• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Cổ phần hóa Hãng phim truyện VN: Nhà đầu tư cam kết kinh doanh điện ảnh

Văn hoá 25/04/2016 15:34

(Tổ Quốc)- Việc Tổng công ty Vận tải đường thủy mua 65% cổ phiếu của VFS đã gây nhiều băn khoăn trong dư luận

(Tổ Quốc)- Việc Tổng công ty vận tải đường thủy mua 65% cổ phiếu của Hãng phim truyện Việt Nam đã gây nhiều băn khoăn. Vì thương hiệu “anh cả đỏ” của ngành điện ảnh Việt một thời không còn nữa, nhưng cũng vì, liệu một đơn vị không liên quan đến điện ảnh có phát triển điện ảnh của hãng?

Ông Trần Hoàng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, thành viên Ban Đổi mới và phát triển Doanh nghiệp Bộ VHTTDL đã góp phần giải đáp những băn khoăn của chúng tôi.



Ông Hoàng cho biết, Nhà đầu tư chiến lược đã cam kết và đưa vào Điều lệ hoạt động của Công ty Cổ phần là vẫn tiếp tục phát triển kinh doanh điện ảnh (sử dụng một phần vốn tối thiểu (bằng 20%) vốn đầu tư của chủ sở hữu công ty cổ phần và cam kết khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất do Công ty hiện đang quản lý, sử dụng cho lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh).



VFS- thương hiệu “anh cả đỏ” của ngành điện ảnh Việt một thời không còn nữa (ảnh cafebiz.vn)

Bộ giữ 20% cổ phần

Theo chỉ đạo của Chính phủ về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2011-2015, Bộ VHTTDL đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước tiến hành sắp xếp, cổ phần hoá trong giai đoạn 2011-2015 theo đúng các quy định hiện hành. Trong đó, giai đoạn 2011-2014, Bộ VHTTDL tiến hành cổ phần hoá được 01 doanh nghiệp (Hãng Phim Truyện 1), còn các doanh nghiệp nhà nước khác do nhiều nguyên nhân nên chưa thực hiện cổ phần hoá được. Trong giai đoạn 2014- 2015, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, các Hãng sản xuất phim trực thuộc Bộ VHTTDL đều được tiến hành cổ phần hoá như Hãng Phim Giải phóng, Hãng Phim Hoạt hình Việt Nam, riêng Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương có tính đặc thù làm nhiệm vụ chính trị nên được Thủ tướng Chính phủ cho phép giữ nguyên là Công ty TNHH MTV 100% vốn nhà nước.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan, VFS (Công ty TNHH MTV Hãng Phim Truyện Việt Nam) không thể tiến hành cổ phần hoá theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 2218/TTg-ĐMDN trong năm 2011. Trong giai đoạn 2014-2015, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ phải khẩn trương hoàn thành việc tái cơ cấu trong năm 2015. Do vậy, Công ty TNHH MTV Hãng Phim Truyện Việt Nam thực hiện sắp xếp theo hình thức cổ phần hoá là tuân thủ theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về tái cơ cấu sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.

Theo tiêu chí phân loại các doanh nghiệp nhà nước thì ngành, nghề hoạt động sản xuất kinh doanh của VFS không thuộc đối tượng Nhà nước phải nắm giữ cổ phần (Nhà nước không cần nắm giữ cổ phần). Tuy nhiên, căn cứ thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty và nhằm ổn định tâm lý cho cán bộ người lao động trong giai đoạn đầu sau khi chuyển sang công ty cổ phần, tập thể cán bộ công nhân viên Công ty đã thống nhất và đề nghị Bộ VHTTDL xem xét tỷ lệ nắm giữ vốn nhà nước sau cổ phần hoá là 20%.

Ông Trần Hoàng cũng cho biết, vai trò sản xuất phim phục vụ nhiệm vụ chính trị của Hãng như trước đây cũng sẽ được thực hiện xã  hội hóa. Nghĩa là Nhà nước sẽ quản lý sản xuất điện ảnh ở việc thẩm định kịch bản những tác phẩm điện ảnh và Nhà nước sẽ tổ chức đấu thầu những tác phẩm điện ảnh có nội dung phù hợp để Nhà nước đặt hàng hoặc chỉ định đặt hàng, giao kế hoạch sản xuất tuỳ theo nhiệm vụ chính trị được giao.

Việc chọn nhà đầu tư cho Công ty cũng được thực hiện trên cơ sở Công ty đã họp toàn thể cán bộ công nhân viên và phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược đáp ứng yêu cầu phát triển của Công ty sau cổ phần hoá.

VFS đã thực hiện đầy đủ các quy trình theo quy định để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược theo quy định tại Nghị định số 59/2011/NĐ-CP. Nhà đầu tư chiến lược được lựa chọn đã cam kết và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt trên cơ sở đề xuất của VFS (đã lấy ý kiến của Đảng uỷ, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên) và Ban chỉ đạo cổ phần hoá VFS.

Cam kết tiếp tục phát triển điện ảnh

Mặc dù làm đúng chủ trương của Đảng, Chính phủ, đúng tâm nguyện của người lao động, song cũng không ít ý kiến bày tỏ lo ngại, liệu Công ty vận tải thủy có chuyển hướng kinh doanh sau khi nắm trong tay số lượng lớn cổ phiếu và sở hữu luôn mảnh đất vàng của Thủ đô.

Theo ông Hoàng, phương án cổ phần hoá VFS đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phê duyệt thì Công ty Cổ phần phải tiếp tục thực hiện hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim điện ảnh. Ngoài ra, Nhà đầu tư chiến lược đã cam kết và đưa vào Điều lệ hoạt động của Công ty Cổ phần là vẫn tiếp tục phát triển kinh doanh điện ảnh (sử dụng một phần vốn tối thiểu (bằng 20%) vốn đầu tư của chủ sở hữu công ty cổ phần và cam kết khai thác, sử dụng hợp lý quỹ đất do Công ty hiện đang quản lý, sử dụng cho lĩnh vực sản xuất phim và văn hóa điện ảnh). Hiện Công ty đang được giao quản lý và sử dụng khu đất tại số 4 Thuỵ Khuê theo hình thức thuê đất trả tiền hàng năm. Thực tế đến nay, VFS chưa ký được Hợp đồng thuê đất với cơ quan có chức năng quản lý nhà đất của UBND thành phố Hà Nội. Ngoài ra, tại thời điểm phê duyệt phương án cổ phần hoá, UBND thành phố Hà Nội chưa chính thức thoả thuận Phương án sử dụng đất (tại địa chỉ số 4 Thuỵ Khuê) vì liên quan đến quy hoạch tại khu vực này và do Công ty chưa hoàn thành các thủ tục về thuê nhà đất (nghĩa vụ về đóng thuế, việc quản lý sử dụng nhà, đất chưa đúng mục đích). Do vậy, sau khi chuyển sang Công ty cổ phần, Công ty cổ phần sẽ có trách nhiệm hoàn thành các nghĩa vụ đóng thuế tại địa chỉ trên và việc quản lý sử dụng khu đất tại số 4 Thuỵ Khuê sẽ theo quy hoạch của thành phố và theo Hợp đồng thuê đất được ký với Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội.. Hiện tại, Công ty Cổ phần chỉ được phép cải tạo các cơ sở sẵn có để phục vụ cho hoạt động sản xuất phim điện ảnh.

Sau khi VFS chuyển sang Công ty cổ phần thì Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giữ vai trò là đại diện vốn chủ sở hữu 20% cổ phần. Tuy mức vốn 20% nhưng cam kết và hợp đồng mua bán cổ phần “đại diện phần vốn nhà nước được cử người tham gia Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và trong Ban giám đốc để chỉ đạo điều hành hoạt động của công ty cổ phần và Công ty cổ phần phải cam kết sử dụng người lao động có kinh nghiệm trong hoạt động điện ảnh để tiếp tục duy trì việc kinh doanh sản xuất phim./.

Thảo Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ