Chia sẻ
"Chính phủ đặt mục tiêu hết năm 2019, 100% nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng, trừ bí mật Nhà nước", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ với Zing.vn.
Chính phủ không giấy tờ, thảo luận qua iPad - Ảnh 1.

Các phiên họp Chính phủ sẽ không cần nhiều thời gian cho thảo luận, biểu quyết vì các thành viên Chính phủ có thể thực hiện việc này trên môi trường điện tử. Thậm chí, các bộ trưởng vắng mặt ở phiên họp Chính phủ vẫn có thể tham gia biểu quyết qua iPad...

Những đổi mới này được thực hiện từ ngày 24/6 - khi Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) chính thức khai trương.

Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã chia sẻ nhiều về mục tiêu cũng như tâm huyết của cả Chính phủ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, hướng tới Chính phủ phi giấy tờ.

Chính phủ không giấy tờ, thảo luận qua iPad - Ảnh 2.

- e-Cabinet được coi là bước tiến lớn trong kế hoạch thực hiện Chính phủ điện tử. Xin Bộ trưởng cho biết những mục tiêu cụ thể của hệ thống này?

- Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet là trong 2019 sẽ giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ; giảm tối đa việc sử dụng văn bản giấy, phấn đấu hết năm 2019 sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản mật), đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ.

Như vậy, thay vì xử lý hồ sơ giấy, các thành viên Chính phủ sẽ xử lý trên nền điện tử. Họ cũng có thể kết nối, trao đổi thông tin với nhau.

Các thành viên Chính phủ có thể cho ý kiến và biểu quyết trên môi trường điện tử có thực hiện ký số đối với các công việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, kể cả khi vắng mặt tại cơ quan hoặc vắng mặt tại phiên họp Chính phủ.

e-Cabinet hoạt động như thế nào? "Mục tiêu cụ thể của e-Cabinet là trong 2019 giảm 30% thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu hết năm đạt mục tiêu họp Chính phủ không giấy tờ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Chính phủ cũng hướng đến mục tiêu hết năm 2019, 100% các nội dung xin ý kiến thành viên Chính phủ được xử lý trên môi trường mạng, trừ nội dung bí mật nhà nước. Việc này vừa tạo ra sự công khai, minh bạch, vừa giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho các phiên họp.

- Chúng ta đã có trục liên thông gửi - nhận văn bản quốc gia, tới đây sẽ có hệ thống e-Cabinet và cả cổng dịch vụ công quốc gia. Bộ trưởng có thể phác họa hoạt động của Chính phủ điện tử sau khi áp dụng tất cả các dịch vụ này?

- Thủ tướng đã giao nhiệm vụ trong tháng 11/2019 sẽ quyết tâm khai trương hệ thống cổng thông tin quốc gia.

Trên cơ sở trục gửi nhận văn bản điện tử đã được khai trương tháng 3, tới đây sẽ tích hợp nền tảng để kết nối chia sẻ giữa cơ quan Nhà nước với doanh nghiệp và người dân. Dịch vụ công sẽ chạy trên nền tảng như vậy.

Chính phủ không giấy tờ, thảo luận qua iPad - Ảnh 3.

Khi có cổng dịch vụ công quốc gia sẽ công bố toàn bộ thủ tục hành chính và tạo sự kết nối liên thông từ Trung ương đến địa phương. Trong đó, chú trọng dịch vụ công mang tính phục vụ mà người dân, doanh nghiệp cần nhất, mà Thủ tướng lưu ý là việc cấp đổi bằng lái xe.

Tới đây, Thủ tướng cũng sẽ tiếp tục giao Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiến hành đấu giá biển số xe qua cổng dịch vụ công quốc gia.

Dần dần, chúng ta tiến tới thực hiện nhiều dịch vụ qua cổng này như đăng ký thành lập doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Chúng ta làm đến nơi đến chốn nhưng cũng không quá cầu toàn. Ta làm nhanh, cách nhìn bao quát nhưng hành động bắt đầu từ cái nhỏ nhất, đem lại chất lượng, hiệu quả nhất để người dân, doanh nghiệp được hưởng.

Chính phủ không giấy tờ, thảo luận qua iPad - Ảnh 4.

- Văn phòng Chính phủ cho biết trong xây dựng hệ thống này hoàn toàn không dùng tiền ngân sách mà thuê lại dịch vụ từ doanh nghiệp. Vậy các doanh nghiệp được lựa chọn thực hiện việc này dựa trên những tiêu chuẩn nào, thưa Bộ trưởng?

- Đây là cái rất mới. Được giao một số nhiệm vụ trong xây dựng Chính phủ điện tử nhưng Văn phòng Chính phủ không làm chủ đầu tư, không lập dự án để xin tiền ngân sách.

Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt là chúng ta đưa ra các yêu cầu, nhiệm vụ rồi lựa chọn những doanh nghiệp lớn có khả năng, tiềm năng, hạ tầng về công nghệ thông tin, có đội ngũ nhân viên kỹ thuật trình độ cao, tiếp cận được nền Chính phủ điện tử của các nước tiên tiến.

Từ tiêu chí đó, lựa chọn các các doanh nghiệp lớn, có điều kiện để cùng các chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng hệ thống. Văn phòng Chính phủ là cơ quan tập hợp lực lượng và điều phối vấn đề này.

Được Thủ tướng giao, Văn phòng Chính phủ ký hợp đồng với doanh nghiệp để thuê trọn gói. Tức là doanh nghiệp phải xây dựng thủ tục đầu tư theo quy định, đảm bảo thiết kế về quy trình thủ tục hành chính, về kỹ thuật, đặc biệt là liên quan vấn đề bảo mật an toàn thông tin hệ thống dữ liệu. Đây là điều quan trọng nhất.

Cụ thể, doanh nghiệp phải đảm bảo hệ thống đường truyền, các thiết bị kỹ thuật, 24/24h hệ thống luôn hoạt động bình thường, không để xảy ra sự cố hay có mất mát, lỗ hổng.

Chính phủ không giấy tờ, thảo luận qua iPad - Ảnh 5.

Bên cạnh đó, luôn có những phương án dự phòng khi dữ liệu đầy hay máy chủ có vấn đề. Như vậy, chúng ta có phương án rất chặt chẽ yêu cầu nhà đầu tư, doanh nghiệp thực hiện những nội dung ta đưa ra.

Doanh nghiệp phải chịu sự giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước. Họ cũng phải có trách nhiệm tuân thủ pháp luật, đặc biệt trong việc quản lý cơ sở dữ liệu vì đây là tài sản vô giá của quốc gia.

Bảo vệ thông tin cá nhân và bảo mật quốc gia là nhiệm vụ quan trọng mà doanh nghiệp phải tuân thủ và đáp ứng yêu cầu, nếu không họ hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

- Thủ tướng và Bộ trưởng nhiều lần nhấn mạnh việc cán bộ phải từ bỏ lợi ích cục bộ, đặc quyền đặc lợi, từ bỏ thói quen xử lý hồ sơ trên giấy tờ. Nhưng thực tế, thay đổi tư duy là điều không đơn giản. Vậy chúng ta đã có những biện pháp gì để khắc phục tâm lý này trong đội ngũ cán bộ, công chức?

- Cải cách này đòi hỏi phải thay đổi hẳn tư duy, cách nghĩ và cách làm. Thay vì như trước đây cứ phải gặp người dân, doanh nghiệp và yêu cầu họ nộp từng hồ sơ, rồi phải đi lại nhiều lần thì nay ta làm trên nền điện tử hết. Đây là khó khăn, rào cản rất lớn.

Khách quan mà nói, về công nghệ thông tin thì trình độ của chúng ta còn có mức độ nên tiếp xúc với cái mới ta chưa nhuần nhuyễn, tinh thông. Đó là điều khiến nhiều công chức rất ngại.

Rồi vẫn còn tư duy “muốn gặp trực tiếp” để lôi kéo lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Đây chính là một dạng tham nhũng vặt như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng nói, ta phải chống vì nó rất nguy hiểm, tạo ra sức ỳ và rào cản rất lớn.

Nếu làm tốt Chính phủ điện tử thì chúng ta có thể cải cách điều này.

Thủ tướng từng nói nếu ta cải cách tốt, cắt giảm điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính, tạo ra sân chơi bình đẳng thì đây cũng chính là dư địa tăng trưởng.

Nhưng cái quan trọng nhất là ta phải vượt qua được tư tưởng co kéo lợi ích bấy lâu nay, bỏ qua tâm lý làm việc nhưng không muốn ai kiểm tra, giám sát.

Áp dụng công nghệ thông tin, chúng ta sẽ tạo ra sự công khai, minh bạch trong xử lý công việc. Bởi tất cả thao tác của cán bộ đều được lưu vết, người nào chậm trễ giải quyết, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp sẽ bị công khai ngay.

Bước qua được rào cản, chúng ta sẽ tiến tới nền hành chính thông minh với cách quản trị hiện đại.

Chính phủ không giấy tờ, thảo luận qua iPad - Ảnh 6.

- “Cải cách là phải cắt bỏ những gì liên quan đến quyền lợi, loại bỏ lợi ích nhóm, loại bỏ những yếu tố mang tính tiêu cực và không thực chất”, Bộ trưởng từng nói như vậy. Nhưng từ bỏ quyền lợi của chính mình có dễ không, thưa ông?

- Ứng dụng được công nghệ thông tin trong xử lý công việc của Chính phủ không chỉ tạo ra sự công khai, minh bạch mà còn giúp tiết kiệm rất nhiều tiền cho Nhà nước, bởi văn bản ra sớm một giờ đã tạo ra được nhiều sản phẩm cho đất nước, xóa bỏ rào cản vô hình để thúc đẩy phát triển.

Trong quá trình cải cách, ta phải tâm huyết, nhưng tâm huyết không đủ, mà những người làm cải cách phải biết loại bỏ lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ, đừng luôn lo nghĩ co kéo lợi ích về mình, như vậy sẽ không bao giờ làm cải cách được.

Còn từ bỏ quyền lợi có dễ không? Không dễ cũng phải làm, phải xác định vì đất nước.

Nó cũng giống như sự va chạm ban đầu khi Tổ công tác của Thủ tướng đi kiểm tra các bộ, ngành. Làm tốt thì khen, làm không tốt thì phải nói, mà nói ra thì động chạm. Nhưng không nói không được, nếu né tránh thì khác gì mình a dua với cái sai, cái hạn chế.

Vì vậy, đôi khi chúng ta phải chấp nhận. Nếu làm được cho đất nước cái gì thì đó là điều tốt.

Tôi làm là vì đất nước chứ đâu phải tôi cắt bỏ quyền lợi của người ta đem về nhà mình, cho vợ con mình chia nhau đâu mà phải sợ.

Ngay bản thân mình nếu không vượt qua được tâm lý ấy sẽ không làm được gì. Cũng giống như người đi cải cách, nếu không đặt mục tiêu cũng sẽ là người cải cách thất bại.

- Hệ thống e-Cabinet chỉ có hơn 3 tháng để xây dựng, hoàn thiện. Làm sao để trong một thời gian ngắn như vậy có thể chuẩn bị cho bước cải cách rất quan trọng này, thưa Bộ trưởng?

- Đúng là e-Cabinet chỉ được xây dựng trong vòng hơn 3 tháng, đó là những nỗ lực rất lớn.

Công tác chuẩn bị, khảo sát, học tập kinh nghiệm đã được thực hiện từ trước, sau đó, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng, Văn phòng Chính phủ giao cho doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này và phối hợp chặt chẽ để giám sát, góp ý.

Cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, quản trị Nhà nước hiện đại, thông minh, tạo ra Chính phủ minh bạch, có sự kết nối và chia sẻ giữ liệu thông tin, chấm dứt tình trạng “kho anh, kho tôi”, là việc làm rất quan trọng.

Chính phủ không giấy tờ, thảo luận qua iPad - Ảnh 7.

Bản thân tôi giúp Thủ tướng thực hiện đôn đốc nhiệm vụ này nên lúc nào cũng đau đáu trong lòng, theo dõi, sửa từng tí một sau mỗi lần làm việc với chuyên gia.Tôi cũng làm ngoài giờ triền miên, không kể ngày nghỉ, và có những hôm phải thức đêm để làm, đôn đốc.

Từ khi áp dụng công nghệ thông tin, tôi đi đâu cũng mang theo iPad, từ về nhà cho đến đi công tác, máy lúc nào cũng gắn với người để giải quyết công việc.

Nhiều văn bản được tôi ký duyệt khi ngồi trên xe đi công tác, hay vào khoảng 1-2h sáng là chuyện bình thường.

Nhờ áp dụng công nghệ thông tin, lượng văn bản và công việc được giải quyết lớn, lại nhanh hơn rất nhiều.

Và đặc biệt, cán bộ, chuyên viên bên dưới không dám làm ẩu, làm bừa nữa, vì chỉ cần xử lý văn bản chậm hay không đạt yêu cầu, bị trả đi trả lại nhiều lần đều lưu lại dấu vết và sẽ bị xem xét xử lý.

5 nhóm nhiệm vụ chính

Đề án xây dựng Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet) được Văn phòng Chính phủ phối hợp với Tập đoàn Viettel và Ban Cơ yếu Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện.

e-Cabinet được ban hành nhằm đổi mới phương thức làm việc của Chính phủ trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, hướng tới Chính phủ không giấy tờ, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ.

Hệ thống e-Cabinet được xây dựng với các chức năng cơ bản đáp ứng yêu cầu 5 nhóm nhiệm vụ chính: Quy trình tạo, trình và phê duyệt phiếu lấy ý kiến các thành viên Chính phủ; Quy trình lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của các thành viên Chính phủ; Quy trình chuẩn bị cuộc họp của Chính phủ; Quy trình tổ chức diễn biến cuộc họp Chính phủ; Quy trình ban hành nghị quyết phiên họp Chính phủ.

Theo Zing.vn