Chủ tịch World Bank: Covid-19 đem đến nguy cơ "trầm cảm" kinh tế tại các nước nghèo, khiến họ chịu hậu quả nặng hơn

(Tổ Quốc) - Ông David Malpass, Chủ tịch World Bank cho rằng các quốc gia nghèo đang rất cần được xóa nợ, nếu không muốn những thiệt hại nặng hơn cho nền kinh tế xảy ra.

Mới đây, Chủ tịch World Bank (Ngân hàng Thế giới) đã cảnh báo rằng suy thoái kinh tế tạo ra bởi Covid-19 đang có nguy cơ trở thành "trầm cảm" kinh tế tại các nước nghèo trên thế giới. Bởi vậy, ông đang kêu gọi một kế hoạch xóa nợ diện rộng hơn cho các nước này.

Dựa trên số liệu World Bank sắp công bố vào tháng tới, tổ chức này chỉ ra đã có thêm 100 triệu người bị đẩy vào cảnh nghèo đói bởi đại dịch Covid-19. Đại dịch càng dài, các nước nghèo càng chịu hậu quả nặng nề bởi trầm cảm kinh tế, khoản nợ cũng tăng lên. Ông Malpass cho rằng trong tình hình như vậy, các biện pháp trợ giúp như kéo dài thời gian trả nợ hoặc cho các quốc gia này tạm ngừng trả nợ, đều là không đủ.

"Khủng hoảng tài chính lần này còn tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng của năm 2008. Riêng với Mỹ Latinh, nền kinh tế lần này chịu thiệt hại nặng hơn cả khủng hoảng nợ những năm 1980" – Chủ tịch World Bank nhận định.

"Vấn đề cấp bách nhất lúc này là nạn đói nghèo. Nhiều người dân trên thế giới đang trên bờ vực rơi vào tình cảnh này. Trong 20 năm qua, chúng ta đã cố gắng đưa toàn bộ dân số thoát khỏi cảnh nghèo đói cùng cực, nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại có thể khiến nhiều người lại tiếp tục trở lại đói nghèo như cũ".

Ông Malpass cũng chia sẻ thêm, "Khi cuộc khủng hoảng diễn ra, khoảng cách bất bình đẳng sẽ lớn hơn. Các biện pháp phục hồi nền kinh tế được tạo ra bởi các nước phát triển sẽ chỉ nhắm vào kích thích kinh tế các nước này, khiến các vấn đề bất bình đẳng càng trở nên tệ hơn".

Malpass cho biết, các vấn đề nợ đang trở nên nghiêm trọng hơn vì các khoản nợ vẫn giữ nguyên, thậm chí tăng lên còn GDP các nước nghèo lại đang chỉ báo đi xuống.

Dù vậy, chủ tịch World Bank chia sẻ sự vui mừng khi biết tin các nước G7 đang cân nhắc chính sách cho các nước đi vay được tạm ngưng trả nợ cho tới cuối năm 2021, thay vì cuối năm nay như quyết định ban đầu. Tuy nhiên, nhóm G7 cũng nhận định cần có cách tiếp cận vấn đề nợ triệt để hơn.

"Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, chúng tôi đã nhìn thấy tình trạng nợ xấu tại các quốc gia. Các khoản nợ tại các nước nghèo, nước đang phát triển đang tăng lên, một phần bởi các nước này muốn đi vay để tăng năng suất sản xuất (các nước đang phát triển thường vay để đầu tư vào hạ tầng, công nghệ, giáo dục, từ đó làm đòn bẩy tăng năng suất sản xuất của các yếu tố khác – PV)".

Chủ tịch World Bank cho rằng các điều khoản đi vay của các quốc gia cũng cần minh bạch hơn. Ngoài ra, chủ nợ - bên vay nợ cần thỏa thuận rằng bên cho vay chưa tham gia vào các giao dịch nợ. Ví dụ như các nhà đầu tư tư nhân hoặc các ngân hàng phát triển của Trung Quốc sẽ là các chủ nợ thỏa mãn điều kiện này.

"Sẽ có những người được hưởng chính sách hỗ trợ trả nợ, trong khi thực ra họ không cần. Ví dụ, các nhà đầu tư tư nhân thông thường đã nhận các khoản lợi nhuận từ nước họ đầu tư, giờ đây còn nhận thêm lợi ích từ chủ nợ của nước đó. Như vậy thật không công bằng với những người đã đóng thuế ở nước cho vay. Lợi ích miễn phí này cũng sẽ khiến các nhà đầu tư tư nhân sở hữu nhiều lợi thế hơn, đồng nghĩa với việc các nước nghèo không đủ nguồn lực để đối mặt với các vấn đề khác trong nước".

Malpass nói rằng Ngân hàng đã huy động 160 tỷ USD cho các khoản vay và viện trợ để nhanh chóng giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế, đồng thời giảm số lượng trẻ bỏ học. Ngoài ra, các khoản này cũng có mục đích giảm bớt sự mất mát trong thu nhập của các đối tượng làm việc trong nền kinh tế phi chính thức, ngăn chặn nguy cơ rơi vào đói nghèo của các quốc gia. Để thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng của một quốc gia, nâng cao hệ thống y tế - giáo dục, giảm sự lệ thuộc của các quốc gia vào nhiên liệu hóa thạch, tổng chi phí có thể lên tới hàng nghìn tỷ USD.

"Cuộc suy thoái đã biến thành "trầm cảm" kinh tế tại một vài quốc gia. Đây là cuộc khủng hoảng lớn nhất trong một thập kỷ trở lại đây, nhưng tôi lạc quan mà có niềm tin rằng, chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra được giải pháp, để vượt qua giai đoạn khó khăn này".

Tuy nhiên, Chủ tịch World Bank đang tỏ ra nghi ngại về khả năng xảy ra nạn đói. Dù vấn đề thiếu hụt lương thực vẫn chưa cấp bách, nhưng nếu dịch bệnh và trầm cảm kinh tế còn kéo dài, nó chắc chắn sẽ là một mối đe dọa đáng lo ngại.

Chia sẻ với giới báo chí, Malpass tỏ ra nuối tiếc bởi cuộc khủng hoảng đã lấy đi cơ hội tới trường của nhiều trẻ em trên thế giới. Việc nhiều trẻ không được đến trường cũng đồng nghĩa với việc các nước đó sẽ bị thụt lùi về giáo dục. Từ đó, tạo ra một hậu quả dây chuyền với các bé gái – các em sẽ buộc phải lập gia đình ở độ tuổi rất sớm.

T. Hạnh

Tin mới