• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Choáng váng" những hình thức kiểm soát phong toả COVID-19 khắc nghiệt nhất thế giới đến mức phản tác dụng

Thế giới 01/04/2020 11:22

(Tổ Quốc) - Tờ Guardian đưa tin, trong bối cảnh các biện pháp phong toả được mở rộng trên toàn cầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, nhiều người dân thế giới đang đối mặt với những hạn chế di chuyển chưa từng có trong tiền lệ.

Hôm thứ ba (31/3), cảnh sát Kenya đã phải đưa ra lời xin lỗi sau khi một cậu bé 13 tuổi bị bắn chết trên ban công tại Nairobi khi cảnh sát tuần tra khu vực trong giờ giới nghiêm.

"Họ xuất hiện, gào thét và đánh đập chúng tôi trong khi chúng tôi là những người dân tuân thủ luật pháp", ông Hussein Moyo, cha của cậu bé kể lại.

"Choáng váng" những hình thức kiểm soát phong toả COVID-19 khắc nghiệt nhất thế giới đến mức phản tác dụng - Ảnh 1.

Đám tang cậu bé Yasin Hussein Moyo bị bắn chết trong giờ giới nghiêm tại Kenya (ảnh: getty images)

Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, lực lượng cảnh sát tại các nước đang sử dụng các hình phạt quá nghiêm khắc hoặc gây sỉ nhục khi cố gắng áp dụng lệnh phong tỏa lên những nhóm người nghèo và dễ bị tổn thương nhất, bao gồm hơn hàng chục triệu người đang phải kiếm ăn từng ngày và có nguy cơ bị chết đói nếu họ không vi phạm lệnh phong tỏa và ra ngoài kiếm việc làm.

Tại Ấn Độ, những người lao động từ thành phố New Delhi khi trở về quê bị phun chất khử trùng toàn thân bất chấp loại chất này rất có hại cho da, mắt và phổi. Còn tại Punjab, người dân không tuân thủ lệnh giới nghiêm sẽ phải chống đẩy và hô to: "Chúng tôi là kẻ thù của xã hội". Tương tự tại Paraguay, người dân vi phạm sẽ bị yêu cầu nhảy tại chỗ hoặc nằm úp mặt xuống đất đồng thời nhắc đi nhắc lại câu nói, "chúng tôi hứa sẽ không rời nhà nữa".

"Choáng váng" những hình thức kiểm soát phong toả COVID-19 khắc nghiệt nhất thế giới đến mức phản tác dụng - Ảnh 2.

Cảnh sát tuần tra tại một khu chợ ở thủ đô Budapest, Hungary (ảnh: AFP)

Mặc dù ngày càng có nhiều ý kiến đồng thuận rằng, để bảo vệ y tế cộng đồng trước đại dịch COVID-19 cần phải tạm thời hy sinh một số quyền tự do cá nhân, nhưng các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc đã kêu gọi các nước đảm bảo được các phản ứng của họ trước đại dịch là "phù hợp, cần thiết và không phân biệt đối xử".

Tại Phillipines, cảnh sát bắt những người vi phạm lệnh giới nghiêm ngồi trong chuồng sắt chật hẹp hoặc ngồi ngoài đường giữa trời nắng để trừng phạt. Hơn 17.000 người trên toàn đất nước đã bị bắt giữ vì không tuân thủ các quy định phong toả. Tuy nhiên, Tổ chức Quan sát Nhân quyền cũng cảnh báo, sẽ là phản tác dụng nếu những công dân mắc lỗi sau đó bị đưa vào các cơ sở trừng phạt bị quá tải người. Điều đó không chỉ gây ra hoảng loạn mà còn làm tăng khả năng bị lây nhiễm virus.

Quay trở lại Kenya, tuần trước, cảnh sát thành phố cảng Mombasa đã xịt hơi ga vào những người dân tại một bến phà khiến đám đông hàng trăm người bị ho và chảy nước mắt.

"Nếu chiến dịch là để bảo vệ người dân khỏi bị lây nhiễm virus thì cách hành xử đã đạt được kết quả ngược lại", một thông cáo từ nhóm kêu gọi cải tổ ngành cảnh sát chỉ ra khi người dân phải phải đưa tay lên lau mắt, mũi, miệng và đối mặt nguy cơ lây COVID-19 từ những người xung quanh.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ