Chuyên gia vén màn kịch bản Mỹ lập gọng kìm bao vây Nga: Hiểm độc kế hoạch số 2

Bảo Lam | 21-09-2020 - 07:16 AM

(Tổ Quốc) - "Nếu thứ vũ khí này chỉ ở cách chúng ta [Nga] 150-200km thì có nguy cơ sẽ xảy ra một biến cố khơi mào chiến tranh cổ điển" - Giáo sư Sergei Sudakov nhận định.

Theo trang tin svpressa.ru, trong tháng 9, lữ đoàn pháo binh của Mỹ đã tiến hành bắn đạn thật tại thao trường Trung tâm của Các lực lượng phòng vệ Estonia. Trong thời gian diễn ra cuộc tập trận chung Mỹ-Estonia, các binh lính đã thử nghiệm hệ thống pháo phản lực bắn loạt mới.

Trước đó, Đại sứ quán Nga ở Mỹ đã gọi cuộc tập trận này [diễn ra cách biên giới Nga khoảng 110km] là động thái khiêu khích và vô cùng nguy hiểm đối với sự ổn định của khu vực.

Trong khi đó, phía Mỹ khẳng định rằng những cuộc bắn thử không nhắm đến một quốc gia cụ thể nào. Theo trang điện tử Inosmi, đại diện của Lữ đoàn pháo binh chiến trường số 41, thiếu tá Joseph Bush tuyên bố rằng Mỹ thậm chí không cần công khai việc tổ chức những cuộc tập trận này, vì quy mô không đáng kể nhưng họ vẫn làm thế để thể hiện sự minh bạch.

Bình luận về sự kiện trên, chuyên gia phân tích chính trị và nghiên cứu nước Mỹ - Giáo sư Học viện khoa học quân sự Sergei Sudakov (Nga) cho rằng, tập thể các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ, đang dùng mọi cách để "dọa nạt" Nga.

"Tại biên giới giáp với Nga, các hành động khiêu khích đang được 'trình diễn', bao gồm các cuộc tập trận, những chuyến bay khiêu khích vi phạm không phận Nga một cách thường xuyên" - ông Sudakov nói.

Cũng theo vị chuyên gia, hiện giờ phương Tây dường như đang tiến hành một kế hoạch tập thể nào đó để có thể thường xuyên kiềm tỏa Nga.

Các quốc gia vùng Baltic hoàn toàn phụ thuộc vào ý muốn của "ông anh cả" [tức là Mỹ], họ không thể thực hiện chính sách độc lập của mình và nói rằng "chúng tôi không cần điều này, chúng tôi thấy không có lợi". Ngược lại, họ phải cố gắng giành được điểm trước "ông anh cả" và hành động giống như ông anh đó.

Một kịch bản nguy hiểm hơn tập trận, đó là Mỹ và đồng minh có thể thiết lập các căn cứ quân sự ngay gần biên giới Nga. Khi đó, thời gian vươn tới lãnh thổ Nga sẽ giảm nhiều, có thể chỉ mất vài phút.

Với việc rút khỏi Hiệp ước INF, Mỹ hiện đang tiến hành nâng cấp lực lượng hạt nhân của mình. Ông Sudakov cho rằng ngoài mong muốn cải tiến lực lượng hạt nhân, Mỹ còn muốn Nga bị bao vây bởi các căn cứ không chỉ chứa bom chùm, vũ khí với đương lượng nổ lớn, mà còn cả vũ khí hạt nhân.

"Nếu giờ đây diễn ra hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân tại các quốc gia Baltic thì điều đó cũng đồng nghĩa vũ khí hạt nhân đã được triển khai trên lãnh thổ các nước này, và rồi một loạt thỏa thuận sẽ bị hủy bỏ. Chúng ta cũng cần phải hiểu rằng, nếu thứ vũ khí này chỉ ở cách chúng ta 150-200km thì có nguy cơ sẽ xảy ra một biến cố khơi mào chiến tranh cổ điển.

Tôi cho là chúng ta phải bảo vệ lập trường, rằng chúng ta không cho phép những thứ nguy hiểm tiếp cận biên giới của chúng ta, bởi điều đó có thể chính là một tình huống chiến tranh" - Ông Sudakov nêu giả thuyết.

"Điều duy nhất hiện giờ Nga có thể làm để ngăn chặn việc này là quy ước trong học thuyết rằng, nếu các nước láng giềng của Nga cho phép triển khai vũ khí hạt nhân của nước khác tại biên giới, thì khi xảy ra chiến tranh, những cơ sở này sẽ bị tiêu diệt.

Nếu chúng ta làm như vậy, tôi cho rằng những cái đầu nóng, mà hiện nay đang rất hân hoan với việc có thể giơ nắm đấm với Nga, sẽ khó có thể thực hiện mục đích của họ" - ông Sudakov nói.

Trong khi đó, chuyên gia quân sự Andrei Koshkin - Tổ trưởng Bộ môn Chính trị học và Xã hội học Đại học Kinh tế Nga mang tên Plekhanov - cho rằng những cuộc tập trận khiêu khích của phương Tây phần nhiều làm tình hình căng thẳng.

"Cuộc tập trận mới đây ở Estonia khá nguy hiểm, xét về khía cạnh kỹ thuật. Vấn đề nằm chỗ, các đợt bắn hệ thống pháo phản lực phóng loạt có thể xảy ra sai sót và dẫn tới bi kịch" - Ông Koshkin nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia, những hành động khiêu khích tương tự có thể dẫn tới các cuộc đụng độ quân sự thực sự.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM