"Cô ơi, cô không đánh con hả cô?": Đoạn hội thoại giữa học sinh và 1 cô giáo "lạm quyền" khiến nhiều người giật mình thon thót

(Tổ Quốc) - "Đó là một học trò thông minh, nhận thức nhanh, thích học, biết lắng nghe và rất đỗi đáng yêu. Nhưng hôm nay là lần thứ 2 mình nghe thấy câu hỏi đó từ cô bé...".

* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không thuộc về tòa soạn. 

Đoàn Phạm Hà Trang, hiện là giáo viên mầm non sống tại Sydney, Úc. Cô là mẹ của 2 bé trai Subi và Subo.

Hà Trang được biết đến với nhiều bài viết chia sẻ về các phương pháp nuôi dạy con hữu ích. (Độc giả có thể đọc thêm các bài viết thú vị của Đoàn Phạm Hà Trang TẠI ĐÂY).

Mới đây, Hà Trang kể lại câu chuyện về cô học trò nhỏ 4 tuổi, người Việt, của mình. Cô bé dường như bị ăn vào tâm thức rằng khi làm sai ắt hẳn sẽ bị đánh phạt. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều đứa trẻ khác. Theo Hà Trang, lý do là vì bố mẹ Việt truyền thống và thậm chí là không ít bố mẹ Việt hiện đại bây giờ vẫn cho rằng, đòn roi sẽ làm nên một con người. 

"Cô ơi, cô không đánh con hả cô?": Đoạn hội thoại giữa học sinh và 1 cô giáo "lạm quyền" khiến nhiều người giật mình thon thót - Ảnh 1.

Đoàn Phạm Hà Trang, là giáo viên mầm non sống tại Sydney, Úc.

Chúng tôi xin chia sẻ lại nội dung câu chuyện qua bài viết của Hà Trang như sau:

- Học trò: “Cô ơi, con làm sai, cô không la, không đánh con hả cô?"

Đó là một học trò thông minh, nhận thức nhanh, thích học, biết lắng nghe và rất đỗi đáng yêu. Nhưng hôm nay là lần thứ 2 mình nghe thấy câu hỏi đó từ cô bé. 

Mình hiểu được vấn đề của em và cũng thoáng qua hiểu được điều gì đang diễn ra trong gia đình em. Hai lần ấy mình đều trả lời lại cô học trò nhỏ mới 4 tuổi: “Cô không bao giờ la hay đánh con. Cô cũng không được phép la hay đánh con. Không ai được phép đánh con cả, con nhớ nhé! Kể cả khi con làm sai”. Và mình hiểu, mình cần nói chuyện với mẹ của học trò sau buổi học.

Điều gì đang diễn ra trong đầu đứa trẻ 4 tuổi ấy?

Một đứa bé 4 tuổi đã quen với việc bị đánh. Điều đáng sợ nhất là đòn roi đã được một đứa trẻ hợp thức hóa. Đứa trẻ ấy sẽ lớn lên và chấp nhận việc bị đánh một cách hiển nhiên, rất đỗi bình thường. Như việc sống cần ăn, ngủ và uống nước vậy. Và rằng, ai cũng được quyền đánh mắng con khi con sai.

Mỗi bạn nhỏ đến với mình, mình luôn cố gắng truyền tải đến các con thông điệp: Các con đặc biệt, các con đáng yêu, các con đều lấp lánh theo cách riêng của mình. Vì vậy, các con luôn phải biết yêu và tự hào về bản thân, luôn phải nhìn thấy giá trị của mình và luôn biết tự bảo về mình.

Hôm nay, chưa được sự đồng ý của bố mẹ em, mình đã “can thiệp” vào việc riêng của gia đình, dạy em bảo vệ chính em, dù cho đứng trước em có là bố mẹ. Và bất kỳ lý do nào cũng không thể là lời bào chữa hợp lý cho hành động xâm phạm thân thể em.

Mình đã hỏi mẹ của bé:“Con nhìn nhận đòn roi là được phép khi con làm sai thì một ngày nào đó khi con có bạn trai, có chồng, mẹ X nghĩ sao nếu con gái chấp nhận việc bị bạn trai và chồng đánh như một lẽ đương nhiên?”.

Bạn biết không? Con vẫn thương chúng ta, yêu chúng ta và thậm chí tìm lý do biện minh cho chúng ta, ngay cả khi chúng ta làm con đau nhất. “Vì bố mẹ thương con, nên bố mẹ mới làm như vậy”. “Không có những trận đòn roi ngày ấy, không có con nên người bây giờ”. Vậy đấy, những đứa trẻ luôn có xu hướng bao biện và bảo vệ bố mẹ một cách vô điều kiện.

"Cô ơi, cô không đánh con hả cô?": Đoạn hội thoại giữa học sinh và 1 cô giáo "lạm quyền" khiến nhiều người giật mình thon thót - Ảnh 2.

Mình biết, áp lực cuộc sống, mong mỏi của bố mẹ đặt lên con, cả cái tính nết thất thường của một đứa trẻ,… tất cả đôi khi làm chúng ta mất kiểm soát. Nhưng, có những ranh giới, nhất định không được vượt qua. Bởi khi đã bước qua lằn ranh ấy rồi, chúng ta rồi sẽ còn trượt thêm vài đôi lần, hoặc là thành quen trượt dài trên đó.

Bố mẹ Việt truyền thống và thậm chí là không ít bố mẹ Việt hiện đại bây giờ vẫn cho rằng, đòn roi sẽ làm nên một con người. "Chuyện tôi dạy con thế nào là chuyện riêng của gia đình tôi”. Vậy nên, mới có những người lớn sẵn sàng để người khác giày xéo: trong gia đình, đến trường học, vào công sở và thậm chí khi đã là công dân ở một đất nước khác.

Ở Úc, nuôi con là trách nhiệm và quyền lợi của bố mẹ. Nhưng khi bố mẹ đã xâm phạm vào cơ thể con, thì đó không còn trong thẩm quyền nuôi con nữa. Đó là động chạm đến quyền con người. Một đứa trẻ có thể cáo buộc bố mẹ mình vì tội bạo hành. Khi ấy không phải là bất hiếu, chỉ đơn giản con cũng là một con người, con phải bảo vệ chính mình.

Trong đôi mắt của cô bé 4 tuổi luôn toát lên ánh mắt lấp lánh mỗi khi nhìn bố mẹ. Mình tin là con yêu bố, yêu mẹ hơn bất kỳ ai và bất kỳ điều gì trên đời này.

Người mẹ hôm nay đã nói với mình: “Mình thấy chuyện đòn roi như là vũ khí duy nhất của những người thất bại”. Mong rằng, mỗi khi cha mẹ định làm người thất bại, đủ kịp dừng lại đôi giây nhìn sâu vào mắt bọn trẻ, chỉ để cảm nhận chúng tin, yêu chúng ta đến thế nào. Cha mẹ là cả thế giới an toàn của bọn trẻ.

Mình sẽ còn tiếp tục dạy bọn trẻ biết yêu bản thân. Và mình sẽ không ngừng “lạm quyền” tác động đến phụ huynh của mình.

Những đứa trẻ của mình sẽ chỉ được yêu đúng nghĩa của yêu thôi!

Nếu bạn có ý kiến khác về cách giáo dục, dạy dỗ trẻ, hãy gửi bài viết cho chúng tôi theo địa chỉ: giaoduc@afamily.vn hoặc nhắn tin cho fanpage tại đây.

Chúng tôi luôn hoan nghênh các ý kiến của quý độc giả.

"Cô ơi, con làm sai, cô không quýnh con hả cô?": Câu chuyện về 1 cô giáo "lạm quyền"   - Ảnh 1.

Hà Trang

Tin mới