• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chưa có luật, doanh nghiệp khởi nghiệp tìm cách “lách” gọi vốn

Kinh tế 27/07/2017 08:00

(Tổ Quốc) -Sáng 26/7, tại Hà Nội, Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF) đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp, các bộ, ngành về nội dung kinh tế số, chuẩn bị cho cuộc đối thoại với Thủ tướng vào ngày 31/7.

Kinh tế số - lợi nhuận khủng, thiếu cơ chế

Theo ông Nguyễn Trung Chính, Trưởng nhóm công tác Kinh tế số, VPSF, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ CMC, hiện tại nền kinh tế số có giá trị 3.000 tỉ đô la (năm 2016), chiếm tỷ trọng 3,8% nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả những công ty có giá trị lớn hàng đầu thế giới như Apple, Google, Facebook, Amazon, Microsoft.

Trên toàn cầu đến Qúy 1/2017 có 875 triệu thuê bao internet, tốc độ tăng trưởng 7,7%/năm.

 Ông Nguyễn Trung Chính, Trưởng nhóm công tác Kinh tế số, VPSF.

Một con số đáng lưu ý khác, tính đến năm 2020 có 60 triệu người dùng smartphone chiếm 60% dân số, tăng gấp 30 lần so với năm 2010. Xuất hiện xu thế “số hóa” ở mọi lĩnh vực từ thương mại, thanh toán cho đến vận chuyển, giáo dục, sức khỏe…

Tại Việt Nam, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, trong đó năm 2016 đạt 390 triệu USD. Ước tính đến năm 2020, quy mô thị trường quảng cáo trực tuyến sẽ tăng gấp trên 3 lần, đạt 950 triệu USD. Tham gia số hóa trong các lĩnh vực như vận tải, giáo dục, sức khỏe... không chỉ ở thị trường Việt Nam mà còn cung cấp dịch vụ trong khu vực.

Mặc dù vậy, theo các doanh nghiệp kinh tế số tại Việt Nam, hiện chưa có cơ chế, chính sách cụ thể cho các mô hình kinh doanh mới, chưa thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh tế số khi tham gia.

Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch nhóm Khởi nghiệp sáng tạo- VPSF cho hay, Bộ Kế hoạch, Đầu tư đang dự thảo nghị định về Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo. Đây là hành lang pháp lý tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nhưng hiện nay, một công ty đầu tư cho công ty khác hoạt động kinh doanh khởi nghiệp sáng tạo thì hành lang pháp lý không có. Vì danh mục đăng ký kinh doanh hiện tại không có danh mục đầu tư. Việc đầu tư vốn hiện tại mới chỉ quy định dành cho công ty chứng khoán, ngân hàng.

Cùng nỗi băn khoăn trên, ông Trần Thanh Nam – CEO Ứng dụng thanh toán Moca (Fintech) cho hay, đầu tư cho sáng tạo từ các nhà đầu tư nước ngoài qua hai hình thức là vay vốn chuyển đổi hoặc trái phiếu doanh nghiệp chuyển đổi. Tuy nhiên, sáng tạo Việt Nam không thể phát hành trái phiếu vì theo luật thì phải có lãi mới được phát hành. Để nhận vốn đầu tư, doan nghiệp khởi nghiệp đang phải “lách” để nhận vốn theo dạng vay chuyển đổi.

Đề xuất bãi bỏ Nghị định 102

Ngoài ra, tại cuộc họp, các ý kiến cũng đề xuất bãi bỏ Nghị định 102 về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước bởi các nội dung đã không còn phù hợp…

Tổng Giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc cho hay, nghị định này và những dự thảo sửa đổi mới nhất đang tồn tại nhiều thủ tục rối rắm, gây khó cho doanh nghiệp. Do vậy cần phải xây dựng nghị định mới.

 Tổng giám đốc FPT Bùi Quang Ngọc.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Trung Chính bình luận, tinh thần là phải xây dựng một nghị định mới, chứ không thể “cơi nới, sửa chữa” do nghị định 102 quá nhiều bất cập.

Ngoài ra, Nghị quyết 36A của Chính phủ về xây dựng Chính phủ điện tử - đây là nền tảng xây dựng thành phố thông minh trong nội dung Kinh tế số.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trung Chính, điều kiện để doanh nghiệp công nghệ phát triển được cần có sự tự do và hiện tại, có sự đối xử phân biệt giữa các khu vực kinh tế.

Còn ông Bùi Quang Ngọc nói, vẫn còn tình trạng phân biệt các thành phần kinh tế khi tham gia các chương trình tin học hóa cho khu vực công quyền. Đồng thời, còn có nhiều dự án hạn chế doanh nghiệp tư nhân tham gia. Các cơ quan cũng có việc trợ giá không lành mạnh cho các doanh nghiệp nhà nước./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ