• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tài khoản Facebook đăng tin sai về dịch tả lợn châu Phi nói do nhận thức kém

Thời sự 12/03/2019 08:41

(Tổ Quốc) - Chiều 11/3, Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử đã làm việc với chủ sở hữu tài khoản Facebook đầm bầu thời trang Mami.

Tờ ICT News trích dẫn lời ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, tại buổi làm việc, chủ shop Đầm bầu Thời trang Mami đã tỏ ra rất ăn năn hối hận về hành vi tung tin sai sự thật trên Facebook.

Chủ trang Facebook này cũng đã có biện pháp khắc phục hành vi sai trái của mình bằng việc: Gỡ ngay thông tin sai sự thật vào ngày 4/3, đồng thời vào ngày 10/3, chủ Fanpage đã viết ngay một bài đính chính đăng trên Facebook của mình khuyến cáo các mẹ bầu cần cẩn thận khi tiếp nhận và chia sẻ thông tin về dịch tả lợn châu Phi.

Chủ tài khoản Facebook đăng tin sai về dịch tả lợn châu Phi nói do nhận thức kém - Ảnh 1.

Fanpage bán hàng online này đã tung tin thất thiệt và đã có thông tin đính chính về dịch tả lợn Châu Phi.

Tại buổi làm việc, đại diện đơn vị này bày tỏ nhận thức được hành vi sai trái của mình là do nhận thức kém, mục đích chỉ chia sẻ thông tin để cảnh báo cho các bà mẹ có bầu.

Họ cũng đề nghị Cục ghi nhận về thái độ thành tâm khắc phục hậu quả và đây cũng là vi phạm lần đầu tiên.

Được biết, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã lập biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 20 triệu đồng, căn cứ theo các quy định của Nghị định 174 năm 2013 của Chính phủ.

Tại buổi làm việc, đại diện Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử cũng đã phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến việc đưa thông tin lên mạng xã hội, phổ biến về Luật An ninh mạng, nhắc nhở về hành vi đưa tin sai…

Trước đó, ngày 8/3, Cục phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã có giấy mời chủ sở hữu trang Facebook Đầm Bầu Thời Trang Mami đến làm việc để làm rõ thông tin sai sự thật về dịch tả lợn châu Phi mà trang này đã đăng. Gồm: thông tin, hình ảnh sai sự thật về việc chế biến, bày bán lợn nhiễm dịch tả lợn châu Phi tại Hà Nội và kêu gọi "tẩy chay" thịt lợn vì có thể lây sang người. 

Trang Fanpage này có gần 300.000 lượt like- thích trên mạng xã hội.

Ngay sau khi thông tin này lan rộng trên mạng xã hội, sáng 8/3, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị xử lý một số cá nhân đã đăng tải thông tin sai sự thật về dịch tả heo châu Phi, trong đó có trang Fanpage Đầm bầu thời trang Mami.

Cơ quan chức năng ngay lập tức đã tìm ra chủ trang Facebook này có địa chỉ tại số 21 Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng - Hà Nội; số 39 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy - Hà Nội và số 274 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân - Hà Nội.

Về dịch tả châu Phi, chị Nguyễn Thị Hoa (Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, chị có thấy các thông tin về dịch lợn, trong đó vừa có cả dịch tả châu Phi vừa dịch lợn gạo những ngày qua được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.

"Người dùng mạng xã hội hãy tìm hiểu các thông tin từ nguồn chính thống như báo chí, cơ quan chức năng nhà nước. Khi hiểu về dịch bệnh, tìm được nguồn thông tin chính thống sẽ không bị các tài khoản mạng xã hội "lừa đảo"- chị Hoa nói.

Chị Hoa còn cho biết thêm, người bán thịt lợn cho gia đình chị trong nhiều năm qua cho hay, nếu mua lợn bệnh giá chỉ có 20.000 đồng/kg, trong khi nếu phát hiện ra lợn bệnh, báo cơ quan chức năng, người dân sẽ được thu mua với giá hỗ trợ của nhà nước là 38.000 đồng. Do vậỵ, chủ quầy thịt này không "dại" gì mà đi mua lợn bệnh bán cho người dân.

Kinh nghiệm của chị Hoa khi chọn thịt lợn cho hay, dịch tả châu Phi trên lợn có thể nhìn bằng mắt thường: dưới da lợn bệnh có đốm đỏ như dạng sốt xuất huyết trên cơ thể người.

Chị Nguyễn Thị Chiên, Xuân Trường, Nam Định – chủ cơ sở chế biến các món ăn từ thịt lợn như giò, chả, nem thính… cho hay, những ngày này, các sản phẩm của nhà chị vẫn được bán ra với lượng không đổi. "Vùng này chưa có dịch, cửa hàng cũng luôn tìm mua những con lợn có nguồn gốc chăn nuôi rõ ràng"- chị Chiên cho hay. 

Tới ngày 11/3, Nam Định đã trở thành địa phương thứ 13 xuất hiện ổ dịch tả lợn châu Phi sau gần một tháng kể từ khi lần đầu phát hiện tại  Hưng Yên, Thái Bình. 12 tỉnh phát hiện ổ dịch trước đó gồm: Quảng Ninh, Ninh Bình, Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hải Dương, Hà Nội, Hòa Bình, Thái Nguyên, Điện Biên. Ngoài ra, thống kê cho hay, hơn 11.300 con lợn đã buộc phải tiêu hủy.

Thái Tùng

NỔI BẬT TRANG CHỦ