• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chủ trương thành lập Đại học Sức khỏe đã có gần 20 năm, nay triển khai lại vướng Luật

Giáo dục 18/09/2019 15:46

(Tổ Quốc) - Liên quan đến việc thành lập đại học sức khỏe gây ra những ý kiến trái ngược suốt 2 ngày qua, trong khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định đó là một nhiệm vụ của Trường ĐH Y dược TP.HCM từ 15 năm nay thì ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo (KHCNĐT, Bộ Y tế) cho biết, chủ trương này đã có từ gần 20 năm trước.

Thông tin bắt đầu từ Lễ khai giảng năm học 2019-2020 của trường Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh tổ chức sáng 16/9, phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến tại buổi lễ được nhiều người quan tâm là việc thay đổi tên trường Đại học Y dược TP.HCM thành trường Đại học Sức khỏe.

Cụ thể, trao đổi với trường Đại học Y dược TP.HCM tại buổi lễ, Bộ trưởng Tiến chỉ đạo Trường thực hiện các nhiệm vụ trước mắt... Bộ trưởng cũng nhắc lại Trường còn một nhiệm vụ cách đây 15 năm là thành lập một Đại học Sức khỏe TP. Hồ Chí Minh trong đó có nhiều trường y, trường dược, trường điều dưỡng…

Bo truong y te Tien

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh: moh.gov.vn)

Bộ trưởng nói, hiện nay chúng ta chưa nên gọi là đại học mà chỉ là Trường Đại học Y dược TP.HCM, vì dưới trường hiện nay chỉ có khoa chứ chưa có trường. Bộ Y tế rất ủng hộ chủ trương này, đề nghị Trường sớm có đề án phát triển thành mô hình Đại học Sức khỏe với các trường thành viên.

Cùng với Trường Đại học Y Hà Nội thì Trường Đại học Y dược TP.HCM là một trong hai cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe lớn trong cả nước. Tuy nhiên, do ra đời sau nên Trường hội đủ nhiều điều kiện để thực hiện được đề án đổi tên này. Đây là nhiệm vụ cần làm ngay để không tụt hậu so với các nước trong khu vực. Thông tin này cũng được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Khẳng định về phát ngôn này, tờ Sohanews dẫn lời của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, đây là 1 đề án được chính Trường Đại học Y dược TP.HCM ấp ủ từ lâu. Theo Bộ trưởng, ý tưởng thành lập Đại học Sức khỏe là để phát triển, để hội nhập thì "phải được ủng hộ". Việc này cũng mang tính khoa học và thực tế nhiều nước đã có tên Đại học Sức khỏe.

Bộ trưởng Tiến cho biết, "Đề án này đang được trình lên. Khi nào xong thì sẽ thông qua và đổi tên thành Đại học Sức khỏe còn hiện nay vẫn đang giữ tên cũ. Việc này không phải là đổi tên mà là thành lập. Trường đại học Y dược TP.HCM hiện nay bao gồm khoa y, khoa nha… thì phải thành lập Đại học Sức khỏe. Trong Đại học Sức khỏe sẽ có các trường thành viên là Trường đại học Y, Trường đại học Nha Trang… Cái này là để ngang tầm cỡ của Trường đại học Y dược TP.HCM hiện nay".

nguyễn minh lợi

Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) Nguyễn Minh Lợi

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: Khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng...

Cách đây gần 20 năm, chủ trương thành lập đại học khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và TP.HCM. 

Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là trường đại học Y, trường đại học Dược, trường đại học Điều dưỡng, trường đại học Y tế công cộng...

Ông Lợi cho rằng, theo mô hình này sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tạo liên ngành...

Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và "thương hiệu" của cơ sở đào tạo.

Ông Lợi nêu quan điểm, "Chúng tôi cũng xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi" và lấy dẫn chứng, Đại học Y Dược TP.HCM hiện nay hoạt động theo mô hình trường đại học theo đề án và sẽ được đầu tư, phát triển theo mô hình đại học khoa học sức khỏe. Về tên gọi sẽ cân nhắc cụ thể, trong đó có phương án vẫn giữ tên là Đại học Y Dược TP.HCM và chỉ đi vào hoạt động theo mô hình đại học khoa học sức khoẻ khi được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định phê duyệt.

Liên quan đến Đề án thành lập đại học khoa học sức khỏe, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, thành lập đại học khoa học sức khỏe như Bộ trưởng Bộ Y tế nói là chưa ổn bởi lẽ, đã là đại học thì cần đa ngành, đa lĩnh vực... Nếu chỉ bó hẹp trong lĩnh vực sức khỏe không thể gọi là đại học theo đúng nghĩa, gọi vậy là đại học đơn lĩnh vực và đa ngành...

Nói về Đề án thành lập Đại học khoa học sức khỏe, PGS.TS Trần Diệp Tuấn, Hiệu trưởng trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết, Đề án thành lập Đại học và các trường ĐH thành viên trường ĐH Y Dược TP.HCM đã gửi Bộ Y tế cách nay 1 năm. Đề án này bao gồm ĐH và các trường ĐH thành viên. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là vướng Luật Giáo dục ĐH mới có hiệu lực từ tháng 7/2019. 

Cụ thể, Luật quy định việc lập Trường Đại học phải có ít nhất 3 chuyên ngành. Hiện nay, có những khoa rất mạnh đào tạo cả thạc sĩ, tiến sĩ nhưng lại chỉ có 1 chuyên ngành nên không đủ số lượng chuyên ngành để thành lập trường theo luật. Do vậy, để thành lập được các trường ĐH thành viên lại cần điều chỉnh theo Luật mới.

Phương Anh (t/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ