• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cơ hội nào cho Tổng thống Trump trước thềm điều trần công khai?

Thế giới 13/11/2019 11:55

(Tổ Quốc) - Người dân Mỹ và thế giới sẽ có cơ hội trực tiếp theo dõi tiến trình luận tội Tổng thống Donald Trump từ sáng thứ tư (13/11).

Khi buổi điều trần của Hạ viện Mỹ bắt đầu vào sáng ngày 13/11 (giờ địa phương), người dân Mỹ và toàn thế giới sẽ có cơ hội lần đầu tiên được chứng kiến và lắng nghe về những gì Tổng thống Donald Trump từng làm với Ukraine, đồng thời tự mình đánh giá, liệu các hành động đó có đáng bị luận tội hay không.

Tất cả đều được phát sóng trên tivi. Lãnh đạo các ủy ban sẽ "dàn sân khấu" cho sự xuất hiện của những nhân vật chính: hai nhà ngoại giao, William Taylor – đại biện của Mỹ tại Ukraine và George Kent – Phó trợ lý ngoại trưởng tại Washington. Cả ông Taylor và Kent sẽ đưa ra những tình tiết liên quan tới lời cáo buộc Tổng thống Trump sử dụng chính sách đối ngoại cho các lợi ích cá nhân và chính trị trước thềm bầu cử 2020.

Cơ hội nào cho Tổng thống Trump trước thềm điều trần công khai? - Ảnh 1.

Đại biện Mỹ tại Ukraine William Taylor (ảnh: AP)

Cơ hội nào cho Tổng thống Trump trước thềm điều trần công khai? - Ảnh 2.

Phó trợ lý ngoại trưởng George Kent (ảnh: AP)

Cho tới nay, dư luận Mỹ đang bị chia rẽ. Cho dù quá trình luận tội có kết thúc một sự nghiệp tổng thống hoặc giúp bảo toàn chiếc ghế của ông Trump hay không, chắc chắn rằng nhiệm kỳ đầy hỗn loạn của ông rốt cuộc đã đi tới một thời điểm mà ông không còn có thể kiểm soát hay ép buộc hệ thống kiểm tra và cân bằng lẫn nhau của chính phủ Mỹ.

Chưa bao giờ nước Mỹ phải đối mặt với một cuộc điều tra luận tội công khai trong bối cảnh lên ngôi của mạng xã hội và bình luận trực tiếp (bao gồm cả những phát biểu từ chính Tổng thống) như hiện tại.

"Hoàn toàn là luận tội lừa đảo", ông Trump viết trong một cập nhật trên Twitter.

Giới sử gia cho rằng, các cuộc luận tội hiếm khi xảy ra. Con đường này đem tới những nguy cơ cho cả hai đảng trước thềm cuộc bầu cử năm sau.

Ông Trump gọi cuộc luận tội là "săn tìm phù thủy". Đảng Cộng hòa nói Đảng Dân chủ đã tìm cách đánh bật Tổng thống Trump kể từ ngày đầu tiên ông nhậm chức, bắt đầu với cuộc điều tra của cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc Nga giúp ông Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.

Ban đầu, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi không muốn chính thức khởi xướng điều tra luận tội. Khi Đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện hồi tháng 1, bà Pelosi nói, luận tội sẽ khiến đất nước "chia rẽ" và ông Trump đơn giản "là không đáng để làm vậy".

Sau khi ông Mueller xuất hiện tại Đồi Capitol tuyên bố kết thúc cuộc điều tra Nga hồi tháng 7, cánh cửa luận tội dường như đã đóng kín. Tuy nhiên, ngay sau đó, Tổng thống Trump lại có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky.

Trong suốt tháng qua, một loạt các nhân chứng đã thay nhau cung cấp lời khai về nội dung cuộc gọi cũng như những nguy cơ mà nó có thể đem lại cho an ninh và ngoại giao Mỹ.

Một lá đơn tố giác nặc danh đã được gửi tới Hạ viện và Ủy ban Tình báo Thượng viện trong đó viết: "Tôi nhận được thông tin từ nhiều quan chức chính phủ Mỹ rằng, Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đang sử dụng quyền lực để yêu cầu sự can thiệp từ nước ngoài trong cuộc bầu cử 2020".

Ông Trump khẳng định, cuộc điện đàm là "hoàn hảo". Nhà Trắng công bố biên bản ghi chép nội dung và bà Pelosi mở cuộc điều tra.

"Tổng thống đã có cơ hội để chứng minh sự trong sạch của mình", bà Pelosi nói hôm thứ ba (12/11).

Theo các nhân chứng, quyền chánh văn phòng của Tổng thống Mỹ, Mick Mulvaney đã giữ lại khoản viện trợ quân sự của Mỹ dành cho Ukraine cho tới khi Kiev tiến hành cuộc điều tra mà ông Trump muốn nhằm vào đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử 2016, cũng như đối thủ tiềm tàng của ông trong cuộc bầu cử 2020 – Joe Biden và con trai Hunter Biden.

Ông Taylor gọi tất cả điều trên là chính sách đối ngoại "bất thường" bên ngoài các kênh thông thường, được dẫn đắt bởi luật sư riêng của Tổng thống Trump, Rudy Giuliani. Nhà ngoại giao lâu năm tại Ukraine cho hay, việc ông Trump rút viện trợ quân sự cho đồng minh Đông Âu vì cuộc điều tra chính trị trong khi các lực lượng Nga đang dõi theo tại biên giới Ukraine – là một điều "điên rồ".

Còn ông Kent nhấn mạnh với các nhà điều tra rằng, có 3 điều mà Tổng thống Trump muốn từ Ukraine: "Điều tra, Biden và Clinton".

Hôm thứ sáu (15/11), công chúng Mỹ dự kiến sẽ nghe điều trần của Marie Yovanovitch, cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine. Bà Yovanovitch tiết lộ bà từng bị cảnh báo là phải biết "tự bảo vệ bản thân mình".

Tuần sau, sẽ có thêm 8 nhân chứng nữa tham gia điều trần công khai.

Đảng Cộng hòa, do Nghị sỹ Devin Nunes – một đồng minh lâu năm của ông Trump dẫn đầu, sẽ đưa ra luận điểm rằng, không ai trong số các nhân chứng trên từng trực tiếp nắm thông tin về các hành động của Tổng thống. Họ cũng sẽ khẳng định, Ukraine chưa từng cảm thấy sức ép và thực sự đã nhận được viện trợ vào tháng 9.

Tuy nhiên, dường như Đảng Cộng hòa đang gặp khó khăn khi tìm kiếm sự thống nhất cùng bảo vệ cho ông Trump. Thay vào đó, họ thường tập trung chỉ trích quá trình luận tội.

Một số đảng viên Cộng hòa đồng ý với một nhận định không đồng nhất với các thông tin tình báo của Tổng thống Trump rằng, Ukraine có can thiệp vào bầu cử Mỹ 2016. Họ muốn có lời điều trần từ Hunter Biden – người từng nằm trong hội đồng quản trị một công ty khí đốt Ukraine khi cha ông, cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden còn đương chức. Đồng thời, họ cũng tìm cách đưa chủ nhân còn đang giấu danh tính của lá đơn tố giác – ra ánh sáng bất chấp sự phản đối của Đảng Dân chủ.

Theo kế hoạch, Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát sẽ tiến hành bỏ phiếu trước Giáng sinh. Sau đó, Thượng viện với phe Cộng hòa chiếm đa số sẽ mở phiên tòa vào đầu năm sau.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ