Ngày 20/2, phát biểu thảo luận về Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nhấn mạnh: “Không nên khuyến khích nhập phế liệu, thứ đã bỏ đi, từ nước ngoài về”.

Nội dung được nhiều ĐB băn khoăn khi thảo luận là có nên cho phép nhập phế liệu về Việt Nam để tái chế theo quy định trong dự thảo Luật hay không.

“Thực tế thời gian qua, nhiều đơn vị đã tự nhập những loại phế liệu độc hại về nước, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, để trốn tránh trách nhiệm, họ đã bỏ trốn”. 

Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển

Báo cáo một số vấn đề lớn giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ môi trường Phan Xuân Dũng cho hay: Nhiều ý kiến ĐBQH đề nghị nghiên cứu, quy định rõ trong Luật nhóm phế liệu được phép nhập khẩu, quy định Chính phủ công bố danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài và từ doanh nghiệp chế xuất, doanh nghiệp trong các khu phi thuế quan vào nội địa.

Đồng thời, cần bổ sung quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu; nghiêm cấm việc mua bán phế liệu đã nhập khẩu vào trong nước. 

Có ý kiến đề nghị rà soát, bổ sung quy định chi tiết, cụ thể hơn về nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đồng thời cần có quy định chặt chẽ việc cấp giấy phép nhập khẩu phế liệu. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật quy định “phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất bao gồm: Kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa”.

Để làm rõ hơn nội dung này, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện khái niệm “phế liệu” để tránh lạm dụng nhập khẩu chất thải và nên quy định Chính phủ quy định cụ thể danh mục phế liệu được nhập khẩu.

Nhập rác thải rồi bỏ trốn

Lo ngại quy định của dự thảo Luật nói trên sẽ biến Việt Nam trở thành một bãi rác thải, lâu dài không chỉ ảnh hưởng mà còn hủy hoại môi trường sống trong lành, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển kiến nghị “không nên cho nhập phế liệu” bởi lợi bất cấp hại. 

“Phế liệu là cái đã bỏ đi rồi, trong đó có cả phế thải không tiêu hủy được, vậy ta còn nhập về làm gì? Các nước phát triển có trình độ khoa học công nghệ cao mà họ còn bỏ đi. Nếu không cân nhắc, quy định cụ thể, chúng ta sẽ thành bãi rác thải của người ta” - ông Hiển phân tích. 

Minh chứng thêm về băn khoăn của mình, ông Hiển cho biết “thực tế thời gian qua, nhiều đơn vị đã tự nhập những loại phế liệu độc hại về nước, khi bị cơ quan chức năng phát hiện, để trốn tránh trách nhiệm, họ đã bỏ trốn”.

Tuy vậy, khi phân tích các khía cạch lợi và hại của quy định cho nhập phế liệu, một số ý kiến tại UBTVQH cho rằng cần cân nhắc thêm. Theo Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, vấn đề cấm hay không còn phải căn cứ vào cam kết khi chúng ta gia nhập WTO. “Có thể chúng ta không khuyến khích việc nhập phế liệu, nhưng cần thông qua một hàng rào kỹ thuật” - ông Giàu nói. 

Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc lại cho rằng “việc nhập phế liệu rất khó cấm”, do nhu cầu sản xuất của các DN hiện nay. “Có những DN tái chế gỗ từ các thùng phế liệu nhập khẩu, việc này còn tác động tốt đến môi trường, vì nó góp phần hạn chế khai thác gỗ rừng tự nhiên. Nhiều DN đang sản xuất rất tốt từ tái chế nguồn phế liệu, nếu cấm hẳn sẽ không hợp lý” – Ông Phúc nhận xét.

Không đẻ thêm bộ máy

Một lo ngại khác từ Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển và Chủ nhiệm Phan Trung Lý, đó là dự Luật ra đời sẽ kéo theo gánh nặng cho ngân sách do phải thành lập các quỹ môi trường, chính sách miễn giảm thuế, nhất là tăng biên chế, đẻ thêm cán bộ môi trường, thanh tra môi trường. 

“Nếu mỗi xã đều thêm một biên chế về môi trường thì cả nước sẽ tăng lên không biết bao nhiêu người. Cần phải lấy ý kiến của Bộ Nội vụ vấn đề này xem có hợp lý hay không” - ông Lý lưu ý.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện dự thảo trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của UBTVQH; đồng thời rà soát lại tính thống nhất với các luật liên quan.

Dự kiến, dự luật này sẽ được đưa ra thảo luận, thông qua tại kỳ họp tới.

Theo Tiền phong