị đánh, bặt nạt ở trường cho biết: "Theo tôi, đối với những trường hợp như thế này, không nên dạy con phải đánh trả. Bởi lẽ nếu dạy con đánh trả hoặc tìm người giúp trả thù thì đứa trẻ kia cũng có thể xử sự như vậy dẫn đến việc trả đũa qua lại".

Theo anh N, khi con rơi vào trường hợp như trên, nên dạy con về nói lại với bố mẹ để có hướng giải quyết. Các bậc phụ huynh có thể trực tiếp đến gặp bố mẹ của đứa trẻ đánh con mình đề nghị cùng phối hợp giải quyết vấn đề hoặc đến gặp thầy cô giáo chủ nhiệm để phán ánh.

"Có thể đề nghị bố mẹ đứa trẻ đánh con mình bắt con đứng trước lớp xin lỗi bạn. Như vậy vừa giải quyết được vấn đề, vừa răn đe những đứa trẻ khác về việc bắt nạt bạn cùng lớp. Hoặc phụ huynh có thể đến gặp trực tiếp thầy cô chủ nhiệm lớp để phản ánh. Bất cứ trường nào cũng có đủ chế tài để xử lý những chuyện như thế này bởi nó rất dễ làm ảnh hưởng đến uy tín của trường. Tuy nhiên, cách tốt nhất để xử lý vấn đề là chúng ta cần phải dạy con cư xử, xử sự như một người có học, được giáo dục đàng hoàng"- anh N nói./.

Không nên coi thường và bỏ qua việc này

Trả lời về vấn đề bắt nạt học đường, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú (NGƯT) Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội nhấn mạnh, vấn đề bắt nạt học đường không phải điều mới mẻ và đã xuất hiện từ rất lâu. Nhưng đến thời điểm hiện tại, vấn đề này đã đi quá tầm kiểm soát của chúng ta và trở thành một điều phổ biến. Câu hỏi ở đây đặt ra là làm sao để cho trẻ điều chỉnh vấn đề này trong phạm vi rất hẹp là ứng xử với nhau chứ không nên để gây thành chuyện lớn như bè phái, gọi hội đánh nhau đến thương tích, không thương xót.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, các vị phụ huynh hiện nay đang nhầm lẫn giữa việc tạo cho con ý thức tự bảo vệ và thái độ phản kháng đối lập lại khi người ta dùng vũ lực với mình.

"Việc xúi con đánh lại bạn làm cho đứa trẻ có ý thức phản kháng là đúng nhưng đúng một nửa. Phần còn lại là việc phản kháng như thế nào, né tránh như thế nào lại là chuyện khác. Tôi khuyên phụ huynh nên hết sức để ý con. Có những đứa trẻ rất mạnh dạn, nó rất thẳng thắn, ương bướng không chịu ai cả đâu, chỉ đi bắt nạt đứa khác. Nhưng có những đưa tính tình ôn hòa, sẵn sàng nhường nhịn. Phụ huynh phải quan sát con mình thuộc bản tính nào. Phải hiểu rằng bắt nạt ở cấp 1 tuy bé nhưng rất hại. Khi bị bắt nạt trẻ sẽ tự động co hết lại, cái gì cũng sợ cũng né tránh tạo thành 1 động thái về tính cách phát triển lệch lạc và rất nguy hiểm. Nếu đứa trẻ nào bị liên tục các bạn bắt nạt sẽ rất nguy hiểm"

Theo thầy Tùng Lâm, phụ huynh phải trang bị cho con cách ứng xử khi bị bạn bắt nạt. Trước hết, trẻ càn phải nói chuyện thuyết phục, sau đó thì nhờ thầy cô. Các bậc cha mẹ phải tham gia can thiệp để giải quyết hoặc gợi ý để con có thể giải quyết.

Bạch Dương

NỔI BẬT TRANG CHỦ