• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ tịch Quốc hội: Cơ sở nào để giảm 10-15% đại biểu HĐND?

Thời sự 18/04/2019 18:35

Tại phiên họp của UBTV Quốc hội chiều 18/4, đại biểu Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ hơn việc giảm 10-15% số đại biểu HĐND tại các cấp.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 33 của UBTV Quốc hội, chiều 18/4, đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, các đại biểu bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định mới của Dự thảo Luật khi giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Đồng thời đề nghị làm rõ cơ sở nào giảm 10-15% đại biểu HĐND.

Chủ tịch Quốc hội: Cơ sở nào để giảm 10-15% đại biểu HĐND? - Ảnh 1.

Điểm mới của Dự thảo Luật lần này là quy định giảm số Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, số Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND cấp tỉnh từ 2 người xuống còn 1 người; tăng số Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại II từ 1 người lên 2 người. Tuy nhiên vấn đề này không nhận được sự tán thành của các đại biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cấp Phó HĐND các cấp rất nhiều việc, nếu giảm đi sẽ rất khó khăn. Bởi vậy cần xin ý kiến các tỉnh, thành phố về vấn đề này. Không nhất trí giảm Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, cần phải giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND tại các cấp vì hiện nay đang thực hiện nhất thể hóa Bí thư kiêm Chủ tịch HĐND.

"Nếu Bí thư kiêm nhiệm thì chỉ còn 1 Phó Chủ tịch HĐND điều hành công việc là rất khó. Bí thư bận bao nhiêu việc nên công việc của HĐND trông vào Phó Chủ tịch điều hành công việc hàng ngày là chính. Cho nên cần giữ nguyên 2 Phó Chủ tịch HĐND tại các cấp để làm sao nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND"- ông Hà Ngọc Chiến cho biết.

Cùng quan điểm này, ông Đặng Ngọc Huy - Phó trưởng Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị đánh giá kỹ hơn việc giảm 10-15% số đại biểu HĐND tại các cấp. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhìn nhận, vấn đề lớn quan trọng trong tinh giản bộ máy là sắp xếp để hiệu quả tốt hơn chứ không phải chỉ giảm.

Theo ông Bình: "Nên có trình bày tổng thể về mô hình quản lý Nhà nước, thể chế. Ở đây không phải 1 Chủ tịch hay Phó chủ tịch, vấn đề là chúng ta đang chỉnh một cơ chế quản lý của cả hệ thống. Ở đây, rõ ràng, quyền lực phải giám sát. Giám sát ở đâu? Ngay cả bây giờ đã giám sát tốt chưa?. Do đó, làm rõ mô hình Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ như nào?"

Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, giảm ở cơ quan dân cử, tăng ở khối chính quyền là không hợp lý.

"Khi làm Hiến pháp đã bàn mãi làm sao nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp, sau 10 năm thí điểm không tổ chức HĐND tại 1 số địa phương thì đã khôi phục lại là có HĐND. HĐND có 1 Phó Chủ tịch và 1 Ủy viên thường trực, Chính phủ nên đánh giá tác động lại cho rõ, cơ sở nào để giảm 10-15% đại biểu HĐND?" – Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi./.

Theo VOV

NỔI BẬT TRANG CHỦ