• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính phủ lưu ý những thách thức mà nền kinh tế phải "đối mặt"

Kinh tế 21/10/2018 09:42

(Tổ Quốc) - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận rằng, thể chế có vấn đề. Dù chúng ta đã nỗ lực nhưng đâu đó vẫn có rào cản khiến doanh nghiệp hoạt động khó khăn. Chưa nói đến thực thi mà việc ban hành vẫn còn chậm.

Chính phủ lưu ý những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt - Ảnh 1.

Nguồn: TTXVN

Theo Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 vừa được Chính phủ gửi lên Quốc hội, bước vào năm 2018, tình hình kinh tế thế giới có nhiều tín hiệu khởi sắc, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cao hơn năm 2017, thương mại tích cực tạo thuận lợi cho kinh tế trong nước phát triển.

Tuy nhiên, Chính phủ thừa nhận, năm 2018 cũng gặp không ít khó khăn, thách thức do tình hình khu vực và thế giới diễn biến nhanh và phức tạp, xung đột xảy ra ở nhiều nơi, xuất hiện những nhân tố mới có tầm ảnh hưởng sâu, rộng, kéo theo hàng loạt động thái lớn về chính sách của các quốc gia, nền kinh tế lớn. Giá hàng hóa thế giới tăng cao tạo áp lực không nhỏ cho công tác điều hành trong nước.

Một trong những thách thức từ bên ngoài mà tâm điểm là từ nguy cơ đã chuyển thành "chiến tranh thương mại Mỹ - Trung". Đến nay Mỹ đã chính thức đánh thuế bổ sung lên 250 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ, phía Trung Quốc đã áp thuế bổ sung lên 110 tỷ USD hàng hóa Mỹ xuất khẩu vào Trung Quốc.

Liên quan tới đó là điều chỉnh tăng lãi suất của Mỹ. Từ đầu năm đến nay, Cục Dự trữ liên bang (FED) Mỹ đã 3 lần điều chỉnh tăng lãi suất cơ bản, hiện ở mức 2-2,25%. Do lãi suất đồng USD tăng, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và các đồng tiền khác thu hẹp lại, giá trị đồng USD tăng lên, làm gia tăng áp lực về điều hành lãi suất, tỷ giá ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Cùng với đó, các tín hiệu thắt chặt tiền tệ của các Ngân hàng Trung ương lớn... Điều này xuất hiện xu hướng thu hẹp chính sách kinh tế của các quốc gia, các nền kinh tế lớn do giảm nới lỏng tiền tệ làm giảm dư địa tài chính để hỗ trợ tăng trưởng.

Từ đó, sẽ tác động tới việc cơ cấu danh mục đầu tư của các nhà đầu tư trên toàn thế giới và có thể gây ảnh hưởng tới thị trường vốn của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam.

Báo cáo cũng chỉ ra quy mô kinh tế nước ta nhỏ, độ mở lớn, dư địa tài khoá, tiền tệ hạn hẹp, trong khi nhu cầu nguồn lực rất lớn, không chỉ cho đầu tư phát triển mà quan trọng hơn là đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh...

Bên cạnh đó, những năm gần đây tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai luôn thường trực.

Về phát triển doanh nghiệp trong nước, ngày 13/10, tại buổi họp báo Công bố Chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận rằng, thể chế có vấn đề. Dù chúng ta đã nỗ lực nhưng đầu đó vẫn có rào cản khiến doanh nghiệp hoạt động khó khăn. Chưa nói đến thực thi mà việc ban hành vẫn còn chậm.

"Ta vẫn có tư duy của cơ quan xây dựng chính sách. Chúng ta vẫn lẫn lộn giữa công tác quản lý và tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Điều này đi ngược lại với chủ trương chính sách", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Dù vậy, Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 12/12 chỉ tiêu Quốc hội giao.

Một trong những thành tựu nổi bật của kinh tế - xã hội năm 2018 chính là kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, mô hình tăng trưởng chuyển dần sang chiều sâu./.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ