Chủ tịch Deloitte Vietnam: Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đem lại lợi ích trung hạn, nhưng rủi ro tức thì

(Tổ Quốc) - Tại Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF) lần thứ 3 diễn ra sáng 29/9, bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam nhận định, mặc dù lợi ích từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ đem lại những cơ hội cho Việt Nam, nhưng điều này vẫn cần nhiều thời gian.

Tại diễn đàn, bà Hà Thị Thu Thanh đã chia sẽ những hành động thiết thực để giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp giành cơ hội, phục hồi bền vững trong mọi điều kiện.

Cụ thể, bà Thanh đã chỉ ra những cơ hội từ 3 diễn biến kinh tế - xã hội vừa qua, bao gồm: đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các hiệp định thương mại thế hệ mới.

Covid-19 chính là phép thử ngưỡng chịu đựng của doanh nghiệp

Bà Thanh nhận định, đại dịch Covid-19 xuất hiện đã làm các doanh nghiệp Việt Nam bộc lộ tức thì mọi vấn đề hạn chế bao gồm cả những yếu tố mang tính "hệ thống" cũng như các khó khăn khách quan phát sinh trên diện rộng mà doanh nghiệp Việt Nam phải gánh chịu. 

Đại diện Deloitte Việt Nam nhấn mạnh, Covid-19 là một phép thử lớn. Những con số thống kê vừa qua đã chỉ ra ngưỡng chịu đựng của từng doanh nghiệp. Từ đó, các doanh nghiệp có thể nhìn nhận lại năng lực tài chính, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh của mình.

Trước giai đoạn Covid-19, các doanh nghiệp Việt Nam đã phải tăng năng lực cạnh tranh lên rất nhiều. Covid-19 là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp tiếp tục quá trình này để phát triển bền vững.

Lợi ích 'trung hạn', rủi ro lại 'ngay tức thì'

Chủ tịch Deloitte Vietnam: Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đem lại lợi ích trung hạn, nhưng rủi ro tức thì - Ảnh 1.

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam tại sự kiện

Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung được đánh giá là cơ hội cho Việt Nam trong xuất khẩu các mặt hàng sang nước khác thay thế hàng Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này vẫn cần nhiều thời gian.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, thu hút dòng vốn FDI. Song, bà Hà Thị Thu Thanh cũng đánh giá, lợi ích mà cuộc chiến thương mại này mang đến cho Việt Nam là 'trung hạn', nhưng rủi ro lại 'ngay tức thì'.

Lý giải về điều này, bà cho biết nhiều mặt hàng Trung Quốc thời gian qua đã 'nhờ' Việt Nam để xuất cảnh sang Mỹ nhằm tránh sự trừng phạt của Mỹ. Điều này đã tạo ra rất nhiều rủi ro, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung Quốc hiện vẫn là một nhà sản xuất lớn nhất trên thế giới. Sức ép cạnh tranh với công ty Trung Quốc hoạt động sản xuất tại Việt Nam có thể coi là rất lớn đối với doanh nghiệp Việt.

Đối với hiệp định thương mại thế hệ mới, điển hình là EVFTA đã tạo ra rất nhiều cơ hội trong cộng đồng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Thứ nhất là cơ hội để cho các doanh nghiệp cơ cấu lại thị trường xuất khẩu. Cơ hội thứ hai là tạo ra động lực phát triển công nghiệp phụ trợ. Bên cạnh đó, cơ hội để tái cấu trúc các hoạt động doanh nghiệp có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và trong khu vực một cách rộng hơn, đa dạng hơn để tránh những rủi ro mới xảy ra.

Chủ tịch Deloitte Vietnam: Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đem lại lợi ích trung hạn, nhưng rủi ro tức thì - Ảnh 2.

Ứng dụng các đề xuất hành động vào ngành "hưởng lợi" và ngành "tê liệt" điển hình trong bối cảnh hiện nay

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, qua 6 tháng đầu năm 2020, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 1,18% so với cùng kỳ năm 2019.

Nhìn từ đòn bẩy là EVFTA, CPTPP, bài toán lớn nhất đặt ra với các doanh nghiệp lĩnh vực Nông nghiệp và Chế biến sản phẩm từ nông nghiệp lúc này là tối ưu hóa hoạt động, tăng sức cạnh tranh, xây dựng thương hiệu và chất lượng cho sản phẩm để vươn mạnh ra "cuộc chơi" toàn cầu. 

Các hành động thiết thực mà doanh nghiệp trong lĩnh vực này nên ưu tiên thực hiện là hành động thuộc Nhóm 2 và Nhóm 3 để 'làm chủ cuộc chơi ngay trên sân nhà'. 

Ngược lại, du lịch và dịch vụ du lịch là ngành từng có tăng trưởng đặc biệt ấn tượng trước đây nhưng gần như bị "đóng băng" hiện nay khi làn sóng thứ hai của đại dịch quay trở lại Việt Nam.  Theo số liệu GSO công bố 8 tháng đầu năm 2020, doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành giảm 54,4% so với cùng kỳ năm trước. 

Bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các doanh nghiệp trong ngành này được khuyến nghị hoạt động theo hành động số 1-2 để giữ cho doanh nghiệp tồn tại qua khó khăn, các hành động 4, 7, 8, 9 sẽ là lựa chọn ưu tiên sau đó.

Q.L

Tin mới