• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội: Áp dụng đồng bộ các biện pháp thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình xét xử

Thời sự 06/01/2020 15:19

(Tổ Quốc) - Đây là yêu cầu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra với ngành tòa án khi tham dự Hội nghị triển khai công tác năm 2020 vào sáng nay, 6/1.

Hôm nay (6/1), TANDTC tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác Tòa án năm 2020.

Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ chính trị, Chủ tịch Quốc hội; Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Lê Quý Vương, Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an; đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội: Áp dụng đồng bộ các biện pháp để có thể thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình xét xử - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra với Tòa án các cấp là phải bám sát các chỉ đạo của Trung ương Đảng, tập trung thực hiện tốt những yêu cầu cải cách tư pháp và những nhiệm vụ còn lại của nhiệm kỳ. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp vừa được ban hành tại Kỳ họp thứ Tám với nhiều chỉ tiêu, yêu cầu cao hơn được Quốc hội đặt ra cho ngành Tòa án...

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh trách nhiệm chính trị của Tòa án các cấp, của các Thẩm phán trước Đảng, trước nhân dân là phải tập trung nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tâm phục, khẩu phục, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Hạn chế đến mức thấp nhất các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán; kiên quyết khắc phục việc để án quá hạn luật định, vi phạm thời hạn tố tụng. Tăng cường xem xét, giải quyết các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Năm 2019, Tòa án các cấp đã đưa ra xét xử 279 vụ với 636 bị cáo phạm các tội tham nhũng, trong đó có nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng và được dư luận xã hội quan tâm như: vụ án MobiFone mua 95% cổ phần của AVG; vụ án Phan Văn Anh Vũ về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương; vụ án Nguyễn Ngọc Sự và đồng phạm về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” …

Đối với việc xét xử các vụ án tham nhũng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngành Tòa án tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết vụ án; áp dụng đồng bộ các biện pháp để có thể thu hồi triệt để tài sản ngay trong quá trình xét xử; chú trọng kiến nghị khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, sự buông lỏng trong quản lý cán bộ.  

Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn ra vụ án Mobile phone mua  95% cổ phần của AVG, Hội đồng xét xử đã cho tạm dừng phiên tòa, tạo mọi điều kiện để bị cáo nộp lại tài sản tham nhũng, và ngay trước ngày tuyên án, bị cáo đã nộp đủ 66 tỷ đồng tiền nhận hối lộ. Đây là kinh nghiệm rất tốt cho việc xét xử các vụ án tham nhũng thời gian tới. 

Đối với việc xét xử các vụ án hành chính, cần đánh giá đầy đủ nguyên nhân của những hạn chế, tồn tại trong xét xử loại án này thời gian qua và có các giải pháp cụ thể khắc phục trong thời gian tới.

Đồng thời, thông qua công tác xét xử, tập trung xử lý dứt điểm các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, những vụ án tiềm ẩn nguy cơ xảy ra điểm nóng, khiếu kiện phức tạp, đông người...

Đối với công tác cán bộ, việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ Thẩm phán phải là ưu tiên hàng đầu của Tòa án các cấp. Mỗi Thẩm phán phải lấy chuẩn mực trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán để phấn đấu, giữ gìn và rèn luyện. Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Chú trọng kiện toàn đội ngũ lãnh đạo Tòa án các cấp; làm tốt công tác luân chuyển cán bộ để rèn luyện, thử thách trong các môi trường công tác. Tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện các hạn chế, thiếu sót. Kiên quyết xử lý nghiêm các cán cán bộ vi phạm.

Tiếp tục đổi mới tổ chức bộ máy theo yêu cầu cải cách tư pháp, tăng cường hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Tập trung nghiên cứu yêu cầu của Chiến lược cải cách tư pháp về đổi mới hệ thống tổ chức Tòa án theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính, đồng thời chủ động xây dựng cơ chế pháp lý cho việc tổ chức Tòa án khu vực, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu.

Ngành Tòa án cầnđẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tư pháp gắn với việc ứng dụng công nghệ thông tin để người dân dễ tiếp cận và phù hợp với việc tinh giản biên chế.

PV (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ