• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuỗi vi phạm trong hơn nửa thế kỷ của Trung Quốc

09/06/2014 15:56

Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm những quy định rất quan trọng trong hiến chương Liên Hợp Quốc.

Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm những quy định rất quan trọng trong hiến chương Liên Hợp Quốc.

Việc Trung Quốc ngang nhiên hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981, tàu quân sự, tàu công vụ vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam đã vi phạm Công ước Luật biển năm 1982 và Tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông.

Trao đổi với PV VOV, PGS. TS, Luật sư Nguyễn Bá Diến, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu Khoa học biển và Hải đảo, Chủ nhiệm Bộ môn Luật Quốc tế, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hàng hải Quốc tế cho biết, Việt Nam hoàn toàn có thể khởi kiện Trung Quốc ra các cơ quan tài phán quốc tế.

Chuỗi vi phạm trong hơn nửa thế kỷ của Trung Quốc

PV: Trước diễn biến Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan và đưa nhiều tàu, trong đó có cả tàu quân sự vào vùng biển nước ta, hành động này đã vi luật pháp quốc tế và vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc ra sao, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Phải nói rằng hành động hạ đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc hiện nay là nằm trong chuỗi các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế hết sức nghiêm trọng của Trung Quốc hơn nửa thế kỷ qua. Những hành động vừa qua và hiện nay của Trung Quốc trên Biển Đông là vi phạm những nguyên tắc cơ bản và quy phạm pháp lý quốc tế được quy định trong hàng loạt những văn bản pháp lý quốc tế hiện tại; đặc biệt là vi phạm hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ); vi phạm quy định của Công ước Luật biển 1982; các nguyên tắc lớn đã được đại hội đồng LHQ thông qua ngày 24/10/1970; những nguyên tắc, nội dung được ghi nhận trong tuyên bố DOC ký kết bởi nguyên thủ quốc gia các nước ASEAN và có cả Chủ tịch nước Trung Quốc lúc bấy giờ. Bản thân hành động này vi phạm những cam kết, thỏa thuận song phương được lãnh đạo 2 đảng Trung Quốc và Việt Nam ký kết.

Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm những quy định rất quan trọng trong Hiến chương LHQ, cụ thể là điều 1 quy định về mục tiêu, nhiệm vụ của LHQ cũng như các quốc gia thành viên. Trong đó, để đạt được mục tiêu gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế, LHQ và các quốc gia thành viên có nghĩa vụ áp dụng các biện pháp trong việc giải quyết tranh chấp, đặc biệt là giáp pháp hòa bình trong giải quyết tranh chấp quốc tế.

Điều 2 của Hiến chương cũng quy định 1 loạt các nguyên tắc lớn, trong đó có nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia, cấm dùng vũ lực đe dọa trong quan hệ quốc tế, giải pháp mọi tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình. Trung Quốc với hành động hiện nay trên biển Đông rõ ràng đã vi phạm những nguyên tắc lớn này của Hiến chương.

Tham vọng và yêu sách dựa trên luật của “kẻ mạnh”

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng đây là thời điểm thích hợp nhất để Việt Nam khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án quốc tế. Vậy quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Đến nay thì không còn lựa chọn nào khác cho Việt Nam ngoài việc dùng đến luật pháp quốc tế. Trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc, người dân Việt Nam gần như đã trở thành một khối đồng lòng cùng Đảng và Chính phủ quyết tâm giữ vững biển đảo bằng các biện pháp hòa bình. Điều dễ nhận thấy là một nước khổng lồ như Trung Quốc lâu nay lại từ chối đưa vụ việc tranh chấp Biển Đông ra các tổ chức quốc tế và cơ quan tài phán quốc tế. Sự thực là, đối chiếu với luật pháp quốc tế, Luật biển Việt Nam thì những hành động của Trung Quốc với chủ quyền lãnh thổ Việt Nam là phi pháp. Tham vọng và yêu sách của họ từ trước tới nay là phi lý, không dựa trên bất cứ căn cứ pháp lý nào, dường như là chỉ dựa trên luật của “kẻ mạnh”.

Với những vi phạm như đã nói ở trên, rõ ràng Trung Quốc yếu về mặt pháp lý, thậm chí không có bất kỳ một căn cứ pháp lý nào để biện minh cho hành vi và tham vọng của họ trên biển Đông. Chính vì thế, việc vi phạm luật pháp quốc tế là điểm yếu nhất của Trung Quốc.

Việt Nam có thể đưa những vụ việc vi phạm của Trung Quốc đối với chủ quyền lãnh thổ ra trước bất kỳ một cơ quan tổ chức quốc tế nào. Chúng ta có thể đưa vụ việc này ra trước Đại hội đồng LHQ, trước Hội đồng Bảo an và Ban thư ký Liên Hợp Quốc, … Chúng ta cũng có thể khởi kiện Trung Quốc ra trước bất kỳ cơ quan tài phán quốc tế nào, ví dụ như tòa án công lý quốc tế (ICJ). Mặc dù Trung Quốc hiện nay từ chối thẩm quyền của ICJ, nhưng Việt Nam có thể khởi kiện Trung Quốc với tư cách “thách kiện”.

Vì sao Trung Quốc từ chối đưa tranh chấp biển Đông ra cơ quan tài phán quốc tế?

PV: Ông có thể phân tích cơ hội, thách thức của chúng ta trong vụ kiện này, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Chúng ta khởi kiện Trung Quốc hay đưa vụ việc này ra trước tổ chức quốc tế nào đó, thuận lợi lớn nhất là chúng ta có các chứng cứ pháp lý quốc tế, luật pháp quốc tế từ Hiến chương đến Công ước Luật biển DOC, các thỏa thuận chung 2 nước cũng như quy phạm pháp lý quốc tế đều ủng hộ chúng ta và bác bỏ hành động của Trung Quốc.

Còn về mặt khó khăn, với Trung Quốc – một “người khổng lồ”, họ có nhiều lợi thế về chính trị, quân sự và kinh tế. Đương nhiên họ có thể dùng những yếu tố đó gây áp lực với chúng ta. Đó là những thách thức mà chúng ta phải tính toán.

PV: Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục như thế nào để khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Để khởi kiện Trung Quốc ra trước cơ quan tài phán quốc tế nào đó, rõ ràng phải có sự chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và chu đáo. Đây là một việc mang tính học thuật, hết sức căn bản. Các luật gia, luật sư, chuyên gia pháp lý quốc tế của Việt Nam và quốc tế sẽ có những phương án để chúng ta sử dụng công cụ pháp lý này như thế nào cho hiệu quả. Quy định, thủ tục, cách thức như thế nào, khởi kiện ở đâu, tại cơ quan tài phán nào cũng cần có tính toán, có sự chuẩn bị hết sức chu đáo từ lập luận cho đến nộp hồ sơ và quan trọng nhất là vấn đề nhân sự. Chúng ta phải có cơ quan chuyên trách, tập hợp những chuyên gia hàng đầu của đất nước trong lĩnh vực luật quốc tế và các lĩnh vực khác có liên quan để chúng ta chuẩn bị bộ hồ sơ và những căn cứ, cơ sở để thực hiện việc khởi kiện.

** Xin ông nói kỹ hơn về việc Việt Nam đã có những căn cứ pháp lý như thế nào trong việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép 981 tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Trước hết phải khẳng định 1 điều rằng, hầu như các hành vi của TQ trên biển Đông từ 1956 đến nay, bao gồm chiếm đóng Hoàng Sa, hạ đặt giàn khoan 981, hoàn toàn không có bất kỳ một căn cứ pháp lý quốc tế nào. Đấy là điểm yếu nhất của Trung Quốc. Do vậy, chúng ta có thể hiểu vì sao Trung Quốc từ chối đưa vụ tranh chấp Biển Đông ra bất kỳ cơ quan tài phán quốc tế nào.

Trung Quốc là 1 quốc gia 1,4 tỷ dân, là ủy viên thường trực hội đồng bảo an, có thẩm phán tại tòa án công lý quốc tế, tại tòa án luật biển,… có nhiều chuyên gia trong hầu hết các thiết chế tài phán cũng như tổ chức quốc tế; nhưng vì sao họ từ chối đưa tranh chấp Biển Đông ra cơ quan tài phán, rõ ràng vì họ phi lý, họ vi phạm pháp luật.

Chính phủ Việt Nam nên đứng ra khởi kiện

PV: Qua quá trình nghiên cứu của mình, cũng như thực tế hiện nay, theo ông, trong trường hợp của Việt Nam, ai sẽ là người đứng ra khởi kiện và chúng ta tiến hành quy trình khởi kiện như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Tôi nghĩ rằng cơ quan đứng ra khởi kiện tốt nhất là Chính phủ Việt Nam, hoặc là người, cơ quan được chính phủ Việt Nam ủy quyền.

Đối với quy trình thủ tục, thì cần có tư vấn, tham vấn, chuẩn bị của đội ngũ chuyên giá, đặc biệt là chuyên gia về luật quốc tế hàng đầu trong nước và có sự tham vấn của các chuyên gia nước ngoài.

PV: Trong khối ASEAN, Philippines cũng đã và đang tiến hành khởi kiện Trung Quốc theo hướng này, vậy Việt Nam có thể rút ra kinh nghiệm gì qua trường hợp của Philippines, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Việc Phillipine khởi kiện Trung Quốc trước tòa án trọng tài luật biển theo phụ lục 7 của Công ước luật biển 1982 là 1 bài học kinh nghiệm mà chúng ta cần và có thể học tập từ cách thức, quy trình, tiến hành và tổ chức nhân sự cho việc khởi kiện. Thậm chí, chúng ta có thể phối kết hợp với Philippines để đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc.

Phát biểu của Thủ tướng - lời hiệu triệu của non sông đất nước

PV: Như lời phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ở Hội nghị tại Philippines, “chúng ta không đánh đổi chủ quyền lấy hòa bình, hữu nghị viển vông”; có thể thấy Chính phủ ta rất kiên quyết đưa ra tòa án quốc tế. Ông có bình luận gì về lời phát biểu của Thủ tướng trong trường hợp này không?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Lời phát biểu của Thủ tướng là lời hiệu triệu của non sông đất nước, của ý Đảng lòng dân, của gần 100 triệu dân Việt Nam và cũng là lời biểu đạt của nhận thức của cộng đồng quốc tế. Lâu nay, chúng ta luôn muốn hòa bình, như lời chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng gần 70 năm qua trong quan hệ với quốc gia láng giềng này”. Tuy nhiên, trong tình cảnh này, chúng ta không còn đường lùi. Chúng ta đã thấy rằng, tất cả những gì Trung Quốc đưa ra là giả dối, họ không muốn hòa bình, hữu nghị thực chất.

Đến nay, một trong những công cụ mà chúng ta buộc phải sử dụng là sử dụng và cũng là một công cụ văn minh là cộng đồng quốc tế, thể chế tài phán quốc tế như công ước hiến chương LHQ, như công ước luật biển đã quy định.

Có thể đơn phương khởi kiện Trung Quốc

PV: Như PGS.TS vừa phân tích, vậy chúng ta có thể đơn phương kiện TQ hay không, và trong trường hợp này phán quyết của tòa có giá trị hay không?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Như tôi đã nói, chúng ta có quyền đơn phương khởi kiện; khi nào, lúc nào, bằng cách nào là quyền của chúng ta. Chúng ta có một niềm tin tất thắng vào chính nghĩa, đó là pháp lý quốc tế ủng hộ chúng ta, bởi chúng ta có căn cứ pháp lý quốc tế, chúng ta có bằng chứng lịch sử pháp lý chứng minh chủ quyền của chúng ta đối với Trường Sa, Hoàng Sa trên Biển Đông.

PV: Nếu chúng ta đưa ra tòa án quốc tế kiện Trung Quốc vi phạm Luật biển 1982 nhưng Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện này và vẫn cố tình hạ đặt giàn khoan, thì chúng ta phải làm gì tiếp, thưa ông?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Đương nhiên là nếu chúng ta khởi kiện Trung Quốc trước mỗi thể chế tài phán quốc tế, trong trường hợp chúng ta thắng kiện, việc Trung Quốc từ chối thực thi phán quyết của các thiết chế tài phán đó thì chúng ta phải căn cứ vào các quy trình tố tụng của từng thiết chế để buộc họ phải tuân thủ.

Tuy  nhiên, nếu như bất kỳ một tổ chức quốc tế nào mà tuyên xử, tuyên bố rằng Trung Quốc là phi lý, vi phạm luật pháp quốc tế, dù Trung Quốc không thực thi, với tư cách là một nước lớn, một thành viên của công ước luật biển, của LHQ, thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với con mắt của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc càng chứng tỏ là một quốc gia “không gương mẫu”, là một kẻ phi pháp dưới góc độ luật pháp quốc tế, dưới con mắt cộng đồng quốc tế.

Như vậy, Trung Quốc thất bại về mặt chính trị quốc tế. Như vậy, một khi Trung Quốc tự mình chứng tỏ mình là kẻ phi pháp trước cộng đồng quốc tế thì Trung Quốc sẽ gặp đối mặt với nguy cơ trong các mối quan hệ chính trị, kinh tế./.

** Độc giả Lục Văn (Bình Dương) có hỏi “Ai sẽ là thẩm phán của Tòa án quốc tế nếu xử vụ kiện của chúng ta, thưa ông”?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Nếu Trung Quốc chấp nhận vụ kiện, tham gia với tư cách là bị đơn thì theo quy định của Tòa án quốc tế, do Trung Quốc đã có một thẩm phán trong Tòa án quốc tế mà Việt Nam thì lại không có, nên theo luật quốc tế, chúng ta được phép cử một thẩm phán đại diện cho Việt Nam cùng các thành viên hội đồng khác từ 5-10 người tham gia.

** Độc giả Nguyễn Quang Tứ (Nghệ An) có hỏi: “Nếu Việt nam kiện TQ ra tòa án quốc tế, chúng ta chỉ buộc Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển VN hiện nay,  hay chúng ta đòi lại chủ quyền của quần đảo Hoàng Sa”?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Như chúng ta nhận thấy, việc hạ đặt giàn khoan 981 nằm trong âm mưu sâu xa của Trung Quốc là không chỉ chiếm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cách đảo Tri Tôn 18 hải lý, mà họ còn muốn thực hiện một âm mưu tương đối xa là hợp pháp hóa việc họ chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà họ đã dùng vũ lực đánh chiếm 2 lần là năm 1956 và năm 1974 trái phép.

Bởi vậy, trong lần này, chúng ta buộc họ rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam thì chúng ta đã làm được hai việc là một là ngăn chặn được âm mưu trước mắt là tiến rất sâu thềm lục địa của chúng ta, và việc thứ 2 là từng bước ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc là muốn chiếm quần đảo Hoàng Sa là của riêng họ.

Xa hơn nữa, chúng ta sẽ phá tan việc hiện thực hóa tham vọng đường lưỡi bò của Trung Quốc muốn chiếm 80% diện tích Biển Đông và xa hơn nữa là toàn bộ biển Đông. Đó là những gì chúng ta muốn làm được.

** Thưa ông, hành động xâm chiếm Hoàng Sa, hạ đặt giàn khoan trái phép của Trung Quốc có thể coi là cướp biển không?

PGS. TS Nguyễn Bá Diến: Trong công ước luật biển thì là không đúng. Tuy nhiên, theo một nghĩa nào đó, chúng ta có thể coi đó là một biểu hiện của hành động xâm phạm, xâm lược. Riêng việc dùng vũ lực đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, lãnh thổ không thể tách rời của VN năm 1956, 1974 là hành động xâm lược.

Còn hành động hạ đặt giàn khoan là để hợp pháp hóa hành động xâm lược của họ đối với Hoàng Sa.

(Nguồn: VOV)

NỔI BẬT TRANG CHỦ