• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyên gia an ninh mạng: Có thể khoanh vùng được đối tượng phát tán thông tin độc, xấu

Thời sự 29/08/2017 09:40

(Tổ Quốc) - “Với hơn 40 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, có 500 triệu bài viết, ở Việt Nam cũng có vài chục triệu bài viết. Về mặt kỹ thuật, các đơn vị chức năng hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật để hỗ trợ phần nào.”

Ông Bùi Quang Minh, Giám đốc điều hành của SecurityBox- chuyên gia có hơn 10 năm kinh nghiệm nghiên cứu, phát triển và triển khai các giải pháp an ninh mạng cho biết như vậy tại buổi Toạ đàm trực tuyến "Giải pháp phòng ngừa và đấu tranh với thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội hiện nay" do Báo Điện tử Tổ Quốc tổ chức ngày 26/8.

Ông Bùi Quang Minh chia sẻ giải pháp ngăn chặn thông tin độc, xấu trên mạng.

Thời điểm này trên không gian mạng dồn dập tung tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; đặc biệt là tập trung vào vu cáo, bịa đặt, bôi nhọ hình ảnh các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Đây là một thủ đoạn của cả một âm mưu chiến lược.

Chia sẻ giải pháp ngăn chặn những âm mưu này, ông Bùi Quang Minh cho biết, với hơn 40 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, có 500 triệu bài viết, ở Việt Nam cũng có vài chục triệu bài viết - về mặt kỹ thuật, các đơn vị chức năng hoàn toàn có thể sử dụng ứng dụng khoa học kỹ thuật để hỗ trợ phần nào. 

Theo ông Minh, về kỹ thuật có 3 bước để thực hiện. Trong đó, bước 1 là phát hiện sớm thông tin trước khi bùng nổ và vượt quá tầm kiểm soát.

“Facebook, Google có thể hỗ trợ gỡ bỏ được 1000-2000 bài viết nhưng khi nó lên đến 1 triệu, vài triệu rồi thì có gỡ bỏ được không? Nếu không có phát hiện sớm thì rất khó.

Hiện các ứng dụng công nghệ đã có hỗ trợ phát hiện sớm, ví như khái niệm “Lắng nghe mạng xã hội”, tên tiếng anh là Social listening hay là Social Monitoring. Các công cụ này giúp các cơ quan chức năng phát hiện thông tin theo từ khóa để biết được thông tin nào đó theo chủ đề và phát hiện sớm nhất. Từ đó, ngoài phát hiện sớm chúng ta có kế hoạch khoanh vùng được đối tượng phát tán thông tin”, chuyên gia này cho hay.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, phải phân biệt được tin tức tốt – xấu. Và để ngăn chặn thì cần phải có sự phối hợp giữa các công ty internet và các cơ quan chức năng.

“Làm thế nào để phân biệt tin tức tốt xấu? Đây là điều khó bởi khối lượng thông tin nhiều, con người khó thể làm nổi do vậy cần sử dụng trí tuệ nhân tạo để lọc và xử lý, định hướng thông tin.

Ngoài ra, để ngăn chặn thì cần phải có sự phối hợp giữa các công ty internet và các cơ quan chức năng”, ông Minh đưa ra các giải pháp bằng kinh nghiệm của một chuyên gia từng được Google trao thưởng do phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng của Google Chrome.

Cũng chia sẻ kinh nghiệm về giải pháp trong cuộc chiến chống thông tin độc, xấu, bôi nhọ trên không gian mạng, ông Lê Xuân Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho rằng, việc tiến hành điều tra, làm rõ 1 vụ án là trách nhiệm, là yêu cầu công tác hàng ngày của lực lượng hành pháp. Tuy nhiên, cần có giải pháp tổng thể để đảm bảo hệ thống mạng quốc gia.

Ông Lê Xuân Minh cho biết, Bộ Công an đã có đề xuất Chiến lược đảm bảo an ninh, an toàn mạng.

Theo ông Minh, Bộ Công an đã có đề xuất đảm bảo an ninh mạng quốc gia, trong đó, có đề xuất Chiến lược đảm bảo an ninh, an toàn mạng. Chiến lược này bao gồm những nội dung như: Người sử dụng mạng internet cần bổ sung kiến thức gì để khi tham gia môi trường mạng? Việc cơ quan quản lý nhà nước phải xây dựng chính sách, chuẩn an toàn thông tin mạng quốc gia. Xây dựng quy định cụ thể để doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia trên lãnh thổ Việt Nam được tạo điều kiện hoạt động, thúc đẩy phát triển và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, yêu cầu doanh nghiệp nội dung số không biên giới đặt máy chủ tại nước sở tại để thông tin về người sử dụng được lưu giữ ở trên lãnh thổ quốc gia…Tất cả các yếu tố đó nhằm đảm bảo tổng hòa chiến lược an ninh mạng, đảm bảo các cá nhân và doanh nghiệp tham gia đều được hỗ trợ và đảm bảo quyền lợi.

“Chiến lược tổng hòa nhiều hợp phần, như một hệ sinh thái, đảm bảo hệ thống mạng quốc gia đảm bảo an ninh mạng tránh những cuộc “chiến tranh” đã hiện hữu trên mạng”, ông Lê Xuân Minh cho hay.

Đại diện Bộ Công an cho biết thêm, thời gian qua, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã trao đổi, phối hợp với Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử của Bộ Thông tin Truyền thông.

Cục Quản lý Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử đã khởi đầu rất hiệu quả bằng việc yêu cầu Google gỡ hơn 1.200 đoạn clip và hơn 100 tài khoản có nội dung xấu.  Chắc chắn, trong thời gian tới, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước về internet với nhau chặt chẽ thì việc đấu tranh với thông tin xấu, độc hại trên internet, mạng xã hội sẽ đảm bảo hơn./.

Hà Giang

 

 

 

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ