• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chưa đưa vào sử dụng, cầu gỗ lim ven sông Hương đã có nhiều vết nứt

Du lịch 20/08/2018 17:45

(Tổ Quốc) - Dù đang trong quá trình thi công chưa đưa vào sử dụng nhưng bề mặt các tấm gỗ lim lát đường đi bộ ven sông Hương (TP. Huế) đã xuất hiện nhiều vết nứt. Điều này khiến nhiều người không khỏi lo ngại.

Nhiều vết nứt trên sàn gỗ “siêu sang”?

Được khởi công xây dựng từ tháng 2/2018, hạng mục “Cầu đi bộ lát gỗ lim” nằm trong dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, thành phố Huế” thuộc dự án thí điểm của dự án “Quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương và dự án thí điểm”. Dự án do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại 100% chi phí thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA).

Đường đi bộ lát sàn gỗ lim ven sông Hương đang thi công và dần hoàn thiện. Ảnh: Lê Chung

Trong quy mô tóm tắt dự án “Xây dựng Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, thành phố Huế” có các hạng mục cầu đi bộ, bến thuyền, sân khấu biểu diễn ngoài trời, chỉnh trang công viên Lý Tự Trọng, hệ thống giao thông (đường dạo nội bộ), hệ thống chiếu sáng và một số hạng mục khác.

Trong số đó, hạng mục cầu đi bộ với kết cấu bê tông cốt thép, rộng 4m, sàn lát gỗ lim, hệ thống thoát nước sàn gỗ của cầu. Diện tích cầu là 2.443m2. Tổng kinh phí đối với phân hạng mục này là 5,73 tỷ đồng.

Được xây dựng nhằm tạo điểm nhấn nhìn sang bờ Bắc sông Hương và tạo sức hút đối với khách du lịch khi đến Huế nên những ngày qua, khi hình hài của công trình “siêu sang” này dần hoàn thiện đã nhận được sự quan tâm của người dân và du khách. Tuy nhiên theo phản ánh mà Báo điện tử Tổ Quốc nhận được, trên thực tế dù đang trong giai đoạn thi công và chưa đưa vào sử dụng, hàng loạt tấm gỗ lim lát sàn tại đây đã xuất hiện những vết nứt.

Nhiều vết nứt xuất hiện trên những tấm gỗ lim lát sàn tại công trình. Ảnh: Lê Chung

Tìm hiểu được biết, theo TCVN 7960 : 2008 do Viện Vật liệu xây dựng - Bộ Xây dựng biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, ván sàn gỗ không cho phép việc xuất hiện các vết rạn nứt chân chim ở mặt trên và nứt hở thành vết ở các mặt.

Vậy nhưng ghi nhận tại công trình, nhiều tấm gỗ lim đã xuất hiện những vết nứt, trong đó có vết nứt chân chim, một số tấm xuất hiện các vết nứt lớn tạo thành khe hở chạy dọc theo thớ gỗ. Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở trên bề mặt sàn mà còn dễ dàng nhìn thấy ở những tấm gỗ đang nằm phơi nắng đợi thi công rải rác ở công trình. Thực trạng này khiến nhiều người không khỏi băn khoăn, lo ngại.

Sẽ cho kiểm tra lại

Trước đó, khi công trình chưa được thi công, dư luận tại Huế cũng như một số chuyên gia cho rằng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt và thường xuyên chịu lũ lớn như ở Huế thì việc sử dụng gỗ để làm các công trình ngoài trời là không phù hợp, dễ bị xuống cấp và hư hỏng.

Vết nứt lớn trên một tấm gỗ lát sàn đã được cố định. Ảnh: Lê Chung

Trước những ý kiến trái chiều này, BQL dự án từng cho hay quá trình thiết kế dự án các chuyên gia tư vấn đã quan tâm đến nghiên cứu, đề xuất các vật liệu sử dụng cho việc lát sàn của cầu đi bộ. Các loại vật liệu đã được tư vấn nghiên cứu kỹ dựa trên nhiều yếu tố như: thân thiện môi trường, cảnh quan; ít biến dạng, bền vững với thời gian; màu sắc hài hòa, góp phần tạo nét đặc trưng; kinh phí đầu tư…

BQL dự án cũng từng lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với phương án thiết kế dự án “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía bờ Nam sông Hương, thành phố Huế”. Trong đó, đối với nội dung lấy ý kiến về kết cấu, vật liệu tại bản vẽ chi tiết của sàn đi bộ và mô hình thực được trưng bày xin ý kiến, có thể hiện việc sử dụng gỗ lim để lát sàn, kết quả hoàn toàn đồng ý; đồng ý: 29/32 phiếu, tỷ lệ 90,62%.

Phối cảnh hạng mục cầu đi bộ lát gỗ lim ven sông Hương sau khi hoàn thiện.

Trên cơ sở này, các tư vấn đã có sự phân tích, so sánh đối với 4 loại vật liệu có thể dùng để lát sàn. Qua phân tích, so sánh các tư vấn chọn gỗ lim bởi ưu điểm loại gỗ này rất cứng, chắc, bền, không bị mối mọt, co ngót, biến dạng hay cong vênh theo thời tiết, bền vững theo thời gian đặc biệt ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm.

Gỗ lim thường dùng trong kiến trúc (làm cột, kèo, xà và các bộ phận cấu trúc trong các công trình), xây dựng công trình thủy lợi, cầu cống, đóng tàu thuyền, làm ván sàn, tà vẹt; màu sắc hài hòa, thân thiện môi trường, cảnh quan. Sử dụng gỗ Lim luôn duy trì được cảm giác thoải mái trong quá trình sử dụng và tạo nét mỹ quan về lâu dài và tạo nét đặc trưng và truyền thống của Huế.

Trước thông tin về việc xuất hiện các vết nứt ở sàn gỗ lim trên hạng mục công trình cầu đi bộ, ông Hoàng Hải Minh – Giám đốc Sở xây dựng Thừa Thiên – Huế, kiêm Trưởng BQL dự án cho biết sẽ chỉ đạo cán bộ dự án kiểm tra thực tế hiện trạng và cung cấp thông tin cho báo chí khi có kết quả.

Lê Chung

Lê Chung

NỔI BẬT TRANG CHỦ