• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chính sách visa “phập phù” khiến du khách mất niềm tin

Thời sự 21/04/2018 19:00

(Tổ Quốc) - Nhiều chuyên gia cho rằng, khó khăn trong chính sách visa của Việt Nam đang là rào cản của phát triển du lịch.

Ngày 30/6 tới, chính sách miễn thị thực cho công dân 5 nước Tây Âu sẽ hết hạn sau 2 lần gia hạn (2 năm). Đề xuất miễn thị thực cho nhiều quốc gia đang được Hội đồng tư vấn Du lịch, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân và các doanh nghiệp đề xuất lên Chính phủ.

Chính sách visa cần “thoáng” hơn

Hội đồng Tư vấn Du lịch đề nghị Chính phủ gia hạn miễn visa 5 quốc gia Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia từ 1 năm lên 5 năm.

Bên cạnh đó, đề xuất cũng yêu cầu xem xét bổ sung danh sách các nước được miễn thị thực đơn phương gồm: New Zealand, Canada, Hà Lan, Thuỵ Sĩ và Bỉ. Đây là nhóm nước có lượng khách đến Việt Nam lớn, lưu trú trên 15 ngày, chi tiêu bình quân trên 1.200 USD và được hơn 170 nước trên thế giới miễn visa.

Mở rộng các nước được miễn visa vào Việt Nam không làm giảm ngân sách mà còn thúc đẩy phát triển du lịch

Đề xuất cũng yêu cầu Tăng thời gian lưu trú cho khách du lịch theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 30 ngày và bỏ quy định chỉ được miễn thị thực khi thời điểm nhập cảnh phải cách thời điểm xuất cảnh Việt Nam lần trước ít nhất 30 ngày; Áp dụng thị thực quá cảnh trong 72 giờ; Tạo thuận lợi hơn nữa đối với chính sách thị thực điện tử (E-Visa) và một số vấn đề khác.

Theo nguồn tin của Báo điện tử Tổ Quốc, Tổng Cục Du lịch cũng đã hoàn thiện văn bản trình Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện ký kiến nghị với Chính phủ xem xét 4 điểm sau: (1)Tiếp tục gia hạn miễn thị thực đơn phương cho công dân các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italia trong 5 năm tiếp theo, kể từ ngày 01/7/2018; (2) Tiếp tục xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương cho công dân một số nước là thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam; (3)Đề xuất sửa Điều 20, mục 1 và Điều 31, mục 1, khoản d của Luật Xuất nhập cảnh và bổ sung nội dung thị thực điện tử vào Luật Xuất nhập cảnh để tạo cơ sở pháp lý: Cho phép khách du lịch theo diện miễn thị thực đơn phương lưu trú trong thời gian 30 ngày, không hạn chế miễn thị thực trong 30 ngày kể từ khi xuất cảnh lần trước; Chính thức áp dụng thị thực điện tử. (4)Nghiên cứu áp dụng cấp thị thực quá cảnh (transit visa) hoặc áp dụng cấp thị thực tại cửa khẩu (không cần thư đồng ý trước).

Không “thất thu” khi miễn visa

Bộ VHTTDL đồng thuận với nhiều đề xuất của Hội đồng tư vấn Du lịch cho thấy trong thời gian tới, chính sách nhập cảnh vào Việt Nam sẽ có nhiều thay đổi đột phá.

Theo ông Lương Hoài Nam- Phó TGĐ Vietstar Airline, Thành viên Hội đồng Tư vấn Du lịch cho biết: “Kỳ vọng của ngành Du lịch rất lớn, Du lịch trở thành ngành nghề kinh tế mũi nhọn với mục tiêu rất cụ thể, đóng góp 10% GDP. Trên thị trường có nhiều nhà đầu tư hào hứng với cơ hội đầu tư mới, nhìn vào tương lai sán lạn của Du lịch Việt Nam. Tất nhiên, có phát triển cơ sở hạ tầng thì ngành Du lịch mới phát triển được. Nếu chúng ta không khắc phục nút cổ chai này. Chắc chắn không có nhà đầu tư resort, condotel trong khi khách du lịch bị rào cản visa”.

Ông Nam cho biết thêm: “Hàng năm tại Hội chợ ITP – Hội chợ lớn nhất toàn cầu về du lịch, tập hợp các công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này, Việt Nam thường xuyên bị hỏi có gia hạn chính sách miễn visa không. Không một ai trong chúng tôi, kể cả lãnh đạo cao nhất của Tổng cục Du lịch có thể trả lời được câu hỏi đó. Và chúng tôi nhận được ý kiến của các nước cho rằng, vậy các ông tiếp thị sản phẩm kiểu gì khi chính sách phập phù như thế này! Quả thực, không ai dám đầu tư vào một thị trường mà chính sách chưa rõ ràng”.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký Hội đồng tư vấn Du lịch Việt Nam cho rằng: “Chúng ta sẽ bị mất lòng tin của du khách, nhà đầu tư, các các công ty du lịch khi họ nhìn thấy 1 chính sách visa rất phập phù”.

Cũng theo ông Chính, theo nghiên cứu của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng Du lịch & Lữ hành thế giới (WTTC), miễn visa tại ASEAN sẽ góp phần tăng số khách du lịch từ 3 đến 5,1%. Thực tế ở Việt Nam đã chứng minh, số khách tăng thêm trên 10%.

Ông Chính cho rằng, việc miễn visa không làm mất nguồn thu ngân sách như một số người nhầm tưởng. Ông Chính lấy ví dụ, mỗi năm có hơn 370.000 khách Australia đến Việt Nam. Nếu miễn visa (phí 25 USD một khách), nguồn thu của ta sẽ giảm 9,2 triệu USD. Tuy nhiên, chi tiêu bình quân một lượt khách của nhóm này là hơn 1.470 USD, thì 10% số khách tăng thêm từ chính sách miễn visa, sẽ đem về 55 triệu USD. Các doanh nghiệp nộp thuế trung bình khoảng 20% cho nhà nước thì số tiền thu được cũng khoảng 11 triệu USD./.

 

Dạ Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ