Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Tình hình thế giới năm 2014 sẽ phát triển đầy kịch tính, phản ánh những biến động to lớn trên chính trường quốc tế, trong tương quan lực lượng và nỗ lực của các chủ thể thích ứng hoặc giành lợi thế giữa cuộc cạnh tranh.
Chính trường thế giới 2019 chuyển động mãnh liệt - Ảnh 1.

Cuộc cạnh tranh và đối đầu chiến lược giữa các nước lớn tiếp diễn gay gắt. Mỹ chủ động thực hiện các hoạt động chống Trung Quốc trên nhiều hướng, áp đặt thêm thuế quan, ngăn chặn tiếp cận các công nghệ mũi nhọn, ủng hộ Đài Loan, đối trọng tại Biển Đông, ngoài ra còn nêu vấn đề Tây Tạng, Tân Cương. Tổng thống Trump cho rằng kinh tế suy giảm sẽ khiến Bắc Kinh có động cơ muốn đàm phán thành công thỏa thuận mậu dịch. Kết quả cuộc đàm phán "đình chiến áp thuế" 90 ngày, hạn chót là ngày 1/3, sẽ cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng thỏa hiệp đến mức độ nào và hai bên sẽ gắn kết việc giải quyết vấn đề thương mại với các vấn đề khác ra sao. Dù đạt bất kỳ thỏa thuận nào thì Mỹ có thể chỉ coi đó là một phần của tiến trình đàm phán tiếp diễn. Toàn cục quan hệ song phương đang giảm sút nhanh chóng, có nghĩa là không bên nào muốn đi quá sâu vào các vấn đề cụ thể vì họ coi đó chỉ là một phần của cuộc đối đầu chiến lược lâu dài hơn và tổng quát.

Chuyến thăm Trung Quốc vào dịp đầu năm của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho thấy Bắc Kinh xác định 2019 là thời điểm thuận lợi để sử dụng lá bài Triều Tiên làm đòn bẩy mặc cả với Washington.



Chính trường thế giới 2019 chuyển động mãnh liệt - Ảnh 2.

Nhưng khi theo dõi những cuộc tranh chấp xung quanh các hoạt động thương mại và quyền sở hữu trí tuệ, không nên bị đánh lạc hướng chú ý khỏi các mâu thuẫn sâu sắc và khó giải quyết hơn giữa Trung Quốc và Mỹ liên quan đến tham vọng, mô hình phát triển và thách thức của Trung Quốc đối với địa vị bá chủ của Mỹ trên thế giới. Mỹ sẽ dựa nhiều hơn vào Tây Âu, Nhật Bản, Úc, Canada, Hàn Quốc tạo ra các hàng rào ngăn chặn chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, từ trí tuệ nhân tạo đến hệ thống 5G. EU có dấu hiệu sẽ thực hiện các chính sách tương tự như của Washington ngăn cản các công ty viễn thông như Hoa Vi và ZTE tham gia đấu thầu phát triển hệ thống mạng 5G ở Tây Ban Nha, Italia, Phần Lan, Đức, Bỉ và Áo. Trung Quốc luôn có kỳ vọng tham gia vào thị trường phát triển công nghệ 5G ở châu Âu đã cho phép các công ty EU có thể tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Trong thế bị động, Trung Quốc đang thực hiện một đối sách linh hoạt. Bằng cách điều chỉnh một phần nào đó lập trường và đồng ý thực hiện một số nhượng bộ đối với Mỹ, Trung Quốc đang ngăn chặn khả năng xảy ra xung đột toàn diện, tránh một cuộc đối đầu ngoại giao thực sự. Bằng cách đưa ra một số nhượng bộ về các vấn đề thương mại, Trung Quốc đang đấu tranh để có thời gian tiếp tục thúc đẩy mở rộng cải cách kinh tế. Trong khi đấu đá chính trị trong nội bộ Mỹ ngày càng gay gắt, Trung Quốc đã củng cố sự đoàn kết chính trị nội bộ để đảm bảo nền tảng vững chắc cho việc theo đuổi những mục tiêu quan trọng mà Đại hội ĐCS Trung Quốc 19 (2017) đề ra. Nếu đạt được thành công về vị thế "người đi trước" trong nền kinh tế số dựa vào trí tuệ nhân tạo, Trung Quốc có đủ năng lực chuyển đổi nền kinh tế từ chế tạo nặng sang công nghệ cao, dịch vụ và người máy, đủ khả năng chuyển đổi mô hình tăng trưởng hiện nay của Trung Quốc.

Việc thiếu những thỏa thuận quốc tế kiểm soát vũ khí sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc. Cuộc chạy đua tiếp tục diễn ra trên mặt đất, trên bề mặt các đại dương, dưới đáy biển, và được thúc đẩy lên không gian. Trung Quốc hiện nay chi nhiều hơn cho các chương trình không gian dân sự và quân sự hơn Nga và Nhật Bản. Vào lúc cuộc chinh phục không gian mới diễn ra khi có khoảng trống luật pháp, Mỹ coi Trung Quốc là một đối thủ trong ngành công nghệ vũ trụ.

undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined

Chính trường thế giới 2019 chuyển động mãnh liệt - Ảnh 4.

Kinh tế Mỹ có thể trải qua thời kỳ kinh tế toàn cầu suy giảm nhẹ và theo đó phát triển chậm lại nhưng không dừng lại. Cũng có khả năng sự suy giảm kinh tế toàn cầu xấu hơn dự kiến và kinh tế Mỹ đi vào suy thoái.

Nhiều nhân vật có ảnh hưởng tại các nước Đông Nam Á dự đoán khu vực này sẽ chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế ở mức trung bình hoặc mạnh mẽ trong năm 2019 dẫu vẫn còn những bi quan về sự không chắc chắn do cuộc cạnh tranh nước lớn và chính sách đối ngoại của Mỹ tạo ra. Công nghệ sẽ là lĩnh vực đầu tư hàng đầu trong năm 2018 - 2019.

Khảo sát gần đây của Bain & Company

90% các nhà đầu tư quốc tế cho rằng trong năm 2018 - 2019, các thị trường Đông Nam Á được quan tâm nhiều nhất, ngoài Singapore sẽ là Indonesia và Việt Nam.

Sự quan tâm mạnh mẽ của đầu tư trong lĩnh vực công nghệ và các ngành công nghiệp chế tạo hàng tiêu dùng có thể sẽ giúp duy trì mức đầu tư cao. Đáng chú ý, ngành công nghệ tài chính cũng đang được mở rộng một cách nhanh chóng; các công ty công nghệ thông tin và truyền thông đang nở rộ, thu hút nhiều khoản đầu tư mạo hiểm và đầu tư tư nhân. Tuy nhiên, đầu tư tăng mạnh ở Đông Nam Á có nghĩa là cạnh tranh tăng và định giá cao hơn. Để phát triển trong một thị trường có nhiều biến động đòi hỏi các nhà đầu tư cần phải tập trung nhiều hơn vào việc tạo giá trị và tăng trưởng hữu cơ. Liệu khu vực Đông Nam Á có thể tiếp tục duy trì đà đầu tư này hay không trong điều kiện "địa công nghệ đấu với địa chính trị"?

Chính trường thế giới 2019 chuyển động mãnh liệt - Ảnh 6.

Cuộc tranh chấp của Mỹ với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có thể làm tê liệt tiến trình giải quyết tranh chấp của tổ chức này, buộc các nước phải tìm cách giải quyết song phương các bất đồng thương mại. Tuy vậy, mặc dù, việc Mỹ có thể sẽ áp đặt thêm thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ, làm cho thương mại thế giới thiếu ổn định, nhưng nhìn chung kinh tế toàn cầu ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thương mại của Nhà Trắng trong năm 2019.


Hiệp định Thương mại CPTTP gồm 11 nước thành viên đi vào có hiệu lực dù không có Mỹ. Trung Quốc đang tranh thủ và lôi kéo Ấn Độ với những nhượng bộ nhất định nhằm hoàn tất quá trình đàm phán Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2019 – một hiệp định không có sự tham gia của Mỹ, do Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo.

Chính trường thế giới 2019 chuyển động mãnh liệt - Ảnh 8.

Trên biển và đại dương, môi trường hàng hải có thể là trọng tâm chính của việc hoạch định chiến lược và cạnh tranh chiến lược trong những thập kỷ tới, giữa một môi trường biển và đại dương còn nhiều biến động.

Cuộc đối đầu Mỹ-Trung, và phần nào đó Mỹ-Nga, sẽ đặt các vùng lãnh thổ cận biên, như Ba Lan, Đài Loan, Đông Nam Á ở trạng thái dễ bị tổn thương hơn. Đồng thời sẽ thử thách bản lĩnh của những quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ… trong việc vận dụng vị thế địa chiến lược của mình để giải quyết những vấn đề an ninh và phát triển của mỗi nước.

Đối với Thủ tướng Modi, căng thẳng Mỹ-Trung đã tạo ra một loại cơ hội chiến lược hiếm có để tranh thủ những lời mời gọi của Trung Quốc và có thể cả của Mỹ. Kết quả là, 4 cuộc gặp của Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Narendra Modi trong năm 2018 dường như có thể hội tụ trên cơ sở những tính toán chiến lược hiện nay của mỗi bên. Bên cạnh đó, cả hai nhà lãnh đạo đã đồng ý xây dựng một "nền tảng xã hội" vững chắc cho sự can dự Trung-Ấn, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp cho một trong những vấn đề gây cấn nhất của quan hệ hai nước, đó là tranh chấp biên giới trên "mái nhà thế giới" Himalayas. Đối với Tập Cận Bình, những tương tác thách thức ngày càng tăng của Trung Quốc với Mỹ tạo ra cho nhà lãnh đạo Trung Quốc động lực chiến lược hiếm có để tìm kiếm sự can dự tốt hơn với Ấn Độ. Mục tiêu chính của Tập Cận Bình là đảm bảo New Delhi không hợp tác với Washington chống Bắc Kinh.

Dự báo rằng, kết quả của các "cơ chế cấp cao" sẽ phụ thuộc vào sức hấp dẫn tương đối từ những kỹ năng quyền lực mềm của mỗi bên để thúc đẩy sự xích lại gần nhau tổng thể, nhưng bên yếu hơn không để bị bên mạnh hơn "ru ngủ".

Tổng thống Trump ký thông qua đạo luật Sáng kiến Trấn an Châu Á (ARIA), được Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu tuyệt đối, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường và mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ.

Tổng thống Trump ký thông qua đạo luật Sáng kiến Trấn an Châu Á (ARIA), được Quốc hội Mỹ thông qua với số phiếu tuyệt đối, trong đó nhấn mạnh việc tăng cường và mở rộng quan hệ ngoại giao, kinh tế và an ninh giữa Mỹ và Ấn Độ.

Một thập kỷ nữa, khi ta nhìn lại năm 2019 sẽ thấy thời điểm này đánh dấu một bước ngoặt của Nhật Bản, khi nước này chuyển mạnh sang tự đảm nhiệm an ninh của mình trong thế kỷ 21. Hai năm trước, chính quyền Trump đã gây sốc đối với công chúng Nhật Bản về các quan điểm không như chính quyền Mỹ trước đây trong hợp tác an ninh Mỹ-Nhật, nhưng nay họ đã quen và dần chấp nhận thực tế mới. Từ 7 năm qua, chính quyền Abe đã chuẩn bị tâm lý cho người Nhật về tăng tính chủ động quốc phòng, đến nay chưa hẳn đã hết bất đồng, nhưng đã chín muồi hơn cho thay đổi luật lệ phù hợp với thực trạng mới. Mỹ và Nhật Bản sẽ không "ly hôn" nhau trong quan hệ an ninh, nhưng sức ép từ chính quyền Trump đã thúc đẩy Nhật Bản cải thiện quan hệ với Trung Quốc khi Bắc Kinh mở rộng vòng tay tập hợp mọi lực lượng có thể đối trọng với Mỹ.

Những chuyển động địa chính trị ở các khu vực khác cũng đáng kể. Việc nước Anh chính thức từ biệt ngôi nhà chung EU vào tháng 3 sẽ thúc đẩy việc triển khai các tầm nhìn mới, mà đã lâu lắm người ta không được chứng kiến sự xuất hiện những ý tưởng tham vọng như vậy. Một khi Brexit hoàn tất, Pháp sẽ trở thành nước duy nhất trong EU là ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và về mặt lịch sử Pháp luôn đóng một vai trò ngoại giao không tương xứng với quy mô địa lý, dân số và nền kinh tế của mình, do đó Tổng thống Macron mong muốn mình sẽ làm "thuyền trưởng của con tàu châu Âu" khi châu Âu trở thành "người lãnh đạo của thế giới tự do" vào lúc bà Merkel rời nhiệm sở và nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu. Nước Anh cũng sẽ thực hiện một vai trò rộng lớn hơn phục vụ cho các lợi ích chính trị và kinh tế. Họ đã tiến hành phác thảo chiến lược đối ngoại mới từ hơn một năm qua, trong đó chú trọng an ninh hàng hải mà Biển Đông sẽ được hưởng lợi khi một cường quốc biển và thành viên Hội đồng bảo an LHQ như Anh quốc dự định mở một căn cứ hải quân ở Đông Nam Á.

Chính trường thế giới 2019 chuyển động mãnh liệt - Ảnh 10.

Phong trào dân túy đe dọa nền dân chủ ở châu Âu gây ra làn sóng tranh luận trái chiều và chia rẽ trong xã hội về những giá trị nội khối của EU; có một số dấu hiệu đáng lo ngại như các phong trào, tư tưởng cực đoan đặt lại vấn đề về giá trị cốt lõi của nền dân chủ...

Tình hình Afghanistan và Syria sau khi chính quyền Trump thực hiện rút quân sẽ thúc đẩy cuộc chạy đua lấp khoảng trống quyền lực, thông qua các tập hợp lực lượng mới. Tiến trình bình ổn Afghanistan sẽ được Trung Quốc cầm chịch với sự phối hợp của Pakistan nhằm kiên định can dự để đưa Phong trào Taliban vào bàn thương lượng, tìm kiếm hòa bình và ổn định tại khu vực có quan hệ trực tiếp tới an ninh các tỉnh phía Tây của Trung Quốc, nhất là Tân Cương, nơi Phong trào Hồi giáo Đông Turkestan (ETIM) đang tìm kiếm độc lập cho Tân Cương và cực đoan hóa người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

Chính trường thế giới 2019 chuyển động mãnh liệt - Ảnh 11.

Không chỉ có Trung Quốc là nước duy nhất sẵn sàng lấp vào chỗ trống do Mỹ để lại. Ảnh hưởng của Iran và Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria và Trung Đông sẽ tăng lên khi Mỹ rút đi, đe dọa đến an ninh của Israel. Nga cũng sẵn sàng đóng vai trò chủ đạo can dự ở khu vực. Hiện Nga đã có một chỗ đứng vững chắc tại Syria. Điều đáng chú ý là Kremlin đã đưa các phi đội máy bay ném bom tới Venezuela, sau vài ngày đã quay trở về Nga, cho thấy sự cam kết mới của Nga ở Mỹ La-tinh chỉ vài tuần sau khi Tổng thống Trump dọa sẽ cắt viện trợ cho ba nước vùng Trung Mỹ và gây sức ép với chính quyền cánh tả Venezuela.

Tổng hợp lại các diễn biến có thể xẩy ra trong năm 2019, chúng ta sẽ có một bức tranh trong đó nước Mỹ đang xa dần thế giới, còn các nước khác đồng minh và đối thủ của Mỹ đang tiến vào lấp chỗ trống. Phần lớn nguyên nhân của việc hình thành bức tranh này là chính sách "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump.

Trật tự thế giới và hệ thống quan hệ quốc tế đang thay đổi theo một cách thức chưa từng có, theo đó, Trung Quốc đang khai thác sức mạnh kinh tế, Nga tái vũ trang, và Mỹ tách khỏi sự hợp tác đa phương. Việc vũ khí hạt nhân trở lại đời sống chính trị quốc tế là rất nguy hiểm nếu các Hiệp ước kiểm soát vũ khí từ thời Chiến tranh lạnh bị phá vỡ. Nhưng, nếu thế giới xuất hiện nhiều thách thức thì cũng tạo ra không ít cơ hội. Thách thức hay cơ hội đều phụ thuộc vào cách tiếp cận của mỗi người, đòi hỏi tự do tư tưởng, đổi mới tư duy và tích cực hành động./.

Nguyễn Ngọc Trường

Đồ họa: Mỹ Dạ - Hồng Nhung