• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Chuyện vay vốn ngân hàng: DN khó tiếp cận vốn vì thiếu minh bạch trong thu chi

Kinh tế 09/05/2020 07:00

(Tổ Quốc) - Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, startup thường không minh bạch trong thu chi, báo cáo tài chính nên khó tiếp cận nguồn vốn từ nhà băng. Bên cạnh đó, không nên coi startup là "đứa con tinh thần", nếu không hiệu quả thì hãy "bỏ đi làm lại".

Dịch Covid-19 là đòn giáng mạnh tới hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và startup. Một trong những khó khăn lớn của nhóm đối tượng này là vốn mỏng, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn lưu động thu từ khách hàng, "tháng nào xào tháng ấy", thậm chí luôn trong tình trạng "chạy chợ".

Dù các gói cứu trợ tín dụng trị giá hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được Chính phủ đưa ra nhưng việc tiếp cận với nguồn vốn này vẫn còn rất gian nan. Vấn đề này một lần nữa được đưa ra bàn luận trong tọa đàm trực tuyến "Gỡ khó dòng tiền cho doanh nghiệp thời khủng hoảng".

Doanh nghiệp nhỏ khó vay vốn do đâu?

Theo ông Lâm Minh Chánh, Chủ tịch Trường QTKD BizUni, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do doanh nghiệp chưa biết cách tạo mối quan hệ với ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn vay. Đồng thời, chưa minh bạch về thu chi, hóa đơn sổ sách, báo cáo tài chính nên khó nhận được cái "gật đầu" từ nhà băng.

"Các doanh nghiệp SMEs thường tận dụng hết tiền bạc, của cải của gia đình để kinh doanh. Trong khi đó, không có tín dụng ngân hàng là thua!"

Chuyện vay vốn ngân hàng: DN khó tiếp cận vì thiếu minh bạch, nên tận dụng “lương khô” trước, không hiệu quả thì dẹp đi làm lại! - Ảnh 1.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Bửu Sơn, người có nhiều năm kinh nghiệm làm việc và tư vấn cấp cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng đồng tình: "Trong lúc kinh doanh đóng băng, doanh thu không có, lương công nhân không trả, vậy doanh nghiêp đi vay vốn về để làm gì? Đừng nói đi vay vốn về để tiêu dùng. Với mục tiêu như vậy thì tôi chắc là không ngân hàng nào cho vay hết.

Trong tình huống này, phải đặt ngược lại câu hỏi rằng tại sao các bạn lại phải đi huy động vốn? Huy động vốn có nghĩa là vay nợ, mà vay là phải trả, muốn trả phải kinh doanh có hiệu quả, ít nhất không để mất vốn. Thế nên cũng không thể trách nếu các ngân hàng dè dặt."

Do vậy, doanh nghiệp nên minh bạch hóa các hoạt động và báo cáo tài chính của mình bởi suy cho cùng, ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, cũng phải chấp hành những quy định quản lý của nhà nước và đảm bảo quyền lợi của cổ đông.

Doanh nghiệp nhỏ nên tìm vốn từ đâu?

Ông Đặng Văn Thành - Chủ tịch Tập đoàn TTC, cho rằng nhóm startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận nguồn vốn từ các quỹ mạo hiểm. Ở một số nước, có rất nhiều hợp tác xã tín dụng hay quỹ giúp doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn vốn phù hợp. Đây là điều mà Việt Nam nên học tập.

Chuyện vay vốn ngân hàng: DN khó tiếp cận vì thiếu minh bạch, nên tận dụng “lương khô” trước, không hiệu quả thì dẹp đi làm lại! - Ảnh 2.

Đặc biệt, trong cuộc chiến với Covid-19, với khủng hoảng, doanh nghiệp nên tận dụng nguồn "lương khô" của mình trước tiên.

"Trước kia làm ăn được, các bạn có tiền tích lũy, có tiền mua tài sản thì bây giờ đem ra dùng tạm. Không ai cứu được mình bằng chính mình cả. Đó chính là "lương khô" của doanh nghiệp. Bên cạnh đó vẫn cần tối ưu, tiết giảm các chi phí", Chủ tịch Công ty Tư vấn và Giáo dục John&Partners - Ngô Công Trường gợi ý.

Đừng coi startup là "đứa con tinh thần"

Tuy nhiên, anh Trường cũng nhắc lại lời khuyên phũ phàng từ giới startup tại Thung lũng Silicon: "Hãy nhìn startup là một doanh nghiệp. Các bạn khởi nghiệp ở Việt Nam thường coi startup như đứa con tinh thần. Nhưng đã coi là con thì chúng ta rất khó lòng bỏ.

Nếu quá thương "đứa con tinh thần" thì có thể cố gắng 6 tháng nữa, không được thì dẹp nó đi. Không thì 3 tháng nữa, mà nếu được thì dẹp ngay."

Trong bối cảnh khủng hoảng như hiện nay, doanh nghiệp dù lớn hay nhỏ cũng đều phải bắt đầu lại từ con số 0.

"Chưa chắc việc duy trì đã giúp doanh nghiệp tốt lên. Các startup, SMEs trước giờ đều thử và sai nhiều. Các bạn nên rút ra bài học và mạnh dạn dẹp đi, bắt đầu lại một mô hình tốt hơn", lời khuyên dù phũ phàng nhưng rất sòng phẳng và thực tế.

T.D

NỔI BẬT TRANG CHỦ